Mindfulness – Sự tĩnh tâm, sự tỉnh thức, hay chánh niệm – là trạng thái xuất hiện khi thiền định, là hoạt động tập trung toàn bộ sự nhận thức của mình tại nơi ta hiện diện mà không có bất cứ sự phán xét nào.
Sự tĩnh tâm, sự tỉnh thức, hay chánh niệm (Mindfulness) đã trở thành một trong những từ khoá tìm kiếm thông dụng nhất trong hơn một thập kỷ qua. Sống ở hiện tại nhiều hơn, hạnh phúc hơn, tập trung hơn là những mục đích mà con người hiện đại đang hướng đến. Tuy nhiên, nếu mới biết đến khái niệm này, bạn sẽ dễ bị lạc lối trong ma trận thông tin như hiện nay. Mời bạn cùng Đẹp tìm hiểu những chỉ dẫn của Leo Barbauta, người đã theo đuổi lối sống tối giản và thực hành thiền trong nhiều năm qua với trang Zen habits thu hút hơn 2 triệu người đọc.
Sự tĩnh tâm có thể dễ dàng đạt được
Mindfulness xuất hiện khi thiền định, là trạng thái hoạt động khi ta tập trung toàn bộ nhận thức của mình tại nơi ta hiện diện mà không có bất cứ sự phán xét nào. Người bắt đầu thiền tập thường cho rằng họ dễ dàng đạt đến trạng thái này ngay khi thực hành. Kỳ thực, chính họ là người nhận ra lầm tưởng này sớm hơn cả. Ngay khi ngồi thiền, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, muốn đứng dậy, muốn làm cái gì đó, lên kế hoạch trong ngày, lao vào công việc, trả lời tin nhắn, tìm kiếm vài thông tin đang lởn vởn trong đầu bạn lúc đó. Chỉ duy việc ngồi yên một chỗ và chú tâm vào cảm giác hiện tại là khó hơn cả.
Một khi đã đạt đến trạng thái tĩnh tâm thì sẽ không còn rơi vào tình trạng hỗn loạn
Bạn bắt đầu thực hành thiền đều đặn và nhận thấy tiến triển hơn từng ngày. Sau đó thì bạn bị gián đoạn, bỏ dở, cảm giác này không dễ chịu chút nào. Hoặc là, bạn vẫn thiền tập thường xuyên nhưng sẽ phải đấu tranh với việc giữ sự tỉnh thức trong những tình huống “động” như làm việc, ăn uống hay các tình huống xã hội đòi hỏi sự giao tiếp, gặp gỡ với nhiều người. Bạn sẽ phải học cách có mặt ở hiện tại, ý thức được những gì đang diễn ra để kết nối với bản thân trong trạng thái hỗn loạn.
Sự tỉnh thức luôn đi cùng hỗn loạn, hoặc diễn ra trong hỗn loạn, như bản chất cuộc sống này vậy. Đó là lý do bạn nên mở lòng với dòng chảy cuộc sống thay vì luôn mong mỏi về trạng thái trật tự, yên tĩnh không bị phá vỡ.
Sự tĩnh tâm thì dễ chịu vô cùng
Ngồi yên và đối mặt với cảm giác trống trải đang diễn ra có thể gây nhàm chán. Bạn sẽ bị thúc giục bởi mong muốn thoát ra khỏi trạng thái tĩnh để làm việc này việc nọ. Điều này sẽ diễn ra liên tục vì đó là mô thức cũ đã ăn sâu vào tâm trí bạn. Thiền để đạt đến trạng thái tỉnh thức thực sự không dễ dàng gì, nhưng cũng chính vì vậy mà hành trình bứt ra khỏi lề lối cũ là một trải nghiệm sâu sắc và đáng nhớ.
Sự tĩnh tâm quét sạch những hiểu biết bạn lầm tưởng
Bạn thực hành thiền được một khoảng thời gian và nghĩ mình đã đạt đến trạng thái tĩnh tâm tuyệt đối. Đột nhiên, những gì bạn nghĩ là đã biết bỗng dưng không đúng nữa, rồi bạn học thêm cái mới, hoặc một mô thức khác xuất hiện. Bạn học thêm một bài học. Sau đó một thời gian, bạn lại bắt gặp “người thầy” mới qua những buổi nói chuyện, thuyết giảng hay qua sách vở. Và bạn lại thấy bối rối, ngỡ ngàng như buổi đầu.
Cứ như thế, khi mà bạn tưởng mình đã hiểu hết, thì bạn lại vỡ ra một bài học mới. Sự tĩnh tâm có thể gây khó chịu (hoặc thú vị) khi tưởng chừng như bạn đã biết hết. Đó là một phần của phép màu trong thiền định. Đây cũng là bản chất cuộc sống với những điều không chắc chắn luôn diễn ra và điều ta cần học là mở lòng đón nhận và yêu thương.
Mở lòng hơn, ít phán xét hơn
Khi có những tiến triển trong thiền tập và ngày càng có ý thức hơn về các mô thức hình thành thói quen mới, về cách suy nghĩ, về cách đối mặt với phần sâu thằm của chính mình; khi bạn đang sống trong hiện tại, một điều hiển nhiên là bạn sẽ nghĩ người khác không tỉnh thức. Và bạn biết không? Có một ý nghĩ rất buồn cười là bạn sẽ cho rằng họ nên có mặt ở hiện tại nhiều hơn, rằng bạn biết cách giúp họ trở nên tĩnh tâm vì bạn đã học được điều đó rồi.
Bạn sẽ nhận ra việc phán xét người khác, cho rằng họ phải cư xử thế này thế kia thật ra chỉ là một mô thức cũ của tâm trí luôn muốn kiểm soát mọi việc. Bạn sẽ học cách cứ để mọi thứ qua đi, khi làm vậy, bạn sẽ mở lòng hơn để kết nối với người khác bằng sự nhạy cảm của riêng mình.
Hơn cả sự tĩnh tâm là lòng trắc ẩn
Khi mới thiền tập, bạn cảm thấy tĩnh tâm là câu trả lời cho tất cả. Nhưng đó không phải là phép màu để giải quyết mọi chuyện. Việc thực hành thiền mang lại nhận thức tuyệt vời trong cuộc sống của bạn, nhưng đôi khi lại là trải nghiệm khủng khiếp nhất mà bạn đối mặt, là những suy nghĩ tệ hại mà bạn nhận thấy về bản thân mình, về người khác và cả thế giới xung quanh. Cùng với việc đi sâu vào bên trong để nhận diện chính mình, sự tĩnh tâm không phải lúc nào cũng mang lại trải nghiệm dễ chịu như từng được biết đến.
Đó là lý do thiền tỉnh thức chỉ là một phần việc của bạn. Phần việc còn lại đòi hỏi sự trắc ẩn – cho bản thân và người khác. Nó cần đến sức mạnh của sự nhạy cảm – một lời nguyền đối với những ai không biết cách đón nhận và là một món quà cho những ai mở cửa trái tim mình. Nó cần đến sức mạnh của sự chân thành và mở lòng với mọi thứ xung quanh. Nó cần đến sự sẵn lòng yêu mọi thứ như nó vốn có mà không có nhu cầu kiểm soát tất cả – phần việc đòi hỏi lòng dũng cảm lớn lao.
Xin mượn lời của Eckhart Tolle gửi đến bạn và tôi, để biết rằng chúng ta không cô đơn trong hành trình tâm linh tưởng chừng đơn độc này: “Sự thức tỉnh là bước kế tiếp sẽ xảy ra trong quá trình phát triển tâm thức của nhân loại. Nhân loại sẽ bước sang một giai đoạn mà sự thức tỉnh trong tâm hồn sẽ tạo ra sự tự do và niềm hạnh phúc miên viễn trong mỗi con người và trên toàn thế giới”.