T-Shirt – từ áo lót thành áo mặc ngoài

Người ta đã viết rất nhiều về áo phông t-shirt, từ loại áo lót cho đàn ông trở thành hình tượng của sự sexy nam tính cho đến việc t-shirt in logo là biểu hiện đáng xấu hổ nhất của sự thương mại hóa thời trang.

Đây là trang phục dân chủ nhất của thời trang, ai cũng có thể mua được, mặc lúc nào cũng được, cũ mới đều tốt, và ai cũng có thể sản xuất để bán được. Về kiểu dáng mà nói, sự khác biệt của hàng chợ, no name, DIY (hàng tự tạo) đến những thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới không hẳn là đáng kể. 

Các nhà nghiên cứu lịch sử thời trang không được thống nhất lắm về nguồn gốc của áo t-shirt. Có lẽ một trong những nguyên nhân là lòng tự hào dân tộc: người Mỹ không muốn người Anh hay người Pháp giành vị trí trendsetters – những người đi đầu và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực thời trang nam giới, và ngược lại.

Để xác định thời điểm “xu hướng t-shirt” xuất hiện, phải để ý đến ba yếu tố. Thứ nhất là đây là áo lót, chứ không phải đồ lót áo liền quần. Thứ hai, vải may áo t-shirt là vải bông dệt thun mỏng, không phải loại áo len dày hay vải lụa. Thứ ba, đây là áo ngắn tay (và tạo dáng chữ “T”), chứ không phải tay dài, hay áo ba lỗ không có tay. Một nguồn thông tin viết rằng thủy thủ Anh được đổi áo lót dày (đan len, ấm) không tay thành áo lót dày, có tay vào đầu thế kỷ 20. Lý do là để giữ phép lịch sự khi nữ hoàng Anh quyết định thăm các tàu chiến của hạm đội.

Nhiều người cho rằng tại Mỹ, đồ lót dày trở thành đồ lót mỏng trong những năm 1920, khi việc sưởi ấm nhà ở tại địa lục này bắt đầu trở nên thông dụng. Cũng có người còn nhắc đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Lính thủy Mỹ mặc áo lót len dày sang châu Âu và trở về với những chiếc áo lót thun mỏng của thủy thủ Pháp. Tuy vậy, đây vẫn là áo không tay (áo ba lỗ). 

Gì thì gì, người ta thống nhất với nhau rằng áo phông T-shirt trong dạng của hiện nay trở thành đồ lót thông dụng tại Mỹ trong thập kỷ 1930. Và cũng nhờ người Mỹ, nó trở thành trang phục – hình tượng của thời trang, nếu không nói là của văn hóa. Đầu tiên, trong thập kỷ 1940, thủy quân Mỹ và sau đó là các binh chủng khác của quân đội Mỹ trang bị cho lính tráng áo t-shirt trắng làm đồ lót.

Sau đó Marlon Brando, James Dean – hai ngôi sao điện ảnh Mỹ – phanh ngực khoe áo t-shirt trắng trên màn hình trong thập kỷ 1950 và áo lót này trở thành áo mặc ngoài, hình tượng của tuổi trẻ, của sự phản kháng của tuổi trẻ và sự hấp dẫn giới tính của tuổi trẻ cho thanh thiếu niên Mỹ và châu Âu.

Thực ra thì hình tượng của “ông chúa trẻ” Marlon Brando gồm có: 1: Marlon Brando. 2: Xe mô tô phân khối lớn. 3: Áo da cho người đi mô tô phân khối lớn. Quần bò Levi’s và áo phông t-shirt trắng chia nhau vị trí số 4. Tuy vậy, đây mới chính là hai thứ dân chủ nhất, phổ thông nhất, gần gũi nhất với quần chúng và văn hóa pop.

Về sau này, áo t-shirt trắng rẻ tiền trở thành “tờ giấy trắng” để viết, in, hô khẩu hiệu chống chiến tranh, đồng thời cũng là cách rẻ nhất để các thương hiệu (không chỉ thời trang), thành phố, đất nước, ban nhạc, câu lạc bộ bóng đá, phim, triển lãm nghệ thuật quảng cáo, kiếm tiền và để những người làm đồ giả thả sức “ăn theo”.



James Dean, một trong những người “có công” lăng-xê
t-shirt trở thành trang phục mặc ngoài


Tại Mỹ, hơn 200 ngàn áo phông in hình hàm cá mập được in ra để quảng cáo cho bộ phim “Jaws” năm 1975 của Steven Spielberg. Năm 1976, khi “Charlie’s Angels” với Farrah Fawcett được công chiếu, người ta bán 12 triệu tờ áp phích quảng cáo phim in hình cô mặc bộ đồ tắm màu đỏ. Wikipedia nói rằng áp phích đó đã đem lại cho cô diễn viên nổi tiếng này nhiều tiền hơn là cát xê đóng phim.

Những chiếc áo t-shirt in ảnh áp phích cùng năm đó có thể coi là “áo phông sao” đầu tiên trên thế giới, hiện được rao bán trên amazon.com với giá 400 đôla. Vô chính phủ hay phim thương mại, t-shirt thực sự trở thành “chất liệu” lý tưởng trong kinh doanh.

Năm 1984, nhà thiết kế mốt người Anh Katharine Hamnett in dòng chữ “58% don’n want Pershing” lên áo phông trắng rồi mặc áo đi gặp thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại trụ sở chính phủ ở phố Downing Street. Áo phông trở thành khẩu hiệu chính trị phản đối việc Mỹ và khối NATO đặt tên lửa Pershing mang đầu đạn hạt nhân tại Anh. Katharine Hamnett là nhà tạo mốt đầu tiên dùng thời trang, với trang phục rẻ tiền nhất, đơn giản nhất, vì một mục đích xã hội. 

Thật trớ trêu, đây cũng là thập kỷ đầu tiên bắt đầu bùng nổ thời trang logo. Áo phông in hình chữ như hai chữ C lồng vào nhau (Chanel), YSL (viết tắt của Yves Saint Laurent), Calvin Klein, Versace, Gucci… những thương hiệu sang trọng nay “theo gương” các thương hiệu thể thao như Nike, adidas, hay phổ thông như GAP, với những thiết kế áo phông xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Khó phân biệt được là thật hay giả, nhưng đều đem lại cho người mặc nó cảm giác dễ chịu: được hưởng một chút hào quang của thời trang cao cấp.

In logo, in chữ hay để trơn, áo t-shirt trở thành “đồng phục” của những nhóm tiểu văn hóa thành thị, từ rap, hip hop, skaters, đến rock, gothic hay hipsters. Nhìn vào áo phông của họ, có thể biết họ nghe nhạc gì, thường gặp gỡ bạn bè ở đâu… Áo phông cũng thể hiện phong cách riêng của các thương hiệu. Givenchy nổi tiếng với những mô típ gothic in sắc như dao và đầy sự hung hăng của côn trùng, thú dữ. Rick Owens quần áo t-shirt dài, mềm, mỏng như một làn khói quanh cơ thể cả nam lẫn nữ.

Áo t-shirt trắng không in một lần nữa quay trở lại thời trang gần đây, như một “lời tuyên ngôn im lặng” chống lại việc lạm dụng logo và in khẩu hiệu trong thời trang. Tuy nhiên, sự phản đối sẽ sành điệu hơn hơn nếu áo tshirt trắng, trơn đi cùng với quần có thiết kế điên khùng, lạ lùng, màu mè nhất.

Lukasz Nguyễn 

From the same category