Ta thương, ta bất thường - Tạp chí Đẹp

Ta thương, ta bất thường

Sống
Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu… Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động… Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…

Em và chồng em là hai đại gia nức tiếng của Sài Gòn, dù rất trẻ. Công việc, chức tước của cả hai cùng những phiên họp đại sự liên tu, khiến ta đương nhiên mặc định cho họ sự khô cứng, già cỗi. Vậy mà hôm kia em hơn hớn gửi chị xem đoạn video clip có tên “Đố vui với Sukem” (Sukem là tên âu yếm của con gái em, ba tuổi). Trong video ta thấy ông bố đại gia quần cụt, áo thun nằm la lết với con như  “thằng bạn” dưới sàn nhà. Và đây là đối đáp rôm rốp (nhưng) thong dong giữa họ.

Ba: Cái mông để làm gì? Kem: Cái mông để ị. Cái chân để làm gì? Cái chân để đi. Cái tay để làm gì? Cái tay để cầm đồ ăn với xúc ăn. Cái bụng để làm gì? Cái bụng để xoa. Cái lỗ mũi để làm gì? Cái lỗ mũi để sờ. Lỗ tai để làm gì? Lỗ tai để ngoáy. Cái má để làm gì? Cái má để vuốt. Cái tí để làm gì? Cái tí để mặc áo. Cái lưng để làm gì? Cái lưng để… mặc áo đằng sau. Cái đầu gối để làm gì? Cái đầu gối để quỳ. Cái răng để làm gì? Cái răng để nhai nuốt. Cái tóc để làm gì? Cái tóc để chải đầu. Cái ngón tay để làm gì? Cái ngón tay để… chỉ. Cái ngón chân để làm gì? Cái ngón chân để… đi cùng bàn chân. Ba để làm gì? Ba để ôm Kem. Mẹ để làm gì? Mẹ để yêu Kem. Sukem để làm gì? Sukem để yêu em Sushi. Sushi để làm gì? Sushi để yêu bà nội.

Kết thúc cuộc đố vui, theo ghi chú của em, ba mẹ đè con gái ra… hun.

 

Như bị thôi miên, chị cứ xem tới xem lui đoạn video mà ở đó ông cha quần cụt áo thun nằm la lết bên con như bạn, cố ý gằn giọng chữ “cái” ngây ngô ở mỗi đầu câu để (cũng) thành… con nít. Xem, để khó hình dung đó là ông chủ một công ty lớn, sống trong căn hộ rộng 400m2 ở tận tầng… 23 của chung cư!

Đến hẹn lại lên, mấy ngày qua tràn ngập trên báo chí hình ảnh phụ huynh ồ ạt đưa cháu con về phố thi đại học – những người đã cuống quýt vượt qua, có khi, nhiều trăm cây số để cùng cháu con nôn mơ thời vận, đặt cược với tương lai… Trong cái toàn cảnh nghìn nghịt, tất tả, đông ken trên phố, chúng ta sẽ phải dừng mắt thật lâu trước những cận cảnh khác thường: Là bà lão tuổi 82, bốn lần đưa các cháu đi thi. Là ông lão tuổi 90 lụm cụm đưa đứa cháu ngoại mồ côi đi ứng thí. Là bà mẹ trẻ hồng hộc (nhưng) hả hê bởi đã kịp – như chú thích ảnh – phóng xe máy hơn 20km để quay về nhà lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp con mình lỡ bỏ quên. Là bà mẹ hoa râm đoan trang bỗng thiêm thiếp hớ hênh nơi góc phố chờ con. Là bà mẹ rón rén cơm trưa bánh mì, nước lã nhưng sẵn sàng đấu khẩu với trật tự viên để được nhìn con rõ nhất.  Là ông bố chăm chỉ (dù vụng về) quạt mát cho con trong những phút nghỉ ngơi. Là ông bố ép mặt song rào, tay vươn xa, miệng mở to gọi tên con. Là ông bố trung niên nghiêm trang bỗng loi choi vắt vẻo trên cao để sớm thấy đứa con (mình đinh ninh) tươi tỉnh ra khỏi phòng thi…

Vậy đó, trong cuộc đua gập ghềnh miên hoan tới tương lai, những con người có tên chung phụ huynh đã làm tất cả những điều mà thường nhật có khi/chắc chắn họ ngại ngần, nao núng hay cự tuyệt. Vậy đó, đến hẹn lại lên, mỗi mùa thi lại khiến tim người xao xiết.

Chị tình cờ thấy trên mạng bức thư của người cha có tên V. Đây là một đoạn trong thư đó:

“Khi ba ngồi viết những dòng này cũng là lúc mẹ và con yêu đang trên đường về nhà ông bà ngoại. Cho ba xin lỗi vì đã không thể cùng con trong hành trình đầu tiên của cuộc đời, nhưng ba tin rằng thiên thần nhỏ của ba sẽ vượt qua bằng chính nghị lực của con. Mẹ rất yếu, lại bị chứng say xe nên thực lòng ba không muốn mẹ đi, nhưng hơn ai hết ba hiểu lòng mẹ. Mẹ đã lâu không về thăm ông bà ngoại, cũng như ba nhớ gia đình biết nhường nào. Ba ngồi đây, đành viết những lời tâm sự với con, bằng giọt nước mắt lo âu và hạnh phúc. Không ai biết cuộc đời sẽ ra sao, nhưng ba nghĩ ba đang là người hạnh phúc nhất thế gian. Ba có con là đã có cả thế giới này. Con biết không, có con, ba trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn cả thánh thần. Ba vừa gọi điện cho mẹ, nhưng chắc mẹ con mệt, đang ngủ nên không nghe máy. Không biết hai mẹ con trên xe thế nào. Thiên thần nhỏ hãy giúp ba hôn lên má mẹ con với lời chúc thượng lộ bình an và tạm biệt. Hẹn gặp lại hai mẹ con sau một tuần nữa. Người cha hạnh phúc nhất thế gian”.

Lá thư (dù thắm thiết, lâm ly hơi quá đáng) thực ra cũng bình thường, nếu như đứa con mà người cha tên V. nhắc đến không phải là một… bào thai chỉ mới 5 tháng tuổi.

Em đẹp, em có quyền… Ta thương, ta có quyền bất thường.

Bài Việt Linh


Thực hiện: depweb

16/08/2012, 16:41