Liên quan đến việc sản phụ được khẳng định là sức khỏe bình thường nhưng lại tử vong sau khi sinh con, chiều ngày 10/12, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Bệnh viện ĐK huyện Can Lộc.
Theo ông Đặng Văn Sâm – Phó Giám đốc bệnh viện, vào lúc 11h58 ngày 25/11 sản phụ Nhuần nhập viện. Tiến hành thăm khám, chẩn đoán thai đủ tháng, chuyển sinh lần 3, ối vỡ sớm, sức khỏe của sản phụ bình thường, cửa tử cung mở 2cm, thai nhi khỏe, cho sinh thường.
Lãnh đạo Bệnh viện ĐK Can Lộc chưa thể kết luận nguyên nhân sản phụ tử vong, nhưng có “nghĩ đến thuyên tắc ối”
Sau khi sinh được bé gái nặng 3,6kg, trẻ sơ sinh biểu hiện ngơ ngác, sơ cứu, làm rốn xong, khoảng 15 phút sau sinh thì sản phụ bong rau, lấy rau xong thì phát hiện có vết xước ở tầng sinh môn và được khâu 1 mũi.
Một lúc sau, bệnh nhân biểu hiện bất thường, tức ngực, có từng mảng tím ở bụng dưới, đùi, tụt huyết áp, máu tử cung chảy không đông.
Ngay sau đó y bác sĩ tập trung cấp cứu, đồng thời gọi điện vào Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh xin tham vấn, và chuẩn bị cho chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, diễn biến quá nhanh, khi chưa kịp chuyển viện, sản phụ đã tử vong ngay trên bàn đẻ.
“Sản phụ sinh rất nhanh, nhưng sau đó lại gặp sự cố bất thường, dù chúng tôi đã cố gắng, tập trung tối đa nhưng không cứu được. Nguyên nhân tử vong chưa thể kết luận. Muốn biết thì phải khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ đến thuyên tắc ối” – Ông Sâm nói.
Cũng theo ông Sâm, việc người nhà phản ánh trước khi sinh, bệnh viện không luồn kim chuồn trước là không đúng. Thực tế là đã làm rồi. Khi sản phụ diễn biến bất thường thì tiếp tục lấy ven thêm mũi nữa nhưng không lấy thêm được.
Mà dù có lấy ven, chuyền được máu thì cũng sẽ không thể cứu được vì lúc đó, sản phụ vẫn còn 3,5 triệu hồng cầu.
“Bệnh viện không có sai sót gì về tiếp xúc, thái độ và chuyên môn. Sản phụ chết là bất khả kháng” – Ông Sâm khẳng định.
Phó GĐ Nguyễn Đức Ngọc thông tin thêm, trường hợp sản phụ Nhuần là ca đầu tiên mà Bệnh viện Can Lộc gặp phải. Nhiều dấu hiệu thuyên tắc ối, mà thuyên tắc ối tỉ lệ tử vong từ 90 – 95%. Nếu cứu được thì bệnh nhân cũng sống thực vật.
‘‘Không đến trạm vì ngày nghỉ không ai trả tiền’’
Trước đó, VietNamNet đã thông tin, khoảng 5h30 sáng ngày 25/11, sản phụ Nguyễn Thị Nhuần (SN 1982, trú xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc) có dấu hiệu chuyển dạ, được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã để sinh con.
Tuy nhiên, lúc đó chỉ có 1 y tá trực. Tiến hành thăm khám, nhận định sản phụ có thể sinh thường. Đến khoảng 7h, sản phụ vẫn chưa sinh, sợ không an toàn, gia đình xin cho chuyển đi bệnh viện, lúc này cô y tá trực gọi điện xin ý kiến của Trưởng trạm.
Cái chết tức tưởi của chị Nhuần khiến người thân vô cùng đau đớn. Phút chốc 3 đứa trẻ mồ côi mẹ.
Mặc dù không có mặt thăm khám nhưng vị Trưởng trạm Y tế xã vẫn “điều khiển từ xa” không cho chuyển viện, và chỉ đạo giữ lại để tiếp tục theo dõi.
Đến khoảng 11h, gia đình nằng nặc xin chuyển viện thì Trưởng trạm mới đồng ý. Khoảng 13h30 thì sản phụ Nhuần sinh thường 1 bé gái nặng 3,6kg tại khoa Sản Bệnh viện ĐK Can Lộc, nhưng chỉ hơn một giờ đồng hồ sau đó, người mẹ đã tử vong ngay trên bàn đẻ.
Bức xúc, phía gia đình nạn nhân cho rằng Trạm Y tế xã đã chậm trễ, giữ sản phụ lại hơn 2 giờ đồng hồ mới cho chuyển viện là quá chậm trễ, quá chủ quan. Việc Trạm Y tế tiến hành chuyền thối thai quá sớm cũng là sai sót về chuyên môn.
Trưởng trạm Y tế xã Mỹ Lộc, ông Nguyễn Tiến Nghĩa thừa nhận hôm đó ông không có mặt tại Trạm Y tế, vì đó là ngày nghỉ của ông.
Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Lộc cho rằng Trạm Y tế có quyền giữ bệnh nhân lại để theo dõi.
Về vấn đề giữ sản phụ lại quá lâu, ông Nghĩa cho rằng Trạm Y tế có quyền giữ lại để theo dõi. Để nếu sinh thường được thì sinh tại trạm. Còn việc Y tá chuyền thối thai sớm, ông Nghĩa khẳng định không có chuyện chuyền thối thai. Vì đã được quán triệt.
Việc người nhà nạn nhân phản ánh Trưởng trạm thiếu trách nhiệm, ông Nghĩa nói: “Tôi làm việc theo giờ quy định, làm ngoài giờ không ai trả tiền thêm. Chỉ khi người ta gọi nhờ đến nhà riêng làm thì sẽ đến, còn gọi đến Trạm Y tế ngoài giờ thì không“.
Không đồng tình với kết luận này, gia đình đã khiếu nại, yêu cầu làm rõ. Khi vào cuộc, Đoàn ĐBQH đã phát hiện bệnh viện báo cáo thiếu trung thực, thực tế điều trị và hồ sơ bệnh án có mâu thuẫn.
Các xét nghiệm, siêu âm được tiến hành sau khi sản phụ đã tử vong, chưa có kết luận nguyên nhân tử vong nhưng trong hồ sơ bệnh án đều ghi do thuyên tắc ối.
Đặc biệt, bác sĩ của bệnh viện lại tham gia giám định pháp y. Sau sự việc, Đoàn ĐBQH đã có kết luận gửi cơ quan công an tiếp tục làm rõ.
Theo Vietnamnet