“Nhiều người nghĩ, ‘học kiểu Mỹ’ khó áp dụng, nhưng nhiều phương pháp tôi chia sẻ lại đơn giản đến không ngờ. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con du học nước ngoài hay học tại trường quốc tế. Dần dà, tôi nảy ra ý định tổng hợp các thông tin ấy một cách hệ thống để cha mẹ và đồng nghiệp ở Việt Nam tiện tra cứu. Thế là cuốn sách này ra đời!”. Đó là những lời tâm sự của cô giáo Thu Hồng khi được hỏi về lý do chị viết nên cuốn sách “Học kiểu Mỹ tại nhà”.
Cô giáo Thu Hồng nhấn mạnh, mục đích của giáo dục không phải làm học sinh học giỏi ở trường, mà là để các em được trang bị tốt nhất cho hành trình tương lai khi trưởng thành. Đây là một sự lựa chọn, vậy nên không cần gây áp lực cho các em trong chuyện học. Vì “học là phải vui”!
– Học là phải vui là điều mà chị đang nhấn mạnh trong cuốn sách của mình. Chị có thể tóm tắt sơ lược cách giáo dục này cho độc giả Đẹp online?
Học sinh, nhất là đối tượng trẻ cấp 1 – đối tượng cuốn sách đề cập đến, học nhanh nhất và hiệu quả nhất khi được chơi. Chơi ở đây hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này bao gồm việc tạo điều kiện cho các em được làm những gì mình thích, tiếp xúc với vật dụng hay ý tưởng mình thích. Được giao tiếp với bạn đồng lứa, qua đó học những kỹ năng mềm như thể hiện cảm xúc, bày tỏ ý kiến… Được tự do khám phá và đi đến thành quả, qua đó có kiến thức và trải nghiệm mới. Học với những vật dụng đơn giản xung quanh. Khi đó, việc học sẽ được trẻ nhìn nhận một cách nhẹ nhàng và tự nhiên hơn.
– Đây không phải là một khái niệm giáo dục mới mẻ ở Việt Nam. Phương pháp của chị có gì mới so với phương pháp từng được các cơ sở giáo dục áp dụng trước đây?
Nếu như khái niệm “học mà chơi, chơi mà học” ở Việt Nam được hiểu chủ yếu như sự áp dụng vào quá trình tiếp thu kiến thức thì tại Mỹ, việc dùng các trò chơi được sử dụng cả khi kiểm tra hay ôn tập kiến thức. Ví dụ trước khi kiểm tra hay thi cuối kỳ, các thầy cô hay cho học sinh chơi để ôn thi. “Chơi” ở các lớp học tại Mỹ bao gồm nhiều trò chơi mà người chơi dùng sách vở, kiến thức, máy tính, hay bản thân bộ óc và thân thể mình làm đồ chơi. Tùy sự sáng tạo của thầy cô và tùy từng môn học mà có rất nhiều trò chơi khác nhau như: sắp xếp các từ theo thứ tự bảng chữ cái, tạo từ từ các động tác cơ thể, đi tìm mảnh vụn thông tin, chia nhóm chơi tiếp sức với phép nhân…
– Theo chị, làm sao để trẻ có thể tự học một cách hiệu quả?
Yếu tố mấu chốt là tạo sự hứng thú và đam mê để các em tự duy trì được nhu cầu khám phá, tìm hiểu thêm thông tin mà các em được học, được giới thiệu và đang quan tâm. Phụ huynh hoàn toàn có thể tạo cho trẻ thói quen này ngay từ khi còn bé bằng cách tận dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Các em khó phân biệt được đâu là học đâu là chơi, từ đó có thể học trong mọi hoàn cảnh và tình huống. Kết hợp, thực hiện hoạt động học một cách đa dạng như hát, kể chuyện, đóng kịch… Những cách này không chỉ áp dụng cho môn văn mà còn cho nhiều môn khác.
Bên cạnh đó, hãy luôn gắn những kiến thức trong trường với thực tế đời sống. Như toán học là quanh ta: nhìn cửa sổ, quả bóng… thì đó chính là những khái niệm hình học. Hay khi đưa trẻ đi mua hàng, phụ huynh có thể chỉ cho trẻ cách tính toán, cách tính số lượng mặt hàng là những khái niệm của phép cộng và phép nhân… Khi trẻ gặp những tình huống, vấn đề khó xử, hãy luôn đặt câu hỏi gợi ý hoặc cùng con giải quyết. Đừng để trẻ đối mặt với các vấn đề một mình mà hãy khuyến khích, động viên, chia sẻ. Lúc này, lời động viên đóng vai trò hết sức quan trọng vì sẽ giúp các em tự tin hơn, có tư duy cởi mở và cầu tiến hơn.
– Thời gian gần đây, người ta nói nhiều về chuyện những hình phạt mà giáo viên Việt áp dụng lên học sinh. Có hai luồng quan điểm đồng tình và không đồng tình với cách giáo dục ấy. Ý kiến của chị về việc này?
Tôi không đồng tình với những hình phạt ấy vì chúng thiếu tính nhân văn và vi phạm quyền tự do cá nhân. Tôi nghĩ dù là ở cấp học nào, giáo viên phải hết sức thận trọng khi tiếp xúc với học sinh bằng cả lời nói và hành động. Chỉ cần lỡ lời trong lúc “cả giận mất khôn” cũng có thể là lý do khiến giáo viên Mỹ phải ra toà hay bị khiếu nại dẫn đến đuổi việc, tước chứng chỉ hành nghề. Khi tiếp xúc tương tác giữa thầy – trò phải luôn mang tính chuyên nghiệp như giữ khoảng cách cá nhân, tuân theo những quy định và luật nghiêm ngặt về đụng chạm thân thể, không được đánh vì giận, chỉ được nắm/giữ tay chân học sinh khi học sinh có hành vi nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của những người xung quanh… Những điều này các em học sinh cũng được giáo dục từ khi còn nhỏ.
Cá nhân tôi hết sức hạn chế đụng tay vào người học sinh. Chỉ vỗ vai nhẹ, high-five (chạm 2 bàn tay khi tán dương), ôm hôn học sinh khi những học sinh đó đồng ý và chủ động. Đã là giáo viên, ta nên biết cách lấy yêu thương để hóa giải căng thẳng thay vì cậy đến những biện pháp bạo lực.
– Tuy nhiên, chuyện bạo lực học đường cũng xảy ra trong mối quan hệ giữa các em học sinh – những người chưa đủ kiến thức xã hội và dễ bị sự hiếu thắng chi phối. Đâu là cách giáo dục giúp các em nhận thức được nguy hại của việc này?
Ở Mỹ, có một cách giáo dục rất hay cho vấn đề này đó là xây dựng cộng đồng những người học (community of learners). Khái niệm cộng đồng được dạy đầu tiên trong môn Khoa học xã hội từ cấp tiểu học. Cộng đồng được hiểu là những người sống hay làm việc cùng nhau. Thế nên, từng gia đình là một cộng đồng, mỗi lớp học là một cộng đồng, trường học là một cộng đồng, hay mỗi cơ quan là một cộng đồng, rồi khu phố mình ở cũng là một cộng đồng. Ngoài việc xây dựng tập thể lớp hay cộng đồng đoàn kết thì còn phải tạo môi trường học tập hiệu quả, tích cực. Chính vì việc cho các em thấy mình là một thành viên trong mỗi cộng đồng, các em sẽ tự ý thức được việc mình phải luôn tử tế khi tiếp xúc và tôn trọng lẫn nhau.
Mỗi một giáo viên có cách khác nhau để tạo ra môi trường đó, riêng tôi có vài cách sau:
- Luôn dặn các em coi tập thể lớp như gia đình của chính mình, coi các bạn cùng lớp như anh chị em ruột. Nếu các em không bao giờ muốn đánh hay làm đau anh chị em ruột thì cũng không bao giờ được động đến các bạn khác trong lớp.
- Đề ra những quy định, nội quy của lớp như không động tay chân vào người khác, nói những điều tử tế, lịch sự.
- Tạo môi trường luôn công bằng, thử thách các em bằng những hoạt động học tập khó nhưng thú vị.
- Dạy các em cách thảo luận, bày tỏ ý kiến để biết cách phản ứng khi đồng ý hay bất đồng với một câu trả lời hay cách giải quyết vấn đề. Ví dụ nếu một bạn có câu trả lời giống câu trả lời mình đang nghĩ thì thay vì nói: “Đó là ý tưởng của tớ. Tại sao bạn lại ăn cắp nó?” thì sẽ nói “Tớ đồng ý/Tớ có cùng câu trả lời như vậy”…
- Luôn nhắc nhở những điều nhỏ giúp các em thành công dân tốt như giúp người khác, nhặt hộ bạn vật bị rơi, giúp bạn làm những việc nhỏ hay giải thích rõ cho bạn …
- Tạo cho các em cảm giác an toàn, cả về tinh thần lẫn thể xác để có thể yên tâm học.