Tác giả “The Reader”: “Kate Winslet như sinh ra cho một Hanna đáng thương và đáng trách”

Bernhard Schlink 7 lần xem lại “The Reader”

Mới đây Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã trình chiếu bộ phim “The Reader” và tổ chức một cuộc giao lưu thân mật với nhà văn Bernhard Schlink, “cha đẻ” của tiểu thuyết nguyên tác cùng tên.

Cảnh phim “The Reader”

Bộ phim “The Reader” được ra mắt khán giả vào năm 2008, với sự góp mặt của Kate Winslet, Ralph Fiennes, David Kross, Lena Olin, Bruno Ganz… Tác phẩm là câu chuyện day dứt về cuộc đời của của Michael, từ khi còn là một cậu thiếu niên tới khi trở thành một luật sư thành đạt. Số phận của Michael bị gắn chặt với Hanna, một người phụ nữ lớn tuổi mà cậu dành cho vị trí đặc biệt trong tim. Tình yêu, mặc cảm, trách nhiệm và tội lỗi, tất cả đã khiến hai kẻ từng yêu nhau tha thiết trong những ngày nắng tại Berlin đã không dám nhìn vào mắt nhau sau gần chục năm xa cách và cả mãi sau này. Buổi chiếu phim đã khiến nhiều người không kìm được nước mắt, khi những chi tiết rất thật, rất đớn đau được tái hiện bởi diễn xuất tuyệt vời của Kate Winslet, Ralph Fiennes hay David Kross. 

Bộ phim ngay từ khi ra mắt đã nhận được vô số đánh giá tích cực từ phía các nhà phê bình và một giải Oscar dành cho nữ diễn viên Kate Winslet trong vai Hanna Schmitz là minh chứng cho thành công của “The Reader”. Khi câu chuyện đời của Michael kể cho con gái bắt đầu cũng là khi bộ phim trôi tới những giây cuối cùng, đọng lại trong người xem không chỉ là sự phán xét mà quan trọng hơn là những xúc cảm và chiêm nghiệm.

Sau khi thưởng thức tác phẩm điện ảnh, ban tổ chức chương trình dành thời gian cho khán giả có mặt tại cuộc gặp đối thoại trực tiếp với tác giả của tiểu thuyết “Người đọc”. Có rất nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra cho tác giả/giáo sư/ thẩm phán Bernhard Schlink, tập trung làm rõ mối quan hệ giữa nguyên tác và phiên bản điện ảnh chuyển thể, cùng với đó là những trăn trở của người xem về ý nghĩa của nhiều chi tiết trong sách cũng như trong bộ phim. 

Bằng giọng gần gũi, dí dỏm và thâm trầm, Bernhard Schlink đã bày tỏ sự hài lòng của mình đối với phiên bản chuyển thể, mặc dù ông không phủ nhận, vẫn có những chi tiết không đồng nhất giữa sách và phim. Tuy nhiên con số 7 lần xem đi xem lại “The Reader” mà tác giả tiết lộ là bằng chứng cho thấy sự ấn tượng của ông đối với tác phẩm điện ảnh này.

“Kate Winslet là lựa chọn duy nhất của tôi”

Nhà văn 71 tuổi cũng cho hay, Kate Winslet là lựa chọn đầu tiên và duy nhất của ông cho vai Hanna Schmitz. Ngôi sao của “Titanic” như được sinh ra cho một Hanna đáng trách, đáng thương, đầy tự trọng và trách nhiệm một cách mù quáng. Liệu việc để cho mọi người biết mình mù chữ có thể xấu hổ hơn việc nhận mình đã để cho 300 người chết trong tột cùng đau đớn không? “The Reader” không bảo vệ Hanna, mà để nhân vật này đứng trước toà án lương tâm cho tất cả phán xét. Theo tác giả nguyên tác văn học, Kate đã thành công khi diễn tả được tất cả những gì Hanna cần có.

Quá trình chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cũng là một điều gây ấn tượng đối với người tham dự sự kiện 

Giữa những câu hỏi liên hệ giữa truyện và phim, người tham dự cũng đưa ra nhiều nghi vấn và thắc mắc về những chi tiết đầy sức hàm dụ trong “The Reader”. Vẫn với cách trả lời thông minh và cô đọng, Bernhard Schlink không đưa ra một đáp án duy nhất cho từng câu hỏi. Khi một độc giả băn khoăn về sự lảng tránh của nhân vật Michael đối với Hanna, liệu rằng đó là tình yêu, sự mặc cảm hay sự không khoan nhượng, Bernhard Schlink đã trả lời: “Đơn giản, đó là vì Michael cảm thấy điều đó quá sức với mình…” Thật khó có thể đối mặt với một người tình sau khi đã trải qua biến cố đầy nghiệt ngã mà chính cô ấy là tội đồ như vậy. Mọi thứ tình cảm mà người xem nêu lên đều chất chứa trong cái nhìn day dứt của Michael khi quay gót bước khỏi nhà tù, từ bỏ ý định gặp mặt Hanna mặc dù có ngàn vạn câu muốn nói.

Nhà văn Bernhard Schlink đang giao lưu với khán giả Hà Nội

Bên cạnh đó, nhà văn cũng chia sẻ cùng độc giả những cảm xúc, suy nghĩ và lời khuyên chân thành. Với một độc giả mong muốn nhận được chỉ dẫn để có thể viết được tác phẩm có sức nặng, lời khuyên duy nhất của nguyên giáo sư Đại học Humboldt là “Đọc, đọc và đọc…”. Còn với những ai mong muốn tìm hiểu kĩ hơn về nhiều chi tiết trong truyện, hầu như tất cả đều hài lòng với những gì mình nghe và cảm nhận được. 

Chắc hẳn với những người có mặt tại cuộc gặp gỡ khó ai có thể quên câu nói của ông: “Tha thứ là bỏ lại những gì tồi tệ sau lưng và hướng tới những gì tốt đẹp. Tôi cảm thấy đáng thương cho những người không học được cách thứ tha”. Hanna là một kẻ đáng trách, nhưng xứng đáng được vị tha. Điều này không chỉ đúng cho một mình nhân vật, mà còn cho cả một thế hệ, theo lời nhà văn Bernhard Schlink.

Lấy chất liệu từ cuộc sống, “The Reader” còn là những mảnh ghép phản ánh cả một thời đại. Ba thế hệ tuy khác biệt nhưng đứng cùng nhau trong một tác phẩm đã tạo nên bức tranh của xã hội Đức đương đại. Hanna đại diện cho thế hệ trước, bị chiến tranh bóp méo số phận; Michael đại diện cho những thanh thiếu niên thời hậu chiến, một mặt tận hưởng tự do một mặt vẫn bị ám ảnh bởi bóng ma chiến cuộc, còn con gái của anh là đại diện cho một cuộc sống hiện đại đầy sự tươi mới.

Sau gần một giờ đồng hồ giao lưu và trò chuyện, buổi gặp gỡ giữa người xem và nhà văn đã kết thúc trong sự ngưỡng mộ và hài lòng của mọi người. “The Reader” là một cuốn tiểu thuyết vô giá, chứa đựng những giá trị nhân văn – đạo đức đầy mâu thuẫn và phản ánh cả một xã hội đương đại. Người đọc chắc chắn đã có cho mình vô vàn câu hỏi, nhưng cách mà Bernhard Schlink gửi tới người nghe trong cuộc trò chuyện thân tình đã ẩn giấu thông điệp, rằng chúng ta mỗi người sẽ tìm thấy câu trả lời cho riêng mình. Khi đứng trước trang giấy, ranh giới đúng – sai bỗng chốc bị xoá nhoà và chỉ còn sự thật tồn tại.

Bài: Ngọc King

Ảnh: Amazon, Uutahfilm center, Đại sứ quán Đức cung cấp.

logo
 


From the same category