Vết nứt đầu tiên
Lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc là vào năm tôi học lớp Mười. Khi đó, mẹ vừa từ buổi họp phụ huynh ở trường cấp ba của tôi trở về nhà. Cô chủ nhiệm gặp riêng mẹ để hỏi về gia đình tôi, rằng cuộc sống liệu có điều gì xáo trộn đến nỗi một cô bé từng thi đậu vào trường với số điểm cao lại có thể tụt hạng một cách thảm hại chỉ sau học kỳ đầu tiên.
Mẹ tôi bị sốc. Bởi gia đình tôi trước đây, ngay tại thời điểm đó, và cả sau này, vẫn là một chiếc nôi êm đềm, chẳng có bất kỳ một biến cố nào nghiêm trọng. Cuối buổi chuyện trò thân mật, trong nỗi vô vọng khi truy tìm nguyên nhân, sau cùng, cô kết luận, kết quả học tập của tôi giảm sút là vì tôi có bạn trai. Mẹ tôi đinh ninh là cô nói đúng. Mẹ không chỉ sốc mà còn buồn lòng ghê gớm. Tôi có thể đọc được điều đó rõ ràng trong đôi mắt ngấn nước của mẹ. Cha tôi nghe tin cũng rầu rĩ không kém.
Ở tuổi 16, tôi không giỏi phân tích để tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Tôi biết chắc nguyên nhân kết quả học tập của mình kém hơn so với lúc trước không phải như người lớn phỏng đoán. Từ lúc vào lớp Mười, trừ môn Văn và tiếng Anh tôi vốn yêu thích từ bé và môn Địa lý có cô giáo giảng bài theo một cách rất sáng tạo khiến tôi vô cùng hứng thú, thì tôi hầu như chống lại các môn học khác.
Mỗi lần giáo viên giảng bài, tôi cảm thấy chán chường, không muốn nghe, và có chú ý cũng không lọt tai. Tôi cố gắng học để đối phó với điểm số nhưng dường như kế hoạch này cũng vô vọng. Tôi không lý giải được chính mình và cũng không biết tâm sự với ai. Một khoảng cách vô hình xuất hiện giữa tôi và những người yêu thương nhất.
Con quá nhiều suy nghĩ – Cha mẹ quá nhiều lo lắng
Lên lớp 11, con đường học tập cũng không sáng sủa hơn là mấy. Nhưng bên cạnh việc học, tôi lại có duyên làm cộng tác viên cho một tờ báo tuổi teen. Mỗi lần tôi mang một quyển báo về nhà, rõ ràng cha mẹ vui hơn một chút, nhưng khoảng cách giữa chúng tôi vẫn chưa thu ngắn lại. Ông bà vẫn không hiểu được tại sao con bé năng động có vẻ ra trò thế kia vẫn chưa đem về một bảng điểm như mong đợi.
Trong thời gian trải nghiệm công việc thú vị này, tôi có cơ hội tìm hiểu tâm sinh lý của các bạn đồng trang lứa, đồng thời, hiểu rõ chính mình hơn. Tôi dần tìm ra nguyên nhân mình lơ là việc học.
Tôi nhớ rõ một lần phụ trách đề tài tuyển sinh Đại học, tôi đã gõ cửa phòng Giáo vụ của một trường Đại học lớn, tiếng tăm bằng sự háo hức rằng biết đâu mai này mình cũng sẽ thường xuyên ra vào ngôi trường khang trang này. Tôi muốn nhờ các cô tư vấn chọn nghề cho các bạn học sinh cuối cấp và câu trả lời nhận được là “Chọn học ngành nào mà chẳng được hả cô bé? Con cứ học đại đi, rồi ra trường làm ở đâu hợp thì làm!” Tôi thất vọng tràn trề. Lúc đó, tôi nhận ra lý do vì sao mình không tha thiết học hành.
16, 17 là lứa tuổi những cô cậu học sinh chúng tôi bắt đầu biết nghĩ về tương lai, biết ước mơ, biết kỳ vọng, biết phấn đấu bằng tất cả nhiệt huyết để tiến về phía trước. Nhưng đứa-con-gái-bẻ-gãy-sừng-trâu là tôi khi đó đã chẳng nhìn thấy tương lai của mình ở đâu cả. Tôi không được định hướng và cảm thấy mất phương hướng hoàn toàn. Liệu việc học có thật sự đem lại kết quả gì không? Có ai có thể nói cho tôi biết tôi phải làm gì không? Tôi không muốn trở thành một con người sống nhạt nhòa không có hoài bão.
Hãy viết những tâm tư ra giấy
Tôi đã viết một bức thư rất dài cho cha. Trong cuộc sống, giữa người và người, luôn có những khoảng cách cần được lắp đầy. Với chúng tôi, khoảng cách đó hoàn toàn có thể thay bằng một mẩu giấy. Trước đó, tôi không biết phải viết gì, nhưng giờ thì tôi đã có thể đặt bút viết ra những gì tôi muốn.
Trong thư, tôi kể cho cha mẹ nghe việc tôi đã đến trường Đại học kia, về việc tôi đã thừ người ra nhiều ngày chỉ để nghĩ xem mình thật sự thích gì, muốn trở thành người như thế nào trong tương lai, những ưu – khuyết của bản thân. Kết lại, tôi muốn được thay đổi môi trường học tập.
Tôi nhớ lại cảm giác mình đã ngóng đợi đến tiết Địa lý như thế nào. Cách cô giáo cho chúng tôi tự tìm hiểu thông tin trước trên mạng rồi lên lớp thuyết trình khiến tôi vô cùng hứng khởi. Tôi nghĩ mình cần một môi trường học tập cởi mở hơn, nơi tôi sẽ khám phá ra những khả năng tiềm tàng, nơi những ước mơ được chắp đôi cánh tự do.
Lá thư đã thay đổi mọi thứ. Cha mẹ hiểu ra vấn đề, cùng tôi ngồi xuống tìm cách giải quyết. Tôi tìm hiểu thông tin những trường tôi cho là phù hợp. Cha đến tận nơi để tìm hiểu kỹ càng. Mẹ luôn hỏi han, quan tâm, và nói rằng “Con cứ hãy chọn làm điều con muốn. Đã có cha mẹ ở đây!”.
Cuối năm học đó, tôi quyết định bỏ dở lớp 12, thi lấy học bổng của một trường Cao đẳng ở Singapore. Lá thư ngày đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô bé 17 tuổi, là một mắc xích để tôi trở thành tôi ở thì hiện tại – một người phụ nữ độc lập, tự do làm điều mình thích.