Sự nhập nhèm khó bỏ
Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam, tiêu thụ sữa của Việt Nam ngày càng tăng cao. Năm 1990 trung bình mỗi người dân tiêu thụ 0,4g sữa/người/ngày, năm 2000 là 4g sữa/người/ngày và đến năm 2005, số lượng sữa tiêu thụ của mỗi người dân đã tăng lên 30g sữa/người/ngày.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh Dường Quốc gia cho biết, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng với ngành sữa. Các nhà sản xuất có thể phát triển nhiều loại sữa khác nhau đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, trên thị trường sữa đã xuất hiện rất nhiều loại sữa như: sữa tươi, sữa thấp béo, sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng… Tuy nhiên, điều đáng nói là các sản phẩm sữa thì vô cùng đa dạng trong khi các thông tin về nguyên liệu được ghi chưa rõ trên bao bì khiến phần lớn người tiêu dùng còn khó phân biệt và đôi khi còn ghi ngờ về các sản phẩm trên thị trường.
Tại hội thảo Quốc tế về sữa vừa được tổ chức vào sáng ngày 27/11 tại Hà Nội, nhiều câu hỏi được người tiêu dùng đưa ra về các thông tin được ghi trên bao bì sữa như vậy đã đủ hay chưa hay còn cần ghi rõ hơn nữa để người tiêu dùng phân biệt được tốt hơn.
Người tiêu dùng luôn thắc mắc là trên thị trường có rất nhiều loại sữa như bổ sung caxi và một số chất khác. Tuy nhiên, bao bì sản phẩm lại không ghi rõ những loại sữa này thích hợp với những đối tượng nào và tác dụng phụ của nó ra sao?
Tương tự, một câu hỏi làm nhiều người tiêu dùng đau đầu làm sao để phân biệt được sữa tươi và sữa hoàn nguyên về bản chất bởi trên thị trường tại các cửa hàng, siêu thị những loại sữa nước đóng vỉ bốn hộp thường được chia làm hai loại: sữa tiệt trùng với thành phần sữa tươi 100%, trong khi sữa tiệt trùng thành phần có bột sữa, nước, đường, một phần sữa tươi… Với cách gọi này người tiêu dùng rất dễ nhầm lần các loại sữa với nhau.
Một câu chuyện đau lòng đã diên ra trong ngành sữa là trong một thời gian dài các DN đã nhập nhèm quảng cáo sữa hoàn nguyên với sữa tươi tự nhiên để đánh lừa người tiêu dùng.
Thực tế này đã trở thành một scandan lớn của ngành sữa, khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin vào sữa và DN sữa bị một phen lao đao. Và sau có sốc này, khi cơ quan quản lý yêu cầu quyết liệt về thay đổi ghi nhãn các DN sữa mới chịu thay đổi.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa ai bảo đảm rằng 100% các sản phẩm của các công ty sản xuất cả 2 loại sữa tươi tự nhiên và sữa hoàn nguyên là trung thực 100%. Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa chứng minh bằng chính sách, thực tiễn, năng lực kiểm định được rõ ràng tính minh bạch, trung thực giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên của các doanh nghiệp trên.
Đó là chưa kể rất nhiều loại sữa trên trên thị trường không có nhãn mác rõ ràng, sữa nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt khiến người tiêu dùng chỉ biết một chút ít thông tin thông qua quảng cáo.
Hậu quả không chỉ người tiêu dùng bị thiệt mà các DN cũng lãnh đủ khi người tiêu dùng mất niềm tin vào và bị cuốn theo các tin đồn gây hại. Thời gian gần đây còn xuất hiện thông tin về các sản phẩm sữa có chứa “sinh vật lạ”, rồi sữa có đỉa… khiến ghi ngờ của người tiêu dùng về chất lượng các loại sữa lại càng tăng cao, ảnh hưởng tới kinh doanh của chính DN.
Ai dám xưng tên?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu Chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thừa nhận rằng trên thị trường còn có những sản phẩm còn thiếu thông tin như: sữa nhập khẩu không có nhãn phụ, nhiều sản phẩm còn mập mờ về nguyên liệu đầu vào hay thông tin sữa giả, sữa có chứa melamine…
Để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các sản phẩm sữa trên thị trường và yên tâm sử dụng các loại sữa cũng như giúp các doanh nghiệp trong ngành phát triển bền vững, ông Hùng khuyên các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các thông tin trên bao bì sản phẩm.
Đồng quan điểm, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, vừa qua có nhiều thông tin không tốt đến các loại sữa trên thị trường. Vì vậy để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng và tránh ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, bà Thái Hương cho rằng các doanh nghiệp nên minh bạch thông tin trên từng sản phẩm sữa của mình.
“các cơ quan chức năng cũng nên sớm có quy định đối với các nhà sản xuất là cần phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng biết được được quy trình chế biến, phân biệt được các loại sữa có nguồn nguyên liệu từ sữa tươi, nguyên liệu từ sữa bột”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia ngành sữa, việc in thêm một dòng thông tin về nguồn gốc nguyên liệu sữa không hề khó và chẳng có gì tốn kém. Nhưng vấn đề là ai dám công khai 100% nguồn nguyên liệu của mình: nhập từ đâu, sản xuất trang trai nào, bao nhiêu phần trăm sữa bột nguyên chất đã tách bơ hay các thành phần gì, các thành phần bổ sung thế nào… Đó là thách thức vượt qua chính mình mà không phải ai cũng dám làm.
Cần phải hiểu rằng, nguyên liệu từ sữa tươi được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sữa tươi khác nhau cũng tạo ra chất lượng khác nhau. Sữa tươi từ mô hình trang trại tập trung, chu trình khép kín hoàn toàn, được kiểm soát từ khâu nguyên liệu thức ăn cho bò, quá trình chăm sóc thú y… tạo ra được nguồn sữa tươi đầu vào tinh túy so với sữa thu mua từ những cơ sở không có quy trình chăn nuôi đồng bộ. Trong khi đó, sữa bột pha lại dùng trong sản xuất sữa hoàn nguyên nếu được nhập từ các nước nổi tiếng có nền chăn nuôi bò và sản xuất tiên tiến như Úc, Newzealand… với hạn sử dụng còn dài sẽ có chất lượng và giá cả hoàn toàn khác với những sản phẩm sử dụng nguyên liệu đầu vào không rõ xuất xứ, nguồn gốc, sữa đã gần hoặc hết hạn sử dụng.
Chất lượng và giá thành sữa phụ thuộc chủ yếu ở nguồn nguyên liệu đầu vào là rất lớn. Nhưng đi kèm với đó là các lợi ích cực lớn mà nhiều người sẵn sàng đánh đổi.
Chính vì thề, ngoài việc cần minh bạch thông tin trên bao bì sản phẩm giúp người tiêu dùng chọn được những loại sữa đặc thù phù hợp với thể trạng riêng của mỗi người, bà Nguyễn Thị Lâm cũng khuyên khi chọn các sản phẩm sữa người tiêu dùng không nên nghe quảng cáo quá nhiều mà cần phải xem nhãn mác trên bao bì, xuất xứ nguyên liệu, đọc các giá trị dinh dưỡng, chú ý đến uy tín nhà sản xuất…