Sự thất bại của phim “thương mại” Việt Nam

Kể ra, một người như tôi bàn về vấn đề này có vẻ không tiện, bởi chính tôi cũng là kẻ trong cuộc, nếu không muốn nói là thuộc về đám “đầu têu”. Nhưng sau khi suy nghĩ (không sâu sắc) tôi quyết định vẫn nói. Vì thứ nhất, tính tôi vốn nông nổi thế. Thứ hai, thà mình nói còn hơn để “đứa khác” nói trước mất.

Sau cái Tết vừa qua, cả hai “dòng” điện ảnh, nếu có thể gọi số lượng tác phẩm lèo tèo đó là “dòng” mang tên “nghệ thuật” và “thương mại” đều thất bại cả, nhưng “mảng” hay “mảnh” nghệ thuật của ta ngay từ đầu đã không “màng” tới doanh thu, và sự thắng lợi của chúng nhằm vào những mục đích “cao quý” khác nên tôi không có quyền nói tới. Tôi chỉ nên giới hạn bài này trong những sản phẩm sản xuất hướng đến mục đích nhằm vào túi tiền của công chúng mà thôi.

Đầu tiên, những phim đó thất bại vì… nó phải thất bại! Tại sao? Tại Việt Nam chưa có thị trường điện ảnh, hay nói chính xác hơn, chưa có một thị trường ổn định.

Thế nào là ổn định? Ở các nước, nếu người ta đầu tư một số tiền nào đó, thuê được những ngôi sao tên tuổi và đạo diễn nào đó, chiếu trong một số lượng rạp trong một khoảng thời gian, người ta có thể dự đoán được cơ bản doanh thu. Tất nhiên, dự đoán có sai lầm và thành công đột biến nhưng phần lớn, họ có một khoảng vé khá thích hợp cho chi phí bỏ ra.

Ở Việt Nam không thế. Ở Việt Nam, bạn có thể mất sạch (và khối kẻ đã mất) ba, bốn tỷ trong vài ngày, và cũng có thể thu được mươi tỷ cũng trong vài ngày như vậy. Nhưng tỷ lệ “chết” bao giờ cũng cao, nếu không nói là cực cao, đơn giản vì tính mất ổn định luôn luôn bao hàm nghĩa xấu.
 
Nói ngắn gọn, nếu tại Mỹ, sản xuất mười phim nhiều khả năng lỗ hai phim, hòa năm phim, lãi ba phim thì ở “nước Nam” làm mười phim có thể mất trắng năm phim, ba phim mất một nửa và lãi hai phim. Nhưng đã lãi là lãi to. Vì nguyên tắc số một của kinh doanh ai mà không biết “rủi ro nhiều, lợi nhuận cao”.

Đạo diễn nào làm phim chả hy vọng mình “trúng” vào hai phim này. Đạo diễn Lê Hoàng cũng tầm thường vậy thôi.

Nhưng cơ sở đâu để hy vọng chứ?

Ở bên ngoài (khổ lắm, lại bên ngoài) chủ phim đầu tiên hy vọng vào ngôi sao. Hễ có ngôi sao là có bảo đảm một phần doanh thu nào đó. Chính vì thế, họ dám vung tiền trả giá cho ngôi sao cao ngất.

Song ở mình thì chưa. Chẳng ngôi sao nào giúp tác phẩm chắc chắn thành công, thậm chí cũng không chắc 50%. Đơn giản, nước mình chưa có “sao” điện ảnh theo nghĩa thương mại (còn theo các nghĩa khác thì đầy!).

Do đâu như vậy? Tôi xin phép không nói đến vì không phải phạm vi của bài viết này.

Sau đó, người ta hy vọng vào kỹ xảo. Xi-nê, không nghi ngờ gì nữa, là nghệ thuật của sự nhìn. Kỹ thuật tiên tiến trong mấy năm gần đây đã khiến công chúng khắp thế giới được nhìn thấy những cảnh mà đáng ra, họ không bao giờ có khả năng nhìn (và được phép nhìn!) như núi lửa phun, tàu vũ trụ đâm nhau, người vỡ thành năm mảnh rồi năm mảnh đó ghép lại thành… năm người, hoặc cả thành phố “đông cứng” lại dưới băng. Toàn những thứ chả hiểu có lợi cho thần kinh không, nhưng chắc chắn… đáng xem. Còn chúng ta, kỹ xảo là… số không tuyệt đối. Nếu có thì cực kỳ ngô nghê, trẻ con cũng không lừa được, nói chi dân sành điệu.

Vậy thì trông vào cái gì để phim có vé? Quảng cáo ư? Quảng cáo ở đâu? Trên báo, trên ti vi à? Kinh nghiệm dân chúng xưa nay không mấy tin những gì báo nói, nhất là trong khoảng “xi-lê-ma”. Thiếu gì tác phẩm được “nhựt trình” tung hô ầm ĩ, nhưng dân chúng lặng như tờ. Ti vi có hiệu quả hơn, nhưng rất đắt, đổ vào đấy, coi chừng “một tiền gà, ba tiền thóc”. Đấy là chưa kể quảng cáo hay cho một bộ phim dở có thể thành con dao hai lưỡi, bà con xem xong ra “chửi” vang trời thì gay go lắm (và điều này cũng đã thấy rồi).

Như thế, rõ ràng chỉ còn trông vào đạo diễn. Ô hô, vinh dự quá, quan trọng quá, đạo diễn muôn năm!

Nhưng than ôi, đạo diễn Việt Nam lớp già hoặc gần già, danh hiệu, giải thưởng đầy mình thì không làm, thậm chí còn “mắng” phim thương mại là thứ vớ vẩn, câu khách rẻ tiền, phá hư thị hiếu (vốn đã hư lắm!) của khán giả. Còn đạo diễn trẻ, đầy nhiệt huyết, sục sôi thì chưa có kinh nghiệm, được đào tạo sơ sài, tự mình bươn chải, và chỉ phong phú… tự tin.

Trong một khung cảnh như thế của những người làm (còn chưa nói đến sự sập sệ của những người chiếu) khả năng một bộ phim thua là hiển nhiên, đến mức “thắng” mới là lạ!

Nhưng vẫn có thể thắng. Với điều kiện một câu chuyện hấp dẫn, động tới tình cảm của một số đông. Đấy là quan điểm của tôi. Nếu xét các phim thảm bại vừa qua, khán giả ngồi trong rạp được thưởng thức một câu chuyện chắp vá, “không khóc, cũng không cười”, thế thì bán vé làm sao được?

Muốn người ta khóc, muốn người ta cười thì người ta phải hiểu. Muốn hiểu thì bố cục phải rõ ràng. Nhân vật tại sao ngồi, ngồi rồi tại sao đi, đi rồi tại sao dừng lại, dừng lại tại sao đi tiếp? Đấy là những câu hỏi mà người xem luôn đặt ra cho các “trai thanh gái lịch” trên phim, hay nói đúng hơn, luôn luôn đặt ra cho các nghệ sĩ làm phim. Và phần lớn họ không được trả lời mà cứ bị màn ảnh “lấp” đi. Lấp một lần, lấp hai lần, đến lần thứ ba thì ai mà chịu nổi.

Khi câu chuyện sơ sài, diễn viên kém cỏi thì cái mà người ta hy vọng chính là cái đáng buồn nhất: sự dễ dãi của người xem. Đấy chính là bi kịch của một số cá nhân làm văn nghệ. Một mặt kêu ca công chúng ở trình độ thấp, không hiểu được những thông điệp cao cấp mà mình gửi gắm, một mặt lại muốn “kiếm ăn” trên cái trình độ ấy. Đấy là một sai lầm không thể tha thứ được, vì trong nghệ thuật thực ra không có sự “hai mang”. Không “bình dân” một cách sâu sắc (vì điều đó cũng khó lắm!), chỉ giả bình dân thôi thì anh sẽ phải trả giá lập tức.

Sự thất bại của những phim thương mại vừa qua là hợp với quy luật thị trường, bởi các sản phẩm không bắt nguồn từ việc nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư người tiêu dùng, mà hình thành do chủ quan muốn áp đặt của người làm văn hóa. Nếu xét như thế, sự thất bại đó là những tín hiệu… lành mạnh của nền kinh tế, à quên, nền điện ảnh nước nhà!


From the same category