Sự thực về các “bác sỹ đông y Trung Quốc” - Tạp chí Đẹp

Sự thực về các “bác sỹ đông y Trung Quốc”

Tin Tức

“Bác sỹ” là lao động tự do?

Tình trạng các phòng khám Trung Quốc hoạt động bát nháo, sai phạm hết lần này đến lần khác diễn ra đã lâu và công khai nhưng các biện pháp chấn chỉnh của cơ quan chức năng tỏ ra không có hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, những văn bằng, tài liệu nước ngoài do các bác sỹ đông y Trung Quốc cung cấp phải được hợp pháp hóa qua lãnh sự quán, được dịch và công chứng. Các loại bằng cấp này phải phù hợp với yêu cầu của Việt Nam.

Ngoài ra, các thầy thuốc đông y này đều có bằng cử nhân y học cổ truyền do các trường ĐH hoặc học viện trung y của Trung Quốc cấp, sau đó thi chứng chỉ và được công nhận là bác sĩ.

 

“Bác sỹ đông y giỏi thực sự của Trung Quốc không bao giờ sang Việt Nam chữa bệnh” – Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết (Ảnh minh họa: PK Maria)

Tuy nhiên, là thành viên của Hội đồng thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ đông y Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, hiện nay quy trình cấp phép, quản lý hành nghề đối với bác sỹ đông y Trung Quốc của ta rất lỏng lẻo.

“Họ chỉ cần mang bằng cấp, giấy tờ được phô tô đến lãnh sự quán của ta ở Quảng Tây để hợp pháp hóa là được. Trong khi đó, lãnh sự quán cũng không thể thẩm định giấy tờ họ mang đến là thật hay giả, ngành y tế của ta cũng không thẩm định được giấy tờ vì tất cả đều là bản phô tô”, ông Hướng cho hay.

Ngoài chuyện bằng cấp, ông Hướng cho rằng chúng ta không thông qua Bộ Ngoại giao để thẩm định nhân thân của những người này, do đó không thể biết thực sự họ có nhu cầu và đủ trình độ sang Việt Nam chữa bệnh hay không.

“Bác sỹ đông y giỏi thực sự của Trung Quốc không bao giờ sang Việt Nam hành nghề khám chữa bệnh đông y. Theo tìm hiểu thực tế của tôi, những người sang Việt Nam hành nghề “bác sỹ đông y” đều là lao động tự do chứ không phải chuyên gia. Thực chất, họ sang Việt Nam và làm thuê cho người Việt Nam. Tôi cho rằng trước khi được hợp pháp hóa, lãnh sự quán Việt Nam cần phối hợp với Cục Trung y của Trung Quốc để xem các giấy tờ họ cung cấp có phải thật hay không và cần thẩm định kỹ nhân thân của họ.


Chưa hết, nếu giấy tờ đó là thật thì trước khi được cấp phép hành nghề, các bác sỹ đó phải được các thầy thuốc đông y của Việt Nam kiểm tra tay nghề, rồi mới cho hành nghề”, ông Hướng chỉ rõ.

Phòng khám hoạt động bát nháo: Ngành y tế không thể vô can

Vào tháng 9/2011, phòng khám đa khoa Việt Hải (nằm trên đường Giải Phóng, Hà Nội) bị thanh tra Sở Y tế Hà Nội “sờ gáy”, phát hiện một loạt sai phạm như niêm yết giá một đằng, thu giá một nẻo; dùng thuốc bị bóc vỏ, đơn thuốc kê bằng tiếng Trung nhưng không được phiên dịch sang tiếng Việt.

Đặc biệt, người nhà bệnh nhân đến đây thăm nom cũng bị y bác sỹ “lôi kéo”, gạ gẫm khám rồi phải nằm lại điều trị tốn kém cả chục triệu đồng. Phòng khám này cũng có bác sỹ người Trung Quốc hành nghề.

 

Phòng khám Trung Quốc gây nên nỗi bức xúc lớn trong nhân dân, ngành y tế không thể vô can

Ngoài ra, một loạt các phòng khám khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã bị xử phạt vì vi phạm các quy định chuyên môn trong khám chữa bệnh. Có thể liệt kê các phòng khám như Phòng khám Đông y Trung Quốc 62 Đại Cồ Việt (bị xử phạt vào tháng 12/2009 vì quảng cáo 2 dịch vụ chưa được cấp phép là điều trị u bướu và thẩm mỹ, vị bác sỹ Trung Quốc hành nghề ở đây cũng chưa được cấp chứng chỉ).

Gần đây nhất là phòng khám đa khoa Maria (65-67 Thái Thịnh, Hà Nội) bị phạt 11,5 triệu đồng vào cuối tháng 6. Trước đó, phòng khám này cũng nhiều lần bị phạt do quảng cáo không đúng chuyên môn, thu tiền giá cắt cổ, kê đơn thuốc tiếng nước ngoài, thuốc không rõ nguồn gốc, …

Vừa chấm dứt đợt xử phạt cuối tháng 6 xong thì ngay giữa tháng 7, phòng khám này đã làm bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tử vong.

Tại TP.HCM, một loạt phòng khám Trung Quốc đã bị “sờ gáy” trong tháng 6 và điều đáng lo là động đến phòng khám nào thì phòng khám ấy cũng có sai phạm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Hướng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng bát nháo tiếp diễn ngày này qua tháng khác là do cơ quan thực thi pháp luật của ta chưa nghiêm, ngành y tế không thể “vô can” trước tình trạng này.

Phòng khám Maria: Giọt nước tràn ly

Vụ việc xảy ra ở phòng khám đa khoa Maria như giọt nước tràn ly, thổi bùng những bức xúc trong dư luận về kiểu làm ăn “không giống ai” của các phòng khám Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó phòng khám Maria có thể coi là một “điển hình”.
Trên các diễn đàn trực tuyến đang sôi sục chuyện xảy ra tại phòng khám này. Một mặt chia sẻ nỗi đau với chị Thu Phong và gia đình, một mặt những độc giả này cũng thi nhau “kể tội” các phòng khám khác, ngoài phòng khám Maria.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

18/07/2012, 07:18