Ông Thái Hòa, phó giám đốc hãng phim Giải Phóng (nhưng nổi danh hơn trong làng điện ảnh phía Nam bởi là nhà phát hành kỳ cựu và nhiều thành công nhất từ thời điện ảnh tư nhân còn phải núp bóng Nhà nước hơn chục năm trước), chắc như đinh đóng cột: “Chỉ có fan nữ mới thần tượng các ngôi sao nam tới mức la hét hay ngất xỉu, ở Hollywood cũng thế – bao giờ các nam tài tử cũng có cát-sê cao hơn hẳn nữ tài tử cùng thứ hạng”.
Đạo diễn Bá Vũ (đang chuẩn bị bấm máy bộ phim Khách sạn không đèn) cũng thú nhận: “Công ty Hàn Quốc ITOI (hợp tác với hãng phim Việt ảnh sản xuất Khách sạn không đèn) hỗ trợ chúng tôi bằng cách mời một diễn viên Hàn Quốc tham gia một vai và yêu cầu đưa ra danh sách những diễn viên đề nghị. Tôi đề nghị một diễn viên nữ, nhưng họ gạt luôn: phải là nam! Thế là kịch bản sửa lại để có vai cho sao nam này. Sau khi tham khảo thị trường Việt Nam, chúng tôi đưa ra danh sách đề nghị 1 trong 7 tài tử: Bae Yong Jun (Mối tình đầu, Chuyện tình mùa đông), So Ji Bub (Giày thủy tinh), Han Jae Suk (Người mẫu, Giày thủy tinh), Kim Rae Won (Hạnh phúc bất ngờ, Cô dâu tuổi 15), Kang Dong Won (Người đẹp nói dối), Kwon Sang Woo (Cô bạn gia sư, Nấc thang lên thiên đường) và Ju Jin Mo (Musa, Wanne và Junna). Cuối tháng 5 này chúng ta sẽ được biết kết quả nam tài tử Hàn nào nhận lời đến Việt Nam”.
Trên thực tế, ngay từ bộ phim đầy các cô gái đẹp và chân dài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, nhân vật trở thành trung tâm của những cuộc bàn luận trên mạng lại không phải là Anh Thư, Xuân Lan hay Yến Ngọc… mà lại là “chàng đực rựa” lần đầu tiên xuất hiện trên màn bạc – thậm chí là một vai thứ, nói vài câu thoại bằng mắt: nhà thiết kế trẻ Trương Thanh Long (vai Khoa – anh chàng có vấn đề về giới tính). Chộp ngay hình ảnh hấp dẫn các fancine trẻ tuổi này, TFS và BHD đã mời Long vào một vai chính, được xây dựng hình ảnh hấp dẫn trong bộ phim 39 độ yêu – được dự đoán là sẽ hạ gục tất cả khán giả trẻ bởi dàn diễn viên “như Hàn Quốc”. Trước đó, cuộc săn lùng sức hút (+) đã âm thầm xuất hiện trong đợt phim chiếu Tết năm rồi. Vì màn bạc hiện tại thiếu vắng các sao, đặc biệt là sao nam, nên các nhà làm phim nhất loạt chuyển sang “bắt” các sao ca nhạc “thế mạng” (trên sân khấu ca nhạc sức hút của họ hoàn toàn có thật). Ngay sau khi được tin Lam Trường ký hợp đồng với Nữ tướng cướp, thì Lấy vợ Sài Gòn cũng chạy đôn đáo bắt bằng được Đan Trường cho Chọn lựa 1 và Ưng Hoàng Phúc cho lựa chọn 2. Tiếc là cả 2 chàng Đan – Ưng đều bận show nước ngoài. Cực chẳng đã, Lấy vợ Sài Gòn phải thay thế bằng sao ca nhạc kém sáng hơn là Nguyên Vũ. Khi đàn ông có bầu sau khi đã qui tụ một dàn sao hài vẫn không để thoát Nguyễn Phi Hùng và Phương Thanh. Thế nhưng, vai diễn quá yếu của Nguyên Vũ, tính cách nhân vật quá thiếu thực tế của Lam Trường và sự mờ nhạt do không có đất diễn của Nguyễn Phi Hùng đã chỉ “ăn hơi” ca nhạc mà lôi kéo các fan ruột đến rạp chứ chẳng hề chứng tỏ trên màn bạc họ có sức hút của các ngôi sao. Bài học này cũng thể hiện rõ với sự xuất hiện của Quang Dũng trong Lọ Lem hè phố, trước đó không lâu. Biết làm sao được. Hoặc họ không có duyên trên màn bạc (như đã có ít nhiều trên sân khấu ca nhạc), hoặc vai diễn chẳng đủ sức tung họ lên thành sao điện ảnh. Thực tế nhóm phim ảnh (tính luôn cả truyền hình) những năm qua, nghiêng nhiều sang ý kiến thứ hai, chứ nói vội ca sĩ không có khả năng diễn xuất thì quá oan cho họ.
Truyền hình và điện ảnh Hongkong đã làm gì xưng “Vương” cho các nam nghệ sĩ của họ, từ ngôi sao truyền hình trở thành ngôi sao của điện ảnh Châu lục và quốc tế: Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vĩ, Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì…? Truyền hình và điện ảnh xứ Cao Ly đã làm gì để “xuất khẩu” hàng loạt những nam tài tử trở thành thần tượng của giới trẻ toàn bộ vùng Đông Á, trong đó hiển nhiên cả Việt Nam? Ở đây cần thêm rằng trong điện ảnh – cũng như các loại hình biểu diễn khác – sản xuất các ngôi sao không phải để chơi cho vui. Sao chính là “cần câu tiền”, là thương hiệu của cả ngành công nghiệp điện ảnh với bên ngoài.
2 yếu tố khăng khít tạo nên một ngôi sao màn bạc: Tố chất diễn viên và seri phim tập trung xây dựng hình tượng cho diễn viên đó. Rất nhiều nam tài tử Hongkong, Hàn Quốc xuất phát từ người mẫu (để có sắc vóc đẹp) và ca sĩ (để có một chút quen tên và thị phần sẵn có). Nhưng để đẩy họ dứt khoát phải có bằng những vai diễn ấn tượng từ những bộ phim “hot” trên thị trường, đặc biệt là phim TH dài tập (để có cơ hội xuất hiện nhiều – yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo dấu ấn). Không ít người đã tiếc cho Trương Minh Quốc Thái vừa bắt đầu được “để ý” với vai diễn tương đối xuất sắc – công tử vừa ngang tàng vừa lãng mạn – trong phim TH dài tập của TFS Người đàn bà yếu đuối, nhưng sau đó lại mất hút. Cũng như vậy, một Hải Anh (Giải nhất Siêu mẫu Việt Nam 2004) với sắc vóc rất chuẩn và nam tính, tham gia tới hơn 20 phim truyền hình và 1 truyện nhựa Tiếng cồng định mệnh, mà vẫn mờ ảo vì chẳng phim nào gây được sóng dư luận, mà vai diễn thì không thừa hơi “xây dựng thần tượng” cho vẻ đẹp này. VFC (Hãng phim Đài truyền hình VN) và TFS (Hãng phim Đài Truyền hình TP.HCM) nắm trong tay mỗi năm vài trăm tập phim như hai khẩu thần công có khả năng lớn nhất trong việc tạo ngôi sao hiện nay. Tuy nhiên, cả hai không chủ trương xây dựng các ngôi sao (nghe nó có vẻ thị trường quá chăng?). Phim được phân bổ cho các đạo diễn và gần như 100% đạo diễn đều khẳng định họ mời diễn viên chỉ với tiêu chuẩn “hợp vai” và nhất quyết không quan tâm đến sao hay không sao. Thậm chí, gần đây có xu hướng đạo diễn làm mới màn bạc liên tục bằng các diễn viên nghiệp dư, có thể chỉ xuất hiện 1-2 lần trên màn ảnh là “chết yểu”. Kiểu chọn diễn viên không giống ai như thế tất yếu sẽ triệt tiêu mầm mống ngôi sao. Sao không có, khán giả đến rạp để xem gì?
Phần đông các hãng phim tư nhân (đương nhiên là tư nhân, vì chỉ họ mới chịu trách nhiệm với những yếu tố kinh doanh của điện ảnh) bắt đầu tính đến chuyện tạo ngôi sao. Cái khó của họ là số lượng phim sản xuất hàng năm không nhiều, khả năng rủi ro lại cao nên thường muốn tận dụng ánh sao có sẵn (mời ca sĩ, người mẫu có danh). Hay “khôn ngoan” như hãng phim Giải Phóng mới đây vừa thử nghiệm một dàn người mẫu và hoa hậu trong bộ phim có tài trợ nhà nước Gió thiên đường. Nếu thử đúng, các diễn viên lính mới sẽ tiếp tục cộng tác lâu dài với hãng. Nếu thử sai thì… thôi, tiền nhà nước chịu.
Trong loạt phim ra rạp tới đây, thử đoán xem ai sẽ thành được sao: Hải Anh (Khách sạn không đèn), Khánh Trình (Giọt mưa biến mất), Trịnh Minh Cương (Gió thiên đường), Hứa Vĩ Văn (Sài Gòn tình ca)… và không kể seri phim truyền hình 39 độ yêu với hai gương mặt nặng ký Trương Thanh Long và Bình Minh. Cả 5 đều liên quan đến thời trang (4 người mẫu, 1 nhà thiết kế) – không trải qua đào tạo điện ảnh nào. Có đáng lo cho các nam sinh viên điện ảnh?
Chia sẻ bài viết này