Gầy và béo thể trạng nào nguy hiểm hơn
Hãy bắt đầu bằng béo trước. Người ta nói quá nhiều về bệnh béo phì như một căn bệnh thời đại. Béo phì làm ta khó thở, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường, cao huyết áp, cùng các bệnh tim mạch.
Vậy là để tránh các bệnh tật đáng sợ ấy, cần phải triệt tiêu nguyên nhân, làm mọi cách để gầy đi. Và giảm cân bằng những biện pháp quen thuộc (chế độ ăn uống và tập luyện) sẽ đẩy lui được chúng. Tuy nhiên giảm cân nặng đến mức nào là đạt đến trọng lượng tối ưu đối với sức khỏe (và cả vẻ đẹp ngoại hình)?
Đa số các nhà dinh dưỡng học và Tổ chức Y tế thế giới định hướng vào cái gọi là chỉ số khối lượng cơ thể BMI (body mass index), đo bằng thương số giữa cân nặng của một người (tính bằng kilogam) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét).
Ví dụ bạn cao 1,70m và nặng 65kg thì chỉ số BMI của bạn là 22,5. Bạn sẽ có thân hình lý tưởng (song chưa chắc là sức khỏe lý tưởng) khi chỉ số BMI của bạn nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9. Càng dưới các chỉ số này thì càng gầy và càng cao là càng béo.
Tuy nhiên, nhiều người đã “ép xác” để giảm chỉ số BMI của mình một cách quá đà và nhiều khi người ta đã gầy đến mức các nhà khoa học phải cảnh báo bằng những nghiên cứu của mình: gầy có hại gì?
Nhà toán học vào cuộc.
Nếu xây dựng một đồ thị mà trục tung là số tử vong và trục hoành là chỉ số BMI thì ta sẽ có đường biểu diễn (liên quan giữa tình trạng béo, gầy và cái chết do bệnh) giống như là một hình chữ U mà hai “sừng” có độ dốc không giống nhau.
Nhánh “sừng” bên phải (thừa trọng lượng) sẽ thoai thoải trong khi nhánh “sừng” bên trái (thiếu trọng lượng) có độ dốc dựng đứng hơn nhiều. Như vậy nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của việc gầy thái quá có hậu quả xấu hơn là béo.
Điều bất ngờ nhất là khi xem xét sự liên quan giữa tuổi thọ và chỉ số BMI “lý tưởng”, từ 18,5 đến 24,9. Chỉ số tử vong thấp nhất tương ứng với khoảng chỉ số BMI 23 đến 25 đơn vị. Khi chuyển từ “béo vừa đến béo lắm” (chỉ số BMI từ 35 trở lên) thì tỷ lệ tử vong lại tăng lên.
Khi chuyển về những giá trị nhỏ hơn, từ 23 trở xuống, đường cong tử vong hầu như là một đường thẳng đứng.
Hóa ra có gần một nửa số người tuy nằm ở vùng có chỉ số an toàn cao (chỉ số BMI trong khoảng 18 đến 23) lại chịu những rủi ro về tử vong cao nhất.
Các nhà khoa học Na Uy đã phát hiện ra những sự “kỳ lạ”, họ giải thích: 90% người cực gầy bị “tước đoạt” mất 8 năm cuộc đời, trong khi những người béo chỉ bị “tước đoạt” mất 4 năm thôi.
Các nhà khoa học Nhật cũng có kết quả như vậy. Nam giới với chỉ số BMI từ 14 đến 18,9 (phe “gầy và quá gầy”) có tỷ lệ tử vong là 2,26% trong khi những người có chỉ số BMI (phe “béo và quá béo”) tỷ lệ tử vong chỉ là 1,97%.
Hóa ra bị thiếu cân nguy hiểm hơn thừa cân. Những người quá gầy, nhẹ cân thường ốm yếu, suy nhược toàn thân do bệnh thiếu máu, suy dinh dưỡng, loãng xương, loạn nhịp tim, không loại trừ các bệnh tim mạch, kèm thêm các chứng bệnh tinh thần như trầm cảm, chán đời.
(Pravda.ru) |
“Giao ban” hàng ngày cải thiện chất lượng tinh trùng
Những người đàn ông chậm có con (thậm chí cả các bác sĩ) thường có quan niệm sai lầm rằng muốn thụ thai, phải giữ sức khỏe cho những “chiến binh” hình nòng nọc trong tinh dịch bằng cách cho “họ” được nghỉ ngơi cho lại sức, nên cả tuần mới cho phép xuất trận.
Nhà khoa học Australia David Grinning, Trường ĐH Sydney đã chứng minh rằng cần làm ngược lại mới đúng. Theo ông, những người đàn ông chậm có con, đúng là do sự yếu kém của tinh trùng, mà nguyên nhân là chúng bị hủy hoại mang tính di truyền.
“Ém quân” làm quá trình hủy hoại kéo dài, dẫn đến “tình trạng sức khỏe” của tập thể chiến binh này càng giảm sút.
Ông đã phân tích tính di động, chất lượng ADN trong tinh dịch 42 người đàn ông bị chậm có con, so sánh trong các điều kiện thí nghiệm có mục tiêu và đã đi đến kết luận quan trọng này.
Những xét nghiệm của ông cho thấy so với được xuất trận hàng ngày (tinh trùng được sinh ra liên tục trong cơ thể từ tinh hoàn), thì sau vài ngày bị “ém quân” chất lượng tinh trùng giảm 12% so với tinh trùng “tươi mới”…
Nhà khoa học Alan Paysee, Trường ĐH Sheaffield đồng ý với nhận định này và cho biết thêm khi mức độ hủy hoại do di truyền lên đến 30 – 40% thì hoàn toàn không có khả năng thụ thai.
Tất nhiên, để bảo đảm thụ thai, “quân số” cũng quan trọng. Do vậy cần dung hòa chất lượng và số lượng tinh trùng. Để bảo đảm số lượng, chỉ cần từ 2 đến 3 ngày là đủ. Tất nhiên, phải biết tính toán khớp với ngày rụng trứng của “đối tác” mới mong thành công.
(Medlinks.ru) |
Bố mẹ hút thuốc, con bị sâu răng
Các nhà khoa học đã khẳng định: hút thuốc lá thụ động (tức là sống chung với người nghiện thuốc lá) có những nguy cơ – tuy ở mức độ ít hơn – nhưng sẽ gặp những mối nguy hiểm giống như chính bản thân người hút.
Tuy nhiên có một tác hại nữa: trẻ em bị hút thuốc thụ động có nhiều khả năng bị sâu răng. Một công trình nghiên cứu của các nhà y tế KUL đã chứng minh những trẻ em có bố mẹ nghiện thuốc dễ bị mắc bệnh sâu răng hơn những trẻ em bố mẹ không hút tới 5 lần.
Mặc dù có nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng như di truyền, cùng chế độ ăn uống, nhưng các tác giả nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa các chất có trong khói thuốc và nguyên nhân sâu răng của trẻ.
Chẳng biết kết luận này có làm hồi tâm các ông bố trót nghiện ngập để bỏ thuốc hay không?
(Generalist) |