Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng từ lâu các nhà làm phim đã biết sử dụng hành động uống sữa để truyền tải thông điệp về hình tượng và mô tả tính cách nhân vật.
Nghệ thuật truyền tải thông điệp từ hình tượng “uống sữa.” (Nguồn: Vietnam+)
Trong tất cả những phân cảnh ấn tượng của bộ phim “Inglorious Basterds” đoạn phim ấn tượng nhất có lẽ là cảnh Đại tá Hans Lada của phát xít Đức tra khảo một gia đình người Do Thái. Đáng chú ý là vừa chất vấn, Đại tá Hans Lada vừa thưởng thức một cốc sữa tươi.
Nhiều người chia sẻ phân đoạn này khiến họ cảm thấy khó chịu và rùng mình mà không biết lý do vì sao. Cách diễn viên Christoph Waltz nuốt từng ngụm sữa tươi, nhoẻn miệng cười và khen gia đình nuôi bò rất “mát tay.” Có lẽ, những người xem phim biết rõ chỉ sau những cử chỉ thân thiện ấy thôi, tên phát xít Đức này sẽ tàn sát cả gia đình người Do Thái một cách không thương tiếc.
Không có sự nhầm lẫn nào ở đây, chúng ta đang nói về một cốc sữa tươi, chứ không phải một ly rượu hay một vại bia. Từ lâu, những nhà làm phim đã biết tận dụng hiệu ứng “uống sữa” để mô tả về tính cách nhân vật. Thông điệp truyền tải rất kín đáo, nhưng phản ứng của người xem thì rất mạnh.
Có rất nhiều bộ phim nổi tiếng sử dụng hiệu ứng “uống sữa.” Trong “A Clockwork Orange” đạo diễn Stanley Kubrick đã khiến khán giả “rụng rời chân tay” khi tên biến thái Alex DeLarge mắt nhìn thẳng vào màn hình rồi từ từ đưa cốc sữa lên miệng uống. Hay như trong “No Country for Old Men” tên sát nhân máu lạnh Anton Chigurh ngồi bình thản uống sữa, nhưng chỉ vài phút sau, hắn trợn mắt và gồng mình bóp ngạt thở một sỹ quan cảnh sát.
Sữa mang một hình tượng về sự trong sạch và tinh khiết. Người mẹ sản sinh ra sữa để nuôi con, dù là ở con người hay động vật. Thế nhưng nếu người lớn uống sữa, mọi thứ trở nên khác hẳn, đặc biệt là trên phim.
Trong xã hội ngày nay, sữa không phân biệt tuổi tác. Sữa dành cho mọi nhà, dành cho bất kỳ ai thích uống. Tuy nhiên tận sâu trong tiềm thức và bản năng của con người, sữa là thức uống dành cho trẻ em. Việc một người lớn uống sữa khiến cho mọi giác quan của chúng ta réo lên rằng đây là một hành động không phù hợp. Việc một kẻ xấu uống sữa còn tạo nên thông điệp như quỷ dữ đang nuốt trọn sự trong trắng, là cái ác chiến thắng cái thiện vậy.
Điều này dẫn tới cảm xúc khó chịu của người xem khi thấy các phân cảnh người lớn uống sữa.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những phân cảnh người lớn uống sữa chỉ để tạo cảm giác ghê rợn. Như đã đề cập, sữa là hình tượng của sự trong sạch và thông điệp từ loại thức uống này còn phụ thuộc vào cách làm phim.
Trong bộ phim “Leon: The Professional” của điện ảnh nước Pháp, tên sát thủ chuyên nghiệp Leon dù có thể tước đoạt đi nhiều mạng người, nhưng tận sâu bên trong hắn có một trái tim nhân hậu và ấm áp. Hắn biết bảo vệ kẻ yếu và trẻ em trước các thế lực xấu. Cảnh Leon uống sữa không làm cho khán giả cảm thấy ghê sợ, mà khiến người xem cảm nhận được nhân vật này có một nội tâm giằng xé. Việc làm sát thủ là hoàn cảnh bắt buộc để mưu sinh, còn việc “uống sữa” khiến cho khán giả nhận được thông điệp rằng ở sâu bên trong, Leon vẫn còn sự “tinh khiết” của riêng mình.
Lần tới, khi bạn xem phim và thấy một phân cảnh uống sữa, có thể giác quan của sẽ bạn cảm thấy khó chịu hay kỳ lạ. Đó không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà đơn giản là các nhà làm phim đang cố truyền tải một thông điệp gì đó cho bạn mà thôi.
Bài: Sơn Tùng (VietnamPlus)