Tác giả “Nhà giả kim”: Các cuốn sách được viết sẵn trong tim tôi

Với cách viết đơn giản, dễ tiếp cận nhưng đầy triết lý, có lẽ bí mật để thành công của Coelho là: nói với mọi người những điều họ ước ao, và khẳng định rằng điều chúng xảy ra là hoàn toàn khả thi. Paulo Coelho cũng là nhà văn Mỹ Latin được đọc nhiều nhất sau thời của Garcia Marquez.

– Chào nhà văn Paulo Coelho, ông có hứng thú với việc xây những cây cầu giữa các nền văn hoá không?

– Là một nhà văn, anh buộc phải hứng thú với các nền văn hoá khác nhau, những nền tảng khác nhau. Anh không thể ở đó chỉ để viết về mỗi ngôi làng của mình được.

Anh viết để cho thế giới thấy một chút ít về làng anh, nhưng đồng thời cũng để hiểu những ngôi làng khác nữa. Giống như Tolstoy nói: Mọi thứ diễn ra ở làng này thì cũng xảy ra ở làng khác.

– Ông được dạy như thế từ nhỏ à à? 

– Khi còn là một đứa trẻ, tôi bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nền văn hoá và những thứ tôi đọc – Ả Rập, Do Thái, Mỹ – và tôi trở nên rất hứng thú. Chúng ta không chọn nhạc đúng với “định hướng chính trị” để nghe. Chúng ta chọn những thứ mà chúng ta thích hoặc không.

“Hãy luôn là người bạn muốn trở thành… và nhớ những gì đáng giá bạn đang có vì kho báu nằm ngay bên trong bạn.” – “Nhà giả kim” 

– Vậy ông có cảm thấy rằng chúng ta đang có nhiều cây cầu nối giữa các nền văn hoá hơn trước đây không?

– Ngày nay, tôi thấy tất cả những cây cầu đều đã gãy. Dường như không có ai đủ khả năng để hiểu người khác nữa. Tôi cảm thấy đây là trách nhiệm của tôi, như một con người, một người đang cố gắng – giống như mọi người khác đang nghĩ ngợi về tình trạng của thế giới – phải củng cố sự quan trọng của các kết nối đa văn hoá. Miễn là anh còn một cây cầu, không có gì bị mất đi.

Nhưng từ khoảnh khắc mà anh không thể hiểu nổi câu chuyện được kể, hay âm nhạc của những nền văn hoá khác nữa, thì chúng ta sẽ trở thành người xa lạ với nhau, và tình cảnh đó sẽ trở nên vô cùng phức tạp.

– Tôi có thể nói rằng ông chính là cầu nối văn hoá với sự hiện diện của ông ở trên mạng – ông có hàng triệu like trên Facebook, hàng triệu người theo dõi trên Twitter, ông còn viết blog từ năm 2006 nữa… Tại sao ông lại chăm chỉ hoạt động trên Internet đến vậy?

– Internet là một hệ sinh thái mới, và là một nhà văn, tôi phải tìm kiếm các hệ sinh thái có thể dùng cho việc viết lách. Internet là một trong số đó. Con người đang đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn nhờ có Internet. Vì thế, thế giới ảo chính là một cách để tôi lắng nghe các độc giả của mình và tương tác với họ. Đó cũng là một cách để họ có thể bày tỏ quan điểm của mình. Tôi thích được thử thách với ngôn ngữ, vì thế, tôi bắt đầu viết blog để mọi người có thể tải về đọc và lan truyền.

Không có mục đích thương mại nào đằng sau cả. Chỉ là vì niềm vui, giống như anh làm thế vì anh thực sự yêu thích. Tôi có những tác phẩm viết riêng cho Internet, và tôi đăng lên blog. Tôi thực sự quan tâm tới việc các cư dân mạng phản hồi lại với những tác phẩm mà tôi riêng viết cho họ thế nào.

– Ông có khó chịu với chuyện quá dồi dào thông tin thì cũng đồng thời có ít sự tôn trọng nguồn hơn?

– Tôi không chắc chắn lắm. Tôi nghĩ bạn càng có nhiều thông tin, bạn càng tìm được thông tin phù hợp với các mục đích của riêng bạn.

– Có phải là ông luôn tìm kiếm một chiếc lông màu trắng* trước khi ông bắt đầu viết?

– Điều đó đúng, với việc bắt đầu một cuốn sách. Có nghĩa là có một truyền thống từ hồi cuốn “The Pilgrimage”, cuốn sách đầu tiên của tôi từ năm 1987. Từ đó trở đi, tôi không chắc rằng tôi có nên viết sách nữa hay không, tôi luôn ở trong sự nghi ngờ. 

– Thế nếu ông có một ý tưởng tuyệt vời và ông rất muốn bắt đầu viết, nhưng ông lại không tìm thấy cái lông vũ trắng nào?

– Không, thường thì anh phải tìm một cái lông vũ trắng. Lúc mà tôi tìm thấy cái lông vũ trắng, tôi sẽ bắt đầu viết. 

– Vậy ông có dấu hiệu nào tương tự sẽ nói với ông rằng cuốn sách viết về cái gì, hay ông đã quyết định trước đấy rồi?

– Tất nhiên tôi cũng là con người, và tôi tò mò về chuyện gì sẽ diễn ra trên thế giới, và có rất nhiều chủ đề để viết, như anh gặp rất nhiều người thú vị. Nhưng một ý tưởng sẽ ở đó, và nó sẽ xuất hiện mà chẳng có logic nào cả. Đó là một quyển sách đã được viết sẵn trong trái tim tôi trước khi nó được viết ra thành từng câu. Vì thế tôi không chọn lựa gì cả. Bình thường, cuốn sách sẽ chọn tôi.

– Vậy là ông không hề viết sách với một ý định nào đó trong đầu?

– Tôi viết vì tôi cần phải chia sẻ những suy nghĩ của mình với độc giả. Tôi không biết các cuốn sách có làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn hay không. Tôi không viết với mục đích đó. Điều tôi biết là tôi nhìn thấy các độc giả của mình tạo ra một số lượng tới hạn**, vì thế ít ra chúng ta có thể hiểu được thế giới theo một cách khác. 

Bạn phải thay đổi bản thân. Vào giây phút bạn thay đổi bản thân mình, đó là một bước tiến lớn. Và đó là thứ tôi làm. Quyển sách quan trọng hơn nhiều so với người viết.

– Nhưng con người cá nhân của ông vẫn hiện diện trong tác phẩm.

– Tôi luôn có mặt trong tác phẩm, và tác phẩm của tôi, theo một cách nào đó, thể hiện tâm hồn tôi, nhưng cùng lúc đó tôi nghĩ rằng nhà văn không thể viết ra từ hư vô. Có hai loại nhà văn: một kiểu giống như như Proust, người khoá mình trong phòng và viết tác phẩm đỉnh cao “Đi tìm thời gian đã mất”. Và kiểu khác là Hemingway, người luôn ca tụng cuộc sống và ông cũng viết nên những tác phẩm đỉnh cao.

– Chủ đề trung tâm của “Nhà giả kim” (The Alchemist), cuốn sách nổi tiếng của ông, là ý tưởng rằng mỗi người nên sống trong sự theo đuổi giấc mơ của họ. Cuộc sống của ông ở ngoài đời có đúng như ý nghĩa của lý thuyết đó không? Hay ông vẫn đang đi tìm thứ gì đó?

– Tất nhiên là nó tuyệt đối có ý nghĩa, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng tôi hiểu ý nghĩa của nó. Vấn đề không phải là trả lời được các câu hỏi, mà phải để các tranh luận vẫn để ngỏ.  Không có nghĩa rằng một ngày nào đó anh sẽ có câu trả lời, anh có thể không có câu trả lời nào cả. Chỉ cần sống cuộc đời của anh, làm những gì anh phải làm, làm những thứ anh thực sự muốn làm.

*Chiếc lông vũ trắng (a white feather): Đây là một biểu tượng cho những giấc mơ, sự di chuyển tự do, hoặc tượng trưng cho một khởi đầu mới về tinh thần, niềm đam mê, trí thông minh… 

**Số lượng tới hạn (critical mass): Thuật ngữ xuất xứ từ vật lý hạt nhân, để chỉ mật độ vật chất tại giới hạn của một chất đồng vị phóng xạ cho phép xảy ra phản ứng phân hạch.

Hoa Đường

Lược dịch từ The Talks

logo


From the same category