Sút và hét cùng phim thể thao - Tạp chí Đẹp

Sút và hét cùng phim thể thao

MIX & MATCH

Xin đảm bảo những bộ phim thể thao không hề khô cứng, thậm chí trong nhiều cảnh quay, bạn có thể không kiềm chế được cảm xúc và hét toáng lên không khác gì trong sân vận động hoặc sụt sùi lau nước mắt trước những bi kịch cay đắng đằng sau hậu trường thể thao như trong bộ phim đấm bốc Million Dollar Baby mới đây của Clint Eastwood.

Trong nhiều bộ phim của Hollywood hay thấp thoáng gần đây trong một vài xuất phẩm điện ảnh của Anh, Trung, Hàn… đề tài thể thao được khai thác hay lồng ghép vào truyện phim khá nhiều, thậm chí còn được coi là một thể loại – Sports Movie. Và các bộ môn thể thao sôi động luôn là lựa chọn hàng đầu. Bạn thích bóng đá, có ngay Bend it like Beckham với cô nàng xinh đẹp Keira Knightley sút bóng không thua gì… Beckham.

Bạn thích tennis, hãy chọn ngay Wimbledon để xem cô bạn gái người nhện Kirsten Dunst quật vợt điêu luyện. Còn bóng chày, một trong những bộ môn thể thao được yêu thích nhất của nước Mỹ thì kể không hết, thôi tạm đơn cử bộ phim gần đây nhất Fever Pitch (Cơn sốt tình yêu) đã biến cô nàng Drew Barrymore từ một nữ doanh nhân mù thể thao nhưng vì tình yêu mà đâm ra mê đắm bóng chày như thế nào. Còn hàng loạt bộ môn thể thao khác được lên phim, từ bóng rổ, golf, đua ngựa, đấm bốc, bóng bầu dục… thậm chí có cả… bóng chọi như bộ phim hài Dogdeball – A True Underdog Story với diễn xuất của Ben Stiller trong vai một anh chàng vận động viên bóng chọi bẩn tính, rất ăn khách hồi hè năm ngoái… 
 
Khi thể thao chỉ là cái cớ

Khi các bộ môn thể thao luôn lôi kéo hàng trăm triệu người trên khắp thế giới say mê xem “sống” tại các sân vận động, đấu trường hay xem trực tiếp trên truyền hình thì việc điện ảnh khai thác lại chúng liệu còn… ăn ai? Thế mà lại rất ăn là đằng khác. Tất nhiên để có được điều đó, các nhà làm phim trước hết là những con nghiện thể thao, họ luôn biến bộ môn thể thao mà họ khai thác trên phim thành một câu chuyện kịch tính, hồi hộp, hấp dẫn hay thậm chí còn rất nghệ thuật. Bởi nếu trên đấu trường trực tiếp của thể thao, bạn chứng kiến trọn vẹn cuộc đối đầu kịch tính của những vận động viên thể thao, cầu thủ thì trong các bộ phim, bạn được xem thế giới hậu trường, cuộc sống tình cảm riêng tư của những vận động viên thể thao đó.

Phần lớn các bộ phim thường lồng đề tài thể thao trong một câu chuyện tình yêu lãng mạn và hài hước như Wimbledon, Bend it like Beckham hay Fever Pitch. Và thể thao trong những bộ phim này chỉ là cái cớ để chuyện phim phát triển mà thôi. Mặc dù chỉ là cái cớ, nhưng các đạo diễn cực kỳ nghiêm túc trong việc khai thác đề tài thể thao trong phim.

Trong Wimbledon, câu chuyện tình yêu lãng mạn của hai vận động viên tennis, cả hai diễn viên chính là Paul Bettany và Kirsten Dunst đều được đạo diễn Richard Loncraine bắt đến hiện trường theo dõi các trận thi đấu trong khuôn khổ giải Wimbledon và sau đó phải tập luyện suốt trong 3 tháng trời. Thậm chí, Kirsten Dunst còn được tập dượt với các vận động viên tennis nổi tiếng của giải Wimbledon. Tất nhiên trong nhiều cảnh quay thật, cả hai diễn viên này đều có người đóng thế hoặc đạo diễn sử dụng kỹ xảo, nhưng sự thực là sau bộ phim này, cả hai đã “lên tay” rất nhiều.

 Một điều thú vị nữa là phần lớn những cảnh quay thật của bộ phim đều diễn ra ngay tại sân của giải Wimbledon và bộ phận kỹ xảo đã sử dụng hiệu quả âm thanh rất điêu luyện khiến bạn ngồi trong rạp xem bộ phim này mà cảm giác như đang ngồi trong sân vận động xem trực tiếp giải Wimbledon.

Trong Bend it like Beckham, một câu chuyện ý nhị về sự hòa nhập văn hóa trong thời buổi ngôi làng toàn cầu hiện nay và mượn bóng đá làm đề tài. Cả hai nữ diễn viên chính trong phim, một của Ấn Độ và một của Anh (Keira Knightley) vào vai 2 cầu thủ xuất sắc của một đội bóng nữ đã được các chuyên gia và huấn luyện viên thể thao luyện tập cả tháng trời đến nổi bong gân và trật khớp là chuyện thường. Hiệu quả như thế nào đã rõ, trong một số cảnh quay, cô đào mảnh khảnh Keira Knightley có những cú tung bóng như… trời giáng.

Với châu Âu và châu Á, hoặc Mỹ Latinh, bóng đá được xem là thể thao vua nên bộ môn này được đưa vào phim khá nhiều nhưng đa số biến tấu theo kiểu hài hước hoặc chỉ sử dụng một vài mảng miếng cho thêm phần sinh động. Trong bộ phim Đội bóng Thiếu Lâm của Châu Tinh Trì, anh chàng đạo diễn, kiêm sản xuất, biên kịch và đóng vai chính này kết hợp giữa bóng đá và kungfu khiến bộ phim đem lại những màn chọc cười khán giả đầy hài hước và bất ngờ. Không chỉ Châu Tinh Trì mà cả Triệu Vy với bộ mặt hóa trang nhem nhuốc có những cú tung bóng thần sầu mà cả Beckham lẫn Michael Owen phải gọi bằng… cụ.

Cơn sốt bóng đá bắt đầu lan sang Mỹ và một số phim Mỹ bắt đầu dàn dựng một vài phim thể thao về đề tài bóng đá nhưng mới ở dạng dành cho… thiếu nhi xem như bộ phim hè năm nay Kicking and Screaming (Sút và hét). Tuy nhiên, đắt sô nhất trong những bộ phim về đề tài thể thao của điện ảnh Hollywood vẫn là bóng chày (năm nay có hai phim tiêu biểu là Fever PitchThe Longest Yard), bóng rổ hay golf (một chùm phim của Kevin Costner, nam diễn viên kiêm đạo diễn rất mê khai thác đề tài thể thao trong phim)…
 
Và những bộ phim thể thao bất hủ

Tuy nhiên phần lớn những bộ phim thể thao được yêu thích và để lại ấn tượng lâu dài thường là những phim dựa theo những câu chuyện có thật kể về những hành trình gian khổ, những giọt nước mắt thầm lặng hay những cái giá thật đắt đằng sau vinh quang của những vận động viên thể thao mà không phải ai cũng biết được. Những bộ phim này đem đến một cái nhìn chân thật và đôi lúc chua xót của những con người đam mê bộ môn đa số là có tuổi nghề rất ngắn ngủi này. Tiêu biểu cho dòng phim này có Raging Bull, Ali, Million Dollar Baby và mới đây nhất là Cinderrela Man-những tác phẩm điện ảnh xuất sắc và bất hủ về đề tài thể thao. 
 
Trừ Cinderrela Man đang được dự báo đoạt nhiều giải Oscar trong mùa giải 2006, 3 bộ phim về đề tài đấm bốc nói trên đều đã đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín, trong đó có Oscar. Những bộ phim thể thao được đề cử hay đoạt giải Oscar khác là Chariots of Fire (1980), Jerry McGuire (Tom Cruise đóng vai một ông bầu bóng bầu dục năng động) hay gần đây là anh chàng người nhện Tobey Maguire vai một anh chàng nài ngựa đua trong bộ phim Seabiscuit được đề cử 7 giải Oscar và rất ăn khách…/.

Những bộ phim thể thao đáng xem nhất:

Million Dollar Baby (2004); Raging Bull (1980); Cinderrela Man (2005); Seabiscuit (2003); Bend it like Beckham (2002); Jerry McGuire (1997); Chariots of Fire (1981); Ali (1999); The Rookie (2002); Wimbledon (2004); Fever Pitch (2005); Dogdeball – A True Underdog Story (2004); Đội bóng thiếu lâm (2001); Kicking and Screaming (2005); Friday Night Lights (2004); Bad New Bears (1976, 2005); A League of Their Own (1992); For Love of the Game (1999); Tin Cup (1996); Bull Durham (1988); Field of Dream (1989); The Longest Yard (1974, 2005).

Thực hiện: depweb

21/09/2005, 15:18