Syria: Máu đổ trong mê cung - Tạp chí Đẹp

Syria: Máu đổ trong mê cung

Sự Kiện

Kỳ 7

Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.

 

Phần mộ của Zaynab, cháu ngoại nhà tiên tri Mohammed, với hàng triệu mosaic bằng gương lấp lánh.

Khi tôi đang viết những dòng này, hầu như tất cả những bản tin đều tràn ngập những con số thương vong từ Syria. You Tube lèn chặt những clip đầu rơi máu chảy. Facebook bung ra hàng trăm bức ảnh chết chóc. Chiều qua, tự giam mình trong phòng, tôi lặng lẽ xem lại những bức ảnh và phim tự tay mình bấm máy ở Syria hơn một tháng trước. Có cái gì đó không thật, có cái gì đó giống như một cơn mơ. Bởi Syria trong trí nhớ của tôi và trong những gì tôi ghi lại bằng ống kính đẹp đến quặn lòng.

Bước chân đi cấm kỳ trở lại

Tôi dừng chân ở Li Băng khá lâu trước khi quyết định vượt biên giới qua Syria. Bạn bè dùng đủ mọi phương pháp để phá bĩnh, kể cả việc miêu tả chi tiết viễn cảnh thê lương của một đám tang không xác chết (chết mất xác rồi còn đâu). Trên bản đồ, thủ phủ Damascus của Syria cách biên giới Li Băng chỉ có hai tiếng đồng hồ. Ngay sát biên giới phía bên lãnh thổ của Li Băng là Anjar – một di tích thành cổ Hồi giáo nổi tiếng. Sau nhiều ngày trằn trọc, tôi quyết định lên đường nhằm Anjar thẳng tiến, bụng bảo dạ cứ mang theo hộ chiếu đến gần biên giới dò xét tình hình xem oánh nhau to đến thế nào rồi từ từ mà tính.

Sáng hôm ấy, tôi hí hửng bắt xe đi Anjar, không quên dặn cô bạn phóng viên người Ý cùng phòng ở khách sạn rút hộ quần áo phơi ngoài hiên nếu chiều nay tôi về muộn. Francesca là phóng viên chiến trường từng xuất bản nhiều sách về cuộc chiến ở Israel và Palestine. Cũng như bao phóng viên nước ngoài khác, cô trụ lại Li Băng để tìm cách vượt biên (bất hợp pháp) sang Syria, chủ yếu là bằng cách trả tiền cho vài người thuộc phe chống đối và thâm nhập Syria qua đường núi phía Bắc. Tôi danh chính ngôn thuận không phải là phóng viên, với lại cũng khá ham sống sợ chết nên đến phút chót quyết định không bám đuôi. Mải mê chụp ảnh và lang thang ở Anjar, tôi hết hồn khi ngó đồng hồ thấy đã 5 giờ chiều. Anjar cách biên giới với Syria chưa đầy cây số nên tôi bắt taxi cùng hai cô gái Syria sang Li Băng thăm bạn đang trên đường về. Họ tò mò hỏi han đủ chuyện, nhưng chẳng ai rõ thủ tục nhập cảnh cần những giấy tờ gì. Ai cũng bảo cứ tới cửa khẩu rồi tha hồ mà hỏi.

Nghe tôi trình bày, anh giai an ninh sau chấn song sắt cười tươi như nghé. Sau một hồi google cẩn thận, rồi gọi điện để kiểm tra chắc chắn tôi không phải là phóng viên, anh bảo: “Cô chỉ việc trả tiền rồi được cấp visa thôi, không cần giấy tờ hay chờ đợi gì sất”. Hơ! Tôi nhìn qua vai mình: Một cái túi bé tí đựng máy ảnh và 400 đô la. Tôi nhìn xuống chân mình: Một đôi dép xỏ ngón sắp đứt quai. Tôi nhìn qua hai cô gái Syria: họ hí hửng vỗ tay ra hiệu mời tôi tối nay ngủ lại nhà. Tôi nhắm mắt thở hắt ra một phát, nhớ ra rằng mình đang đeo kính áp tròng mà không hề mang theo nước và khay rửa. Tiếng thằng Mario văng vẳng: “Syria đi là đứt! Đứt phựt! Đừng có điên!”

Chan chứa tình người

Dải đường cao tốc nối biên giới Li Băng và thủ phủ Damascus đẹp mịn màng, chả giống gì với hình dung của tôi và Francesca tẹo nào khi đọc bản tin thấy bảo mìn được rải đầy vùng biên cương. Hai chị em Dana giới thiệu tôi cho cả đại gia đình đang quây quần bên một cái lò sưởi lớn theo dõi màn hình ti vi kín đặc khói bom. Mặt ai nấy vừa vui vừa buồn. Vui vì có khách bất ngờ đến chơi (khách là món quà của thượng đế). Buồn vì thành phố Homs tan tành trong chiến trận. Ai cũng sợ rồi sẽ đến phiên Damascus. Ba nghìn năm lịch sử của thành phố được mệnh danh là cổ xưa nhất thế giới bỗng chốc trở nên mong manh như số phận một đô thị không tên. Đêm ấy tôi ngậm kính áp tròng dưới đầu lưỡi đi ngủ. Mẹo này được Francesca bày cho nhưng chưa thử bao giờ. Ngoài phố xa vọng lại vài tiếng súng. Chị em Dana nằm ở đệm kế bên nắm tay bảo chỉ là tiếng súng bắn vu vơ, không rõ nói thật hay chỉ định vỗ về một kẻ nhát gan khó ngủ.

Ngày hôm sau, một người bạn giới thiệu tôi chuyển đến ở nhà Noura. Tôi hoàn toàn không biết rằng gia đình cô vừa chạy thoát từ Homs chưa đầy một tuần trước. Mẹ Noura đơn thân, một nách hai con đêm nào cũng khóc. Tôi thường đi ngủ khi cả ba mẹ con vẫn ôm nhau trên ghế sô pha xem các vở opera xà phòng tới tận 6-7 giờ sáng, một thói quen không dễ dàng thay đổi từ những ngày họ còn làm chủ một quán cà phê Internet ở Homs, đêm nào cũng phải đợi cho đến khi người khách cuối cùng ra về. Vậy mà mỗi sáng tôi thức dậy, trên bàn luôn luôn có bữa sáng dọn sẵn. Tôi vừa cảm động vừa xấu hổ nhận ra mình được cưu mang bởi một gia đình đang chạy tị nạn.

 

Những cô gái Damascus nhẩn nha hóng gió buổi chiều trước thánh đường Umayyad.

 

Một quán hàng ở chợ Damascus. 

Những ngôi nhà nghìn năm tuổi ở Damascus. Khi còn sống, nhà tiên tri Mohammed từng từ chối đặt chân vào thành phố vì ngài “chỉ muốn đến thiên đường một lần duy nhất trong đời”.

Huynh đệ tương tàn

Hồi giáo cũng giống như nhiều tôn giáo khác, chia năm xẻ bảy sau cái chết của người sáng lập, nhà tiên tri Mohammed, chủ yếu là do tranh cãi về việc ai là kẻ “nối ngôi”, bố vợ hay con rể của Mohammed. Những người lựa chọn bố vợ của nhà tiên tri lập ra nhánh Hồi giáo lớn nhất tên là Sunni, bao gồm gần 90% tín đồ. Những người lựa chọn con rể của nhà tiên tri lập ra nhánh Hồi giáo thứ hai gọi là Shia. Ở Syria, đại bộ phận dân số là Sunni, phần còn lại là các nhánh Hồi giáo nhỏ khác và người Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, tổng thống Assad và hầu hết quân đội của ông lại thuộc về một dòng tôn giáo khá đặc biệt tên là Alawite.

Alawite dù có gốc gác từ Hồi giáo nhưng bản chất là một món cocktail phức tạp với 3-4 tín ngưỡng khác nhau, tổng hợp từ Thiên Chúa giáo cho đến các triết lý tôn giáo của Hy Lạp cổ. Người Alawite ăn thịt lợn, không cầu kinh 5 lần/ngày, không trùm khăn và thậm chí uống rượu. Dù được chính thức coi là một nhánh của Shia, nhưng gần một nửa dân số Syria không công nhận Alawite là những tín đồ Hồi giáo chính thống.

Khi mùa xuân Ả Rập tràn đến Syria, mới đầu những người chống đối Assad không phân biệt sắc màu tôn giáo và hầu hết là những người trẻ tuổi đầu óc cởi mở. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước ở Trung Đông, phong trào dân chủ này nhanh chóng bị cướp diễn đàn bởi các tổ chức tôn giáo nhiều tiền và có tổ chức quy củ. Mùa xuân Ả Rập từ mục tiêu dân chủ phi tôn giáo nhanh chóng bị biến thành một cuộc thánh chiến giữa Hồi giáo Sunni cực đoan và Hồi giáo Shia dòng Alawite. Và với chiến trường bó trọn chỉ trong vài thành phố nhỏ, những người dân thường Syria bị lạc giữa một mê cung của hàng trăm nguồn thông tin, thật giả lẫn lộn, chẳng rõ ai là ta ai là địch.

 

Palmyra thời kỳ vàng son hơn 2000 năm trước được mệnh danh là “Cô dâu của sa mạc”. Nữ hoàng Zenobia trị vì Palmyra không chỉ hài lòng với vương quốc nhỏ bé của mình mà còn đem quân chiếm trọn Ai Cập, đe dọa cả thành Rome. 

Life Moves on…

Nhưng bất chấp tất cả, cuộc sống vẫn cuộn chảy. Những nơi tôi đặt chân qua vẫn tấp nập đông vui. Những quán cà phê vẫn mịt mù khói thuốc shisha và những đôi lứa vẫn làm đám cưới linh đình mỗi chiều thứ năm. Đêm thứ sáu nào các sàn nhảy của Damascus cũng lèn chặt những bộ mặt tươi vui nhảy múa tung trời. Mỗi lần check mail hay vào facebook, tôi vẫn thường phải hết hơi giải thích với bạn bè là Syria thực ra khá an toàn (!). Những gì được miêu tả trên ti vi là sự thật, nhưng đồng thời cũng chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh sự thật rộng lớn. Khói lửa mịt mù ở Homs không có nghĩa là cả Syria rộng lớn bốc cháy. Hàng trăm người thiệt mạng ở Homs không có nghĩa ở khắp Syria rộng lớn cứ đi ra đường là ăn đạn vào đầu. Nói một cách hình tượng, nếu bạn chĩa ống kính zoom vào cái lòng đen của đôi mắt chẳng hạn, điều đó không có nghĩa là cả cơ thể bạn đều chỉ một màu đen.

Tôi đặt chân vào Syria như một bước đi tình cờ ham vui với một cái xắc tay và vài trăm đô la dắt túi. Tôi rời Syria với một va li lỉnh kỉnh quà cáp như một lão nông ra thành phố thăm bà con. Những người Syria có lẽ sẽ còn đổ máu nhiều trong mê cung của cuộc nội chiến khó phân biệt địch ta, nhưng một người lạ vô thần như tôi hóa ra lại may mắn. Bởi chẳng mấy khi khúc khuỷu khó lần như mê cung, con đường từ trái tim đến trái tim thường vô cùng giản đơn và mộc mạc.

Kỳ sau: Jordan – Kẻ bán linh hồn cho Biển Chết

 

Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ Email: dr.nguyenphuongmai@gmail.com

Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông tại:
Blog www.culturemove.com
Facebook www.facebook.com/ dr.nguyenphuongmai
Twitter www.twitter.com/thequest2quest

Bài & ảnh: Phương Mai


 

Thực hiện: depweb

25/08/2012, 09:14