Tái cấu trúc kinh tế: Ưu tiên chất lượng tăng trưởng và mục tiêu dài hạn

Mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới đi liền với kiềm lạm phát
Mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới đi liền với kiềm lạm phát.
Một trong những mục tiêu của Đề án là phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.
Quan điểm tái cơ cấu được nêu rõ, sẽ nâng cao năng lực và hiệu lực quản trị quốc gia, phát huy vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, đòn bẩy kinh tế, giảm thiểu sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính.
Tại Đề án này, Chính phủ xác định trong điều hành sẽ kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên mục tiêu trung và dài hạn, chất lượng tăng trưởng. Lưu ý là, tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Định hướng trong thực hiện chính sách tài khóa là “chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm”. Hoạt động thương mại sẽ vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không khuyến khích, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo
Về tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng, trong giai đoạn 2013 – 2015, sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng.
Nhiệm vụ trước hết được đưa ra là tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững.
Đề án cũng nêu rõ sẽ tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sử hữu, quy mô và loại hình,…
Quyết định của Thủ tướng về Đề án yêu cầu không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng; đảm bảo chi trả đầy đủ và kịp thời cho người gửi tiền; giảm thiểu tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề rủi ro phát sinh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá, phân loại để có phương án xử lý thích hợp đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng khác. Tập trung trước hết vào các tổ chức tín dụng yếu kém hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt tại các tổ chức tín dụng.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, yêu cầu từng tập đoàn đẩy nhanh thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào các ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan đến ngành kinh doanh chính và vốn nhà nước ở các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Tinh thần đưa ra tại đề án là sẽ thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Theo Dân trí


From the same category