Mạng Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin các chuyên gia khuyên rằng nếu muốn khóc thì hãy khóc, đừng để những giọt nước mắt long lanh trong mắt của bạn lại chảy vào dạ dày. Có thể để “đau lòng” nhưng tuyệt đối không để đau dạ dày.
Vì vậy, chúng ta nên sử dụng những giọt nước mắt một cách thích hợp để giải tỏa những áp lực.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng những giọt nước mắt sẽ có lợi cho một tâm lý lành mạnh, nếu kìm nén những giọt nước mắt thì đồng nghĩa với việc “tự tử một cách chậm rãi.”
Nước mắt là loại chất lỏng có vị mặn chảy ra từ mắt khi con người quá buồn hoặc quá vui mừng, hạnh phúc.
Nước mắt được tiết ra bởi tuyến lệ, phân tán giữa mắt và mí mắt làm cho mắt ướt, thường là thông qua các ống nasolacrimal vào khoang mũi.
Nó là một chất lỏng không màu trong suốt, có tính axit yếu với thành phần chủ yếu là nước (98,2%), và một lượng nhỏ các chất khác có chứa các muối vô cơ, protein, lysozyme, globulin miễn dịch A và các thành phần khác.
Theo một bác sỹ tâm lý người Nga, nước mắt đã chứng minh nó là phương thuốc hiệu quả nhất để giảm bớt gánh nặng tâm lý. Rất có thể đây là lý do mà phụ nữ ít bị đột quỵ hay nhồi máu, những bệnh do tâm lý căng thẳng gây ra, như đàn ông.
Theo thống kê, tỷ lệ đàn ông khóc chỉ bằng 1/5 của phụ nữ và do đó đàn ông thường bị mắc các bệnh viêm loét phổ biến hơn so với phụ nữ.
Cũng có nghiên cứu phát hiện rằng prolactin trong nước mắt của phụ nữ nhiều hơn nam giới. Sự khác biệt hoócmôn này có thể là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao phụ nữ thường khóc nhiều hơn đàn ông.
Trên thực tế, có thể trút nỗi đau buồn ra ngoài đặc biệt có lợi cho việc cải thiện tâm trạng. Khi muốn khóc nhưng kìm nén sẽ là nguyên nhân quan trọng gây ra một loạt các bệnh như bệnh viêm loét, cao huyết áp, rối loạn tâm thần.
Lợi ích của nước mắt với cơ thể nằm ở chỗ nước mắt tuôn ra có thể giúp cơ thể giải một số độc tố.
Chúng ta biết rằng sự hình thành của nước mắt ngoài tuyến lệ còn có hàng chục tuyến khác. Như vậy, thành phần của nước mắt khá phức tạp.
Sự kích thích cảm xúc một cách mạnh mẽ có thể khiến cho nước mắt chứa một số độc tố có hại cho cơ thể, giữa một tế bào thần kính với một tế bào thần kinh khác mà muốn truyền tải sự hưng phấn thì cần phải dựa vào một phương tiện môi giới – chất dẫn truyền thần kinh.
Nếu chất dẫn truyền thần kinh quá nhiều sẽ gây xung động thần kinh quá mức. Bởi vậy, cơ thể sản xuất một loại enzyme tương ứng để phá vỡ chất dẫn truyền thần kinh.
Tất cả các enzyme không thể phá vỡ hoàn toàn mà phải dựa vào nước mắt để bài tiết ra ngoài cơ thể. Nếu không bài tiết ra ngoài, chất dẫn truyền thần kinh sẽ có hại cho cơ thể, gây ra các bệnh viêm loét và viêm đường ruột.
Theo VietnamPlus