Sự trỗi dậy của drag queen

Sự đấu tranh không ngừng nghỉ của cộng đồng LGBTQ kết hợp cùng tác động tích cực từ truyền thông trong những năm gần đây đã giúp các drag queen (những nghệ sĩ cải trang từ nam thành nữ) ghi dấu ấn của mình vào văn hóa đại chúng nói chung và thời trang cao cấp nói riêng. Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ đây là một bước tiến cách mạng, nhưng thực tế trong lịch sử, drag queen và thời trang cao cấp đã luôn song hành cùng nhau như một cặp trời sinh.

Aquaria trên thảm đỏ MET Gala 2019 trong trang phục của Maison Margiela

Thập niên 60, văn hóa drag bị xem là thứ văn hóa của những kẻ bên lề xã hội. Các drag queen không được chào đón ngay cả bởi những hội nhóm có tư tưởng tân thời nhất lúc bấy giờ, ngoại trừ nghệ sĩ pop art Andy Warhol. Với Warhol, drag queen chính là hiện thân của sự hào nhoáng ở mức độ cao nhất, họ đã cống hiến linh hồn của mình cho cái đẹp, nghệ thuật và sự giải trí dù biết trước cái giá đau đớn phải trả vì sự khác biệt của mình. Những bộ ảnh polaroid lưu giữ lại vẻ đẹp đặc biệt này chính là minh chứng rõ rệt nhất cho tình yêu và sự ngưỡng mộ mà Andy Warhol dành cho những người nghệ sĩ tài năng này. Cuối năm 1968, các drag queen đã bước ra khỏi bóng tối của những hộp đêm cũ nát, bốc mùi để đến với hào quang, sự đón nhận của công chúng và trở thành ngôi sao của những buổi tiệc xa hoa nhất.

“RuPaul’s Drag Race” – chương trình truyền hình về nghệ thuật drag được ra mắt cách đây 11 năm cũng góp phần thay đổi cái nhìn của đại chúng về thế giới lạ lẫm này. RuPaul – một drag queen kỳ cựu đã mang lại cái nhìn chân thật về hào quang cũng như góc tối của drag, đồng thời giới thiệu một thế hệ drag queen mới đầy tự hào về những khác biệt của bản thân. Drag hơn hết chính là một bộ môn nghệ thuật thị giác, bởi ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên là điều quan trọng hơn cả. Chính điều đó đã biến drag trở thành nghệ thuật ăn ý với thời trang.

Conchita Wurst là vedette trong show Haute Couture Thu Đông 2014-2015 của NTK Jean Paul Gaultier
Conchita Wurst và NTK Jean Paul Gaultier tại sự kiện Life Ball 2014

Dễ dàng kể tên những nhà thiết kế lừng danh đã trót phải lòng môn nghệ thuật này. Jean Paul Gaultier từng chọn drag queen Conchita Wurst làm người mẫu cho nhiều show diễn của mình, thậm chí chọn cô làm vedette khoác thiết kế cô dâu mang âm hưởng thổ dân và gothic trong show diễn Haute Couture Thu Đông 2014. John Galliano, cựu Giám đốc Sáng tạo của Dior luôn mê đắm phong cách táo bạo và kịch tính, nên không mấy bất ngờ khi những ảnh hưởng từ drag luôn hiện hữu trong các bộ sưu tập của ông. Cộng tác cùng makeup artist Pat McGrath, những thiết kế của Galliano được bổ trợ bởi phần trang điểm ma mị đặc trưng của các drag queen với lông mày xếch ngược, mi giả siêu dày, quầng mắt đánh màu nổi bật hay đôi khi đính kim tuyến. Ngay trong những bộ sưu tập cổ điển nhất, văn hóa drag vẫn mang lại điểm nhấn đặc trưng, tách biệt ông khỏi các nhà thiết kế cùng thế hệ.

Violet Chachki trên thảm đỏ MET Gala 2019

Jeremy Scott thì nổi tiếng với những thiết kế đậm tuyên ngôn đường phố tại tuần lễ thời trang New York, nhưng phải đến khi trở thành giám đốc sáng tạo của Moschino, tiếng nói thời trang của anh mới thật sự trở nên đặc biệt. Không ngần ngại bộc lộ bản năng giới, say mê phong cách tối đa maximalism và rất mực “đồng bóng”, bàn tay của Jeremy Scott đã biến Moschino thành ngôi nhà tôn vinh những nhóm khách hàng thiểu số. Các drag queen không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn trở thành người bạn và gương mặt đại diện cho một trong những nhà mốt xa xỉ quan trọng nhất của nước Ý.

Từng bước một, thứ văn hóa từng một thời bị ghẻ lạnh đã trở thành một phần không thể tách rời của thời trang và đời sống.

Xuất hiện với vai trò nàng thơ của nhà thiết kế, các drag queen sau đó đã đường hoàng xuất hiện như những ngôi sao thực thụ. Aquaria & Violet Chachki thiêu đốt mọi ánh nhìn trên thảm đỏ MET Gala 2019 bằng vẻ đẹp hớp hồn và nóng bỏng của mình. Violet Chachki và Carmen Carrera còn xuất hiện trên Vogue Ý – ấn phẩm high fashion nhất trong mọi ấn phẩm của Vogue – dưới ống kính của hai nhiếp ảnh gia huyền thoại Steven Meisel và Steven Klein. Pearl, một drag queen nổi tiếng khác cũng bước ra từ chương trình “Drag Race” còn gây bất ngờ hơn nữa khi xuất hiện trên tờ Dazed số tháng 9/2015 dưới cả bản thể nam và nữ của mình trong bộ ảnh “Venus as a Boy” (Vệ Nữ trong hình hài nam nhi).

Violet Chachki (phải) trong show Thu Đông 2018 của Moschino

Không dừng lại ở đó, dàn thí sinh của “Drag Race” với các drag queen Violet Chacki và Miss Fame đình đám còn từng mang sự hào nhoáng của mình đến phủ đầy sự kiện ra mắt nước hoa mới của Miu Miu. Chiến dịch quảng cáo mùa Xuân Hè 2016 của Marc Jacobs ghi dấu ấn đặc biệt với sự xuất hiện của drag queen Milk và bạn trai cô – nghệ sĩ ballet James Whiteside. Từng bước một, thứ văn hóa từng một thời bị ghẻ lạnh đã trở thành một phần không thể tách rời của thời trang và đời sống.


From the same category