Tài chính - tiền tệ: Rớt sóng - Tạp chí Đẹp

Tài chính – tiền tệ: Rớt sóng

Tin Tức

Nói một cách hình ảnh, khi một doanh nghiệp không thể duy trì được khả năng hoạt động liên tục, họ giống như một chiếc điện thoại di động bị rớt sóng. Trên thực tế, hiện nay có hàng loạt doanh nghiệp niêm yết quy mô vừa và nhỏ đang mất khả năng hoạt động liên tục vì sai lầm trong việc điều hành và chiến lược phát triển bị “chệch đường ray” do lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay.

Lạm dụng đòn bẩy tài chính  

Các ngành nghề trực tiếp chịu tác động mạnh nhất từ suy thoái kinh tế là vật liệu xây dựng, bất động sản. Hai vấn đề chính mà doanh nghiệp gặp phải là hàng tồn kho tăng cao, doanh thu thấp, trong khi vẫn phải duy trì vay nợ, truy thu công nợ khách hàng và trang trải chi phí lãi vay. Trường hợp mất khả năng hoạt động liên tục vẫn xảy ra đối với các công ty dẫn đầu ngành này, chẳng hạn như Viglacera Hạ Long (VHL). Trước năm 2010, doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường gạch ngói xây dựng ở phía bắc này có tăng trưởng doanh thu tốt, tỷ suất lợi nhuận cao do quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ. Nhưng công ty duy trì khoản vay nợ rất cao, thay vì tăng vốn chủ sở hữu để tăng quy mô tài sản. Kết quả là khi ngành kinh doanh vật liệu xây dựng lâm vào khó khăn kể từ năm 2011, công ty lộ rõ nguy cơ tổn thương cao.

Theo BCTC quý II/2012, chênh lệch giữa tài sản lưu động và nợ ngắn hạn của VHL là -321 tỷ đồng, cho thấy mức độ mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Mặc dù doanh thu nửa đầu năm 2012 của VHL chỉ giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 563 tỷ đồng, nhưng công ty đã lỗ 84,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Có thể thấy VHL vẫn tiêu thụ tốt hàng hóa sản xuất ra, nhưng đã xuất hiện 2 vấn đề lớn liên quan tới chi phí và chính sách bán hàng thu tiền ngay. Chi phí sản xuất của công ty đã tăng cao một cách bất thường so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận biên gộp giảm mạnh từ 24% xuống 4%.

Gặp khó khăn về nguồn tiền mặt, nhưng công ty vẫn có quyết định đầu tư khá khó hiểu. Thay vì cơ cấu lại khoản nợ vay ngắn hạn 388 tỷ đồng, công ty lại bỏ ra 46 tỷ đồng để mua lại tài sản của CTCP Sản xuất gạch ngói Duy Thành, góp vốn vào Công ty cổ phần Clinker Viglacera thông qua chuyển nhượng cổ phần từ phía Viglacera Đông Triều. Phải chăng vì những khoản lỗ liên quan tới điều hành đã dẫn tới sự thay đổi chóng vánh hai nhân sự chủ chốt tại cùng thời điểm của VHL là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc trong tháng 7?

Vấn đề hoạt động không liên tục của VHL xuất phát từ ban điều hành: điều phối tài chính kém linh hoạt, các chi phí kém minh bạch, lạm dụng đòn bẩy tài chính trong thời gian dài. Biện pháp hữu hiệu nhất với VHL hiện nay là phải tăng vốn điều lệ để bổ sung vốn lưu động, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Về lý thuyết, VHL vẫn có khả năng phát hành cổ phiếu trên mệnh giá do giá cổ phiếu VHL hiện đang giao dịch quanh mức 16.000 đ/CP. Nhưng còn có công ty bi đát hơn như Gỗ Trường Thành (TTF), buộc phải chấp nhận phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá (5.000 đ/CP) chỉ để có nguồn vốn duy trì hoạt động.  

Tăng trưởng không bền vững

Do dự báo kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường thiếu chính xác, trước đây nhiều doanh nghiệp đã nóng vội đầu tư mở rộng sản xuất ồ ạt, có được tài sản cố định bằng vốn vay ngắn hạn. Giờ đây họ đang phải đối mặt với những quyết định sai lầm của mình. Công ty Đầu tư và Thương mại G là một ví dụ.

Tại thời điểm 30/6/2012, vốn lưu động của công ty bị thiếu hụt 121 tỷ đồng và hàng tồn kho và công nợ phải thu tăng mạnh 50% lên tương ứng là 196 tỷ đồng, 346 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất chính của công ty là kinh doanh hàng may xuất khẩu chịu nhiều sức ép lớn do thị trường xuất khẩu lâm vào tình trạng khó khăn: khủng hoảng nợ công tại châu Âu và kinh tế Mỹ trì trệ.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vòng quay hàng tồn kho bị chậm lại và công nợ phải thu từ khách hàng tăng lên bất thường. Dư nợ vay ngắn hạn của công ty đã lên 619,9 tỷ đồng, chưa kể dư nợ dài hạn 139,4 tỷ đồng, gây ra chi phí lãi vay 41,7 tỷ đồng. Quá nóng vội trong việc thúc đẩy tăng trưởng, công ty đã liên tục mở rộng đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị để tăng năng lực sản xuất, từ đó tăng doanh thu. Công ty đã sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư tài sản dài hạn, dẫn đến chênh lệch về kỳ hạn thanh toán. Doanh thu thuần của công ty những năm vừa qua vẫn tăng trưởng ổn định, thể hiện ở việc từ năm 2008 đến nay chưa quý nào công ty báo lỗ.

Vấn đề của công ty nằm ở việc mất cân nguồn tài chính. Do vậy, khả năng hoạt động liên tục của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vay tín dụng từ ngân hàng và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Hiện nay, lượng tiền mặt của công ty tại thời điểm 30/6 chỉ vẻn vẹn 6 tỷ đồng. Để đối phó với vấn đề này, trong tháng 8/2012 công ty dự kiến lập dự án vay trung hạn ngân hàng 40 tỷ đồng để đầu tư cải tạo mở rộng sản xuất. Quý 4/2012, công ty thực hiện việc dùng tài sản cho thuê tài chính để cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, hai biện pháp trên tỏ ra chưa thực sự khả quan và bắt đúng “bệnh” tăng trưởng thiếu bền vững của công ty này.

Xét cho cùng, bài toán hoạt động liên tục vẫn còn bị nhiều doanh nghiệp bỏ ngỏ do chỉ chú trọng tới lợi ích trước mắt hoặc tăng trưởng quá sức. Để hoạt động liên tục, hoạt động của doanh nghiệp phải được điều hành một cách linh hoạt, trơn tru, kèm theo khả năng dự báo kinh tế vĩ mô chuẩn xác. 

Những dấu hiệu doanh nghiệp không hoạt động liên tục:

Nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản lưu động; phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay ngắn hạn để tài trợ các tài sản dài hạn; luồng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm thể hiện trên Báo cáo Tài chính hay dự báo trong tương lai; không có khả năng thanh toán nợ khi đến hạn. Ngoài ra còn có thể bị thiếu thành phần lãnh đạo chủ chốt mà không được thay thế; mất một thị trường lớn, mất giấy phép bản quyền hoặc mất một nhà cung cấp quan trọng; khó khăn về tuyển dụng lao động hoặc thiếu hụt các nguồn cung cấp quan trọng.

Bài: Gia Trình
Ảnh: T.L


 

Thực hiện: depweb

13/09/2012, 13:00