Bạn vừa mới kết thúc mối quan hệ, trong nỗi đau đớn của một cuộc chia tay và mặc dù đã nỗ lực tất cả, bạn chỉ đơn giản là không thể ngừng nghĩ về người yêu cũ của mình. Mặc kệ nguyên nhân chia tay là gì, mắc kẹt trong suy nghĩ về “ex” chưa bao giờ là dễ chịu.
Có rất nhiều lý do khiến mối quan hệ cũ hiện ra trong tâm trí bạn, một bức ảnh, ngày kỉ niệm, những việc từng làm chung, nơi từng đến,,, ôi vô vàn. Hoặc ích kỷ hơn, chúng ta hẹn hò với một người mới mà không ngừng so sánh giữa hai người họ.
“Con người là sinh vật của thói quen, bên cạnh thói quen thực tế (ví dụ như lộ trình bạn đi đến văn phòng của bạn) và thói quen thể chất (ví dụ như cách bạn gõ chân hoặc nghịch tóc), chúng ta còn có thói quen cảm xúc,” chuyên gia trị liệu tâm lý Shadeen Francis giải thích. Có những lúc trong cuộc đời, khi chúng ta mong đợi cảm thấy hoặc hy vọng sẽ cảm nhận được, đó chính là thói quen của cảm xúc. Và thói quen cảm xúc là kiểu phản ứng chúng ta tạo ra một cách cố tình hoặc vô tình trong nỗ lực điều hướng và định hình thế giới xung quanh.
Và khi chia tay (tức là hoàn cảnh cho các thói quen cảm xúc đã thay đổi) chúng ta mới nhận ra điều này. Lúc này, ta nhận ra thói quen đó đã ăn sâu đến mức nào. Phải mất một thời gian để xoá bỏ cảm giác đau buồn khi nghĩ về người yêu cũ, chấp nhận nếm trải lại những ký ức vui vẻ xuất hiện trong quá trình xoá bỏ ấy. Hành trình buồn bã này có thể đến với bất kỳ ai, kể cả khi bạn là người chủ động chia tay hoặc dự đoán trước kết cục tan vỡ.
Bên cạnh đó, con người có xu hướng kiếm tìm sự an toàn, và đứng trước sự chông chênh của cảm xúc, việc não bộ tua lại khoảng thời gian hạnh phúc trước đó là hoàn toàn tự nhiên, không chứng minh được rằng bạn đang tiếc nuối về mối tình ấy.
Khi bạn đột nhiên không thể ngừng nghĩ về người yêu cũ, bạn có thể bắt đầu tự hỏi liệu mình đã thực sự sẵn sàng cho mối quan hệ tiếp theo. Lúc này, đừng tránh né chuyện cũ mà hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Mỗi một tan vỡ trong quá khứ sẽ để lại bài học để bạn tiếp tục nuôi dưỡng các mỗi quan hệ trong tương lai, giúp bạn hiểu hơn về bản thân trong hiện tại.
Thậm chí, việc không ngừng nghĩ về “ex” cũng có điểm tốt. Bạn nên nhìn nhận thẳng thắn xem tại sao người này và những trải nghiệm của bạn với họ lại ảnh hưởng như bạn nhiều đến như vậy, từ đó, bạn có thể tìm kiếm điều đó trong những mối quan hệ khác như bạn bè, người thân, hay tự tạo cho chính bản thân mình mà chẳng cần tìm đến yêu đương.
Tuyệt nhiên, đừng bao giờ tìm cách quên sầu bằng việc tìm kiếm một mối quan hệ mới để khoả lấp chuyện cũ, bởi khi chưa sẵn sàng, bạn sẽ không lường trước kết cục liệu chuyện tình mới này có khiến bạn tổn thương một lần nữa hay không. Một kết nối mới không đủ để chữa lành vết thương cũ, và bạn sẽ chỉ loanh quanh trong cảm giác đau buồn không dứt. Khi bạn tìm một điều mới điều quên đi điều cũ, chứng tỏ bạn vẫn đang bị quá khứ kìm hãm. Hãy mạnh dạn nói chuyện với người yêu mới (tiềm năng) nếu bạn cảm thấy họ thực sự sẽ là một nửa hoàn hảo của mình trong tương lai.
Hãy trò chuyện với những người thân yêu của bạn, tâm sự với chuyên gia tâm lý nếu bạn cần. Ngoài ra, việc tham gia vào các hội nhóm về một kỹ năng mới nào đó bạn muốn học cũng sẽ giúp bạn chữa lành vết thương lòng cũng như tạo một bầu không gian tích cực mới trong cuộc sống. Nghe nhạc, đọc sách, nuôi thú cưng, bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy vui vẻ.
Người ta thường lý tưởng hóa các mối quan hệ trong quá khứ (ngay cả những mối quan hệ tồi tệ). Bất cứ khi nào những hồi ức quay lại, hãy cố gắng nhắc nhở bản thân rằng người yêu cũ (và vấn đề của họ) là lý do mà hai người tan vỡ. Nếu cần thiết, bạn có thể lấy giấy bút ra và liệt kê lại.
Cho dù vừa mới chia tay hay hiện đang ấm êm trong một mối quan hệ mới, thì việc nghĩ về người yêu cũ là một phần của quá trình hàn gắn trong lòng bạn, giống như việc ăn kem, khóc lóc hay say sưa xem các bộ phim buồn. Đừng hốt hoảng khi vô tình nghĩ lại chuyện cũ mà hãy chuyển hướng đến kết cục: Suy cho cùng, sự chia tay đã đưa chúng ta đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn, và chúng ta xứng đáng có được điều này.