SUV hạng sang: Cuộc đấu chỉ mới bắt đầu

Việc bước vào một phân khúc hoàn toàn mới, hầu như không liên quan là SUV của Porsche đã từng bị nghi ngờ về sự thành công…

Porsche Cayenne – người tiên phong xuất sắc

…Mười năm sau, Cayenne đã tiến đến thế hệ thứ hai và đóng góp đến một nửa doanh số cho Porsche chứ không phải là mẫu xe biểu tượng 911 của hãng xe Đức.

Phân khúc SUV hạng sang từ trước khi có Cayenne vẫn có những đại diện tiêu biểu như G-Class của Mercedes, Q7 của Audi hay LX của Lexus. Cao cấp hơn một chút có Range Rover, trong khi Mỹ có đại diện là Cadillac Esclade. Tuy nhiên, SUV chỉ là một trong rất nhiều các dòng xe mà các thương hiệu kể trên sản xuất, hoặc chỉ thuần về SUV như Range Rover, nên cú đột phá của Porsche, vốn lừng danh về coupe thể thao, khiến  thị trường rất tò mò. Dĩ nhiên ngoài yếu tố mới lạ, không thể phủ nhận trình độ chế tác tuyệt vời của Porsche cả trong thiết kế và khả năng vận hành của Cayenne, đã đưa mẫu SUV này đạt đến thành công như ngày hôm nay. Trong năm 2011, doanh số toàn cầu của Porsche tăng 22%, đạt 119.000 chiếc, trong đó Cayenne là mẫu bán chạy nhất với 60.000 xe.

Trước thành công vượt bậc của Cayenne, lần lượt những cái tên đình đám khác như Aston Martin, Maserati và mới nhất là Bentley và Lamborghini đã đánh tiếng sẽ dự phần vào miếng bánh béo bở này, bằng việc tung ra các thiết kế concept SUV và đưa đi trưng bày khắp các triển lãm ô tô trên thế giới. So về độ sang trọng, một chiếc SUV không thể sánh bằng một chiếc sedan, trong khi tính thể thao lại không bằng một chiếc coupe. Vì vậy, SUV sẽ không bao giờ nằm trong danh mục sản xuất của các thương hiệu chuyên về xe siêu sang hoặc siêu xe thể thao. Đó là trước khi có Cayenne. Và có một sự trùng hợp là những dự án SUV siêu sang đều nhắm đến cùng một mục tiêu: thị trường Trung Quốc, nơi khách hàng quan tâm nhiều đến thương hiệu, sự sang trọng và không gian bên trong rộng rãi hơn là khả năng vận hành. Thị trường SUV hạng sang tại đây được dự đoán sẽ tăng trưởng đến 49%, với doanh số lên 265.200 chiếc vào năm 2015. Hiện tại, 2 mẫu SUV đang được yêu thích nhất tại đây là Porsche Cayenne và Mercedes-Benz GL-Class.

 

Cuộc đua của các ông lớn

Bản concept Kubang của Maserati bắt đầu được trưng bày ở triển lãm ô tô Frankfurt tháng 9 năm ngoái, tiếp theo đó là các triển lãm Dubai và Detroit. Sau triển lãm ô tô Bắc Kinh, Maserati sẽ ngưng trưng bày concept của Kubang để tập trung hoàn thiện thiết kế và sẽ tái xuất hiện với phiên bản sản xuất, cùng với đó cũng là tên gọi chính thức cho mẫu SUV hạng sang này, theo lời CEO của Maserati, Harald Wester. Dự kiến bản sản xuất của Kubang sẽ chia sẻ khung sườn với chiếc Jeep Grand Cherokee, và được sản xuất bởi Chrysler tại Detroit, trong khi Maserati sẽ cung cấp các động cơ xăng và diesel từ Ý. Bản thiết kế cuối cùng sẽ bắt đầu được giới thiệu tại triển lãm ô tô Detroit vào tháng 1 năm 2014, và sẽ có mặt trên thị trường không lâu sau đó, với mục tiêu bán được từ 20.000 đến 25.000 chiếc/ năm.

Với Aston Martin, bản concept Lagonda đã được ra mắt từ Geneva Motor Show 2009, có mục đích gia tăng doanh số bán hàng, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Theo kế hoạch ban đầu, Aston dự tính hợp tác cùng Mercedes-Benz để chia sẻ khung sườn và động cơ với GL-Class, đổi lại thương hiệu Anh quốc sẽ tham gia vào sản xuất Maybach. Tuy nhiên, với sự khai tử Maybach, dường như kế hoạch hợp tác này sẽ không tiếp tục, và Aston phải tự thiết kế toàn bộ mẫu SUV của mình. Vấn đề nảy sinh là làm sao để đặt dấu ấn thiết kế của Aston Martin, vốn nổi tiếng về sự tinh tế và mượt mà, lên bộ khung to lớn và cơ bắp của một mẫu SUV. Chắc chắn thiết kế của Lagonda sẽ còn nhiều thay đổi. Aston cũng chưa có quyết định chính thức về việc mẫu SUV sẽ mang tên chung Aston Martin với các dòng xe khác của hãng, hay sẽ tách Lagonda thành một thương hiệu con. Tuy Lagonda là một dòng xe vang bóng một thời của hãng xe Anh, nhưng dùng chung thương hiệu Aston Martin sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn. Bài học Maybach của Mercedes chính là ví dụ cụ thể nhất về sự khó khăn khi tái sinh lại một thương hiệu hạng sang đã biến mất từ lâu.

 

Trong các thương hiệu lần đầu gia nhập phân khúc SUV này, Bentley có vẻ có nhiều lợi thế nhất khi thương hiệu này có truyền thống lâu đời chế tác xe siêu sang, cũng như việc trực thuộc tập đoàn VW, vốn cũng sở hữu Porsche sẽ mang lại cho Bentley nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc phát triển một cơ sở gầm bệ SUV hoàn toàn mới. Với bản concept EXP 9 F được giới thiệu lần đầu tại triển lãm ô tô Geneva năm nay, đây sẽ là dòng xe thứ 3 của Bentley sau Continental và Mulsanne. Bentley định vị chiếc SUV của mình cao hơn Audi Q7, Porsche Cayenne Turbo S và thậm chí Range Rover. Với giá dự kiến hơn $240.000, mẫu SUV của Bentley nếu được sản xuất sẽ là chiếc SUV đắt nhất trên thị trường. Tuy Bentley vẫn chưa quyết định bản sản xuất chính thức, sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2014, và bản concept hiện tại đang có nhiều đánh giá trái chiều, nhưng việc đem EXP 9 F đến các triển lãm xe sang trên khắp thế giới cho thấy ý định nghiêm túc và chắc chắn về một dòng xe SUV Bentley trong tương lai.

Lamborghini là một trường hợp đặc biệt nhất khi đây là một thương hiệu thuần siêu xe trong các thương hiệu đang nói đến. Thông thường, các hãng siêu xe sẽ không muốn mở rộng sản xuất sang các dòng xe khác ngoài Coupe để giữ gìn hình ảnh siêu xe của thương hiệu. Nói như CEO Amedeo Felisa của Ferrari, “Ngài Enzo, người sáng lập ra Ferrari từng nói, chúng tôi sẽ không  bao giờ tạo ra một chiếc xe 4 cửa, và chúng tôi sẽ giữ truyền thống này. Thật sự thì ai lại muốn lái một chiếc Ferrari 4 cửa chứ?”. Trong khi đó, đối thủ trực tiếp của Ferrari là Lamborghini đã từng tung ra concept sedan 4 cửa Estoque. Ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm ô tô Bắc Kinh năm nay, Lamborghini không giấu tham vọng thống lĩnh thị trường SUV siêu sang tại đây với Urus. Liệu Urus có sớm bị khai tử như concept Estoque, hay sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Lamborghini khi được sản xuất? Câu trả lời chính xác nhất có lẽ phải chờ đến năm 2017, thời điểm dự kiến phiên bản sản xuất chính thức của Urus có mặt trên thị trường.

SAM



From the same category