Môi trường khó khăn sẽ tạo lực cải cách?
Hội thảo có sự tham dự của Giáo sư Douglas, Hoa Kỳ; ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế của Chương trình tư vấn Hậu WTO tại Việt Nam; các tổ chức tư vấn quản trị doanh nghiệp nhân sự, tài chính hàng đầu như Towers Watson, PwC, Ernst & Young; và CEO của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Trong sự kiện này, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi và thảo luận về những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quốc tế cho đến những trường hợp cụ thể tại Việt Nam về tái cấu trúc doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2012 – 2013. Các nội dung tái cấu trúc được thảo luận trải rộng tới mọi khía cạnh của quản trị doanh nghiệp từ chiến lược tới tài chính và nhân sự.
Tại Hội nghị, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có một số thành công như kinh tế tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và nằm trong khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới. Động lực tăng trưởng đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cùng với đó là sự chuyển dịch sang những phân đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và tham gia vào mạng sản xuất khu vực.
Toàn cảnh hội thảo CEO Summit 2011 (Ảnh: Vietnam Report) |
Mặt khác, về môi trường kinh doanh, Việt Nam vẫn đang bị đánh giá thấp hơn Trung Quốc và Thái Lan. Thâm hụt ngân sách lớn, năng lực quản trị của bộ máy Nhà nước hạn chế, nguy cơ tham nhũng, cơ sở hạ tầng, lao động thiếu kỹ năng, công nghệ và các vấn đề môi trường đang là những rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và là những rủi ro mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Nhận định về môi trường kinh doanh và triển vọng kinh tế, ông Raymond Mallon cho rằng, trong một số kịch bản có thể xảy ra, khả năng lớn nhất là nền kinh tế thế giới sẽ dần hồi phục và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể nhờ những biện pháp cải cách tích cực của chính phủ.
Đại diện của ngân hàng HSBC Vietnam, ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc, lại kỳ vọng vào việc “môi trường khó khăn sẽ tạo lực cải cách”, và kỳ vọng kết quả tích cực từ công cuộc tái cấu trúc thị trường tài chính, tương tự như cuộc cải cách kinh tế năm 1986 tập trung vào ngành nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới và cuộc cải năm 1999 hướng vào khu vực tư nhân và sản xuất công nghiệp đã giúp cho 2 khu vực này phát triển vượt bậc và trở thành động lực tăng trưởng GDP.
Cuộc cách mạng quy trình, công nghệ và con người
Ngoài ra, các chuyên gia và lãnh đạo DN cũng đều nhận định, doanh nghiệp có thể đứng trước lựa chọn tái cấu trúc ở 2 vị thế chính: bị động và chủ động. Áp lực tái cấu trúc lớn nhất là bối cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng tài chính, khi đó doanh nghiệp phải đối mặt với sự suy giảm mạnh về nhu cầu người tiêu dùng.
Doanh nghiệp phải đưa ra những giải pháp nhằm đối phó với vấn đề làm thế nào để tồn tại và vượt qua khủng hoảng. Nhưng cũng có những doanh nghiệp nằm ở một cực khác. Họ cũng giải quyết những vấn đề về sự yếu kém, tuy nhiên, đó là sự sụt giảm về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong trường hợp đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tiên liệu được những bối cảnh kinh tế trong tương lai, cũng có thể là một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, và tái cấu trúc để đón đầu những khó khăn như vậy.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về quản trị và điều hành hoạt động của doanh nghiệp, như thiếu chiến lược, mất cân đối về dòng tiền, thiếu hụt nguồn nhân lực, và hệ thống không bắt kịp với mô hình phát triển của doanh nghiệp.
Do đó, kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp cần phải là một cuộc cải cách tổng thể doanh nghiệp, quy trình, công nghệ và con người. Khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch, sự e ngại thay đổi sẽ trở thành rào cản lớn nhất để thành công.
Có thể thấy, việc hoạch định chiến lược hoạt động không đơn thuần là điểm khởi đầu mà còn là điểm chính yếu của quá trình tái cấu trúc. Không dễ dàng gì cho các doanh nghiệp khi phải lựa chọn giữa kinh doanh đa ngành hay tập trung vào ngành nghề cốt lõi. Nhưng trước hết, doanh nghiệp cần phải xác định chính xác năng lực cốt lõi của mình, vốn là nguồn lực vô hình và không dễ định lượng.
Tái cấu trúc DN cần phải là một cuộc cải cách tổng thể doanh nghiệp, quy trình, công nghệ và con người. |
Khi đã nắm bắt được điểm mạnh, doanh nghiệp lại phải cân nhắc xem nên lựa chọn mở rộng kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực hay cùng ngành để mở rộng hoạt động của mình. Nếu lợi thế của mở rộng kinh doanh ra ngoài ngành là việc san sẻ rủi ro hoạt động, thì kết quả của việc mở rộng kinh doanh cùng ngành đem lại là: doanh thu được cải thiện một cách rõ nét, nhờ kinh doanh đa dạng các sản phẩm có liên quan với nhau hay tiết kiệm chi phí sản xuất hàng hóa tương đồng.
Tuy vậy, quy mô và lĩnh vực kinh doanh được mở rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề quản trị doanh nghiệp, nếu quản trị không tốt, doanh nghiệp sẽ rơi vào khủng hoảng. Trong vấn đề này, Giáo sư Douglas chia sẻ những bài học của Công ty SKF, Công ty US Office Products, Mỹ, và Asimco, Trung Quốc và tóm lược bằng một thực tiễn là hầu hết các công ty triển khai đầu tư đa ngành cuối cùng đều trở về tập trung phát triển năng lực cốt lõi.
Bất cứ công ty nào khi gặp khó khăn và doanh thu ngày càng sụt giảm thì việc đầu tiên họ nghĩ tới là cắt giảm chi phí không cần thiết, mà theo quan điểm chủ quan của nhiều lãnh đạo, phần lớn là chi phí lao động. Liệu cắt giảm nhân sự có thực sự là phương pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí, hay ngược lại sẽ khiến họ “luống cuống” hơn tổ chức hoạt động, nhất là khi doanh nghiệp đang phải thay máu toàn diện, và rất cần có sự quản lý của những nhân tài, cũng như sự đồng lòng, hợp sức của toàn thể lao động trong công ty. Giáo sư Douglas cũng chỉ ra rằng, hầu hết những quyết định sa thải lao động vội vàng đều không làm giảm chi phí mà ngược lại làm cho chi phí tăng lên do giữ lại những lao động lương thấp và làm việc không hiệu quả.
Thay vào đó, ông Lê Kinh Luân, Chuyên gia tư vấn cao cấp, Towers Watson Vietnam nhấn mạnh việc thay đổi về tổ chức nhân sự của doanh nghiệp khi thực hiện tái cấu trúc. Sự thay đổi này có thể mang lại phong cách lãnh đạo mới và hỗ trợ cho sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh và định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Để thực hiện sự thay đổi đó, doanh nghiệp cần phải có những bước thay đổi văn hóa doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ, cơ chế quản lý nhân tài. Những doanh nghiệp nhấn mạnh tới hiệu quả hoạt động tăng tới 901% giá trị cổ phiếu và 756% thu nhập ròng so với 74% và 1% ở các doanh nghiệp còn lại.
Ở đây, Giáo sư Douglas và ông Lê Kinh Luân gặp nhau ở quan điểm rằng việc khuyến khích tinh thần của người lao động, thấu hiểu và thông cảm những nhu cầu mong muốn của họ chính là chìa khóa mở ra tiềm năng của người lao động.
Các đại biểu tham dự cũng được lắng nghe các đại diện cao cấp từ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm từ chính bản thân và doanh nghiệp của mình.
Hội thảo CEO Summit có sự tham dự của gần 400 đại biểu, khách mời và đông đảo các đại diện của các cơ quan báo chí và truyền thông.
Hội nghị thường niên CEO summit 2012 được tài trợ bởi: Nhà tài trợ chính Công ty CP Bia -Rượu- Nước giải khát Sài Gòn Sabeco, Đơn vị Đồng tài trợ Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 Cienco 1 và Đơn vị tài trợ chủ đề: Công ty Towers Watson và Công ty PricewaterhouseCoopers Vietnam.