Tại anh hay ả - Tạp chí Đẹp

Tại anh hay ả

Sống

 Có rất nhiều những buổi hoàng hôn, tà tà chiều tuyệt vời lãng mạn của Hà Nội, thỉnh thoảng người ta lại thấy một vài đàn ông đạo mạo đang ngay ngắn, thong thả đi bỗng đâm sầm vào vỉa hè hoặc cây ven đường.
 
 Nghe cái câu lầm bầm của ông ta hoặc anh ta cay đắng văng tục thì chợt tự biết rằng nguyên nhân chính là có cô bé nào đó mặc kiểu thời thượng quần bò trễ cạp đi đằng trước, khi rướn người đã he hé lộ tròn trĩnh một dịu dàng ngấn trắng.
 
 Từ thăm thẳm ngày xưa, đàn bà ra đường thì luôn có vẻ bâng quơ, hớ hênh, đoan trang. Đàn ông ra đường thì luôn băn khoăn, ngó nghiêng, tìm kiếm. Tại sao lại vậy, nhiều nhà xã hội học dầy dặn bằng cấp đã uyên bác nghiên cứu nhưng kết quả còn mỏng manh lắm.
 
 Ca dao thời Pháp thuộc có câu “Em mặc áo lụa Hà Đông. Em đi ngược gió anh trông thấy rồi”. “Áo lụa Hà Đông” vừa được giải Cánh Diều Vàng, thế thì tại mắt hay là… tại áo. Vấn nạn này phảng phất như một công án Thiền, trả lời cho thỏa đáng đòi hỏi một ngộ tính cực cao.
 
 Đàn ông khi chăm chú “nhìn” thì đa phần thường vẩn vơ bị “muốn”. “Nhìn” là thao tác trong trắng nhưng “muốn” thì có vẻ… bợn hơn bởi phải vật vã nghĩ. Cũng vẫn ca dao, tương truyền có từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 15 -16) thản nhiên kể rằng “Ba cô đội gạo lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”.
 
 Ca dao là loại hình nghệ thuật mơ hồ, mơ hồ y như tội lỗi, y như cái đẹp nên không chịu minh bạch kể rõ là cái cô yếm thắm kia có hở nách không, đã bỏ bùa cho sư bằng cách gì, để mà “Sư về sư ốm tương tư”. Sư vốn là danh từ nhân xưng ngôi thứ ba nhằm chỉ một kiểu đàn ông có đầy đủ bình thường tứ chi và đặc biệt vững vàng trước vô vàn quyến rũ. Vậy hình như không phải tại sư, nhiều người đời sau áy náy giải thích, đấy là do cái yếm thắm. Mặc yếm rồi đội gạo là một tư thế động đậy vào loại gợi cảm nhất của phụ nữ.
 
 Theo những lý luận tiên tiến của khoa giải phẫu, khi đội gạo, trọng lực cơ thể tất thảy dồn xuống đôi hông, mà cặp hông của các thiếu nữ thì… Đàn ông thanh tịnh ăn chay mới chỉ nhìn suông đã rơi vào khủng hoảng huống chi đám đàn ông quen thói ăn mặn. May mà kiểu dáng nguy hiểm này đã… thất truyền.
 
 Cứ tưởng tượng thử xem, trong tình hình an toàn giao thông của thời bây giờ, hễ ra đến đường là toàn gặp các bà các cô đi Vespa đi @ đi SH phong phanh vừa mặc yếm lại vừa nũng nịu đội gạo.
 
 Sách vở và hiện thực đều nói, đàn ông thì yêu bằng mắt đàn bà thì yêu bằng tai, hệ lụy hoặc đến cho anh hoặc đến cho ả đều từ hai hướng mang tính đặc thù này. Kiệt tác thơ nôm dân gian của vùng Thăng Long “Bích câu kỳ ngộ” (nghĩa là cuộc gặp gỡ kỳ lạ bên Ngòi Biếc) được chính tay Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ghi lại bằng chữ Hán dưới dạng truyền kỳ là một minh họa rõ rệt. 

“Bích câu kỳ ngộ” gồm 648 câu lục bát nôm na kể về một học trò nghèo tên là Trần Tú Uyên, anh này học giỏi nhưng thích nói “không” với bệnh thành tích nên hay đi chơi lang thang. Một lần tới hội chùa Ngọc Hồ, chợt thấy một bóng xinh đẹp thiếu nữ thấp thoáng ngoài tam quan. Đương nhiên, y sì như nhiều đàn ông và đặc biệt như cái ông sư trong câu ca dao thời hậu Lê, Tú Uyên quay về nhà tương tư ốm lăn ốm lóc.
 
 Thế rồi có buổi chiều sau khi uống xong thuốc giảm sốt, anh ta vẩn vơ đi ngang qua đền Bạch Mã (giữa phố Hàng Buồm bây giờ) thì bỗng mua được một bức tranh vẽ Tố Nữ giống hệt như thiếu nữ đã gặp. Tú Uyên treo tranh lên tường nhà, ngày hai bữa mua cơm hộp để hai đôi đũa mời tố nữ cùng ăn. “Kề bên năn nỉ bày tình. Nỗi nhà thuở trước nỗi mình ngày xưa”.
 
 Tố nữ trong tranh tuy không vẽ tai, nhưng vì là đàn bà nên vẫn nghe được, nàng xưng tên là Giáng Kiều rồi xúc động bước xuống sống cùng Tú Uyên. Đại loại câu chuyện còn nhì nhằng lắm, nhưng cuối cùng cũng có kết hậu, mặc dù ở đoạn giữa, Tú Uyên thỉnh thoảng say rượu đã vô cớ đấm vợ mấy cái “Trái tai vả lại ngứa gan. Đang tay nỡ dập hoa tàn tả tơi”.
 
 May cho chàng học trò, Giáng Kiều vốn là tiên nên Tú Uyên thoát được cái cảnh bố mẹ vợ cằn nhằn xúc xiểm. Phố Bích Câu hiện giờ dài 208 mét, đi từ phố Cát Linh đến phố Đoàn Thị Điểm.
 
 Đàn ông khi chiêm ngưỡng đàn bà thì thường nghĩ gì. Nhiều đàn ông khi được hỏi câu này bỗng bật tủm tỉm rồi trả lời bằng thầm thì. Mà đã thì thầm họa chăng chỉ có Trời biết. Nhiều đàn bà căng tai tò mò cố đoán, thì hình như tỉ lệ giữa thanh và tục lẫn lộn khoảng “phíp ti bờ xen” (50/100).
 
 

 Trần Khôi Việt

 

Thực hiện: depweb

13/07/2007, 16:06