Trong y khoa, khâu quan trọng nhất không phải khâu chữa trị, mà là chẩn đoán, có nghĩa gọi được đúng tên bệnh. Nếu không gọi đúng tên, mọi biện pháp cấp cứu chả có tác dụng gì, thậm chí nhiều khi còn gây hại. Chính vì thế, lắm lúc chữa bệnh chỉ cần một bác sĩ, còn chẩn đoán bệnh cần cả một hội đồng.
Cho nên tôi rất kinh ngạc khi thấy báo chí ở ta, nhất là trong thời gian gần đây, khi viết về giáo dục, hay dùng từ “bệnh thành tích”. Nếu là một người ở nước khác tới, nếu là một người của thế kỷ trước sống lại, cam đoan chẳng hiểu “bệnh thành tích” là bệnh gì. Nó không có trong Từ điển Y khoa.
Nhưng nếu hỏi kỹ ra, được giải thích cặn kẽ và dài dòng, người ta sẽ hiểu bệnh thành tích là căn bệnh lừa dối.
Một em bé chưa biết chữ được gọi là học sinh cấp hai, một cây cầu chưa sử dụng được kêu là đã hoàn thành, một ông tiến sĩ chưa học hết phổ thông đã được cấp bằng, chả gọi là lừa dối thì còn gọi gì nữa chứ?
Ngay lập tức, một câu hỏi to tướng rất đơn giản, rất bình thường đặt ra: Nếu bệnh thành tích thực chất là bệnh lừa dối thì sao không gọi nó là lừa dối nhỉ?
Ôi, một thiếu nữ đẹp tên Tuyết, tên Hồng hay tên Bèo thì vẫn đẹp, nhưng một căn bệnh đau răng kêu rằng đau lưng thì khác, kêu rằng ung thư còn khác vô cùng. Cũng thế, giữa chữ lừa dối và chữ thành tích khác xa nhau về mức độ và phương pháp điều trị cũng như cảm nghĩ của nhân dân.
Hay là tiếng Việt quá phong phú nên người ta muốn đa dạng cho vui? Không, đa dạng ở chỗ nào không biết, chứ trong trị bệnh ai dám đùa.
Hay chữ “lừa dối” được đăng ký độc quyền cho bọn làm rượu giả, làm bánh kẹo giả nên các ngành khác không được dùng nữa chăng?
Chắc chắn chẳng phải thế rồi. Sau khi ngẫm nghĩ một hồi, cái trí óc không lấy gì làm thông minh, không lấy gì làm trẻ trung của tôi phán đoán: Nếu dùng cái tên giả dối sẽ đúng quá, nhưng phiền quá. Nhiều vị mắc bệnh, nhiều ngành mắc bệnh không thích nghe chữ đó chút nào.
Ô, như vậy khác chi do cúm gà nhiều nơi xảy ra quá ta vội vã gọi nó thành bệnh “sổ mũi gà” cho văn vẻ và cho nhẹ đi. Ô, như vậy khác khi một đứa trẻ con ăn vụng được người lớn kêu thành “nhai không đúng lúc”, mức độ trừng phạt và mức độ tai tiếng sẽ “chưa cao”.
Tôi khâm phục nhà phát minh nào đã nghĩ ra chữ “bệnh thành tích” đầu tiên, khiến cho khối ông, khối ban ngành vớ lấy một cách hồ hởi. Bởi được gọi là ham thành tích còn sang lắm, còn vui lắm và còn dễ thông cảm lắm, chứ nếu gọi “lừa dối” thì liệu chừng.
Tôi cũng tiếc thay cho những kẻ làm rượu giả hay bia giả. Rõ ràng là chúng chế tạo các sản phẩm lừa dối, uống vô ngã lăn quay nhưng chúng ngu ngốc không biết ra tòa đổi tội danh là “rượu thành tích”, “bia thành tích”, cam đoan mức án nhẹ hơn nhiều.
Tóm lại, khi đổi tên lừa dối bằng thành tích, các nhà “tội danh học” đã làm một điều vĩ đại mà các nhà ngôn ngữ học không khi nào tìm ra nổi, đó là làm giảm đi bản chất vụ việc trong khi mọi người vẫn ngầm hiểu, thế mới tài tình!
Trong tòa án, cũng y như trong y khoa, việc xác định đúng tội danh luôn luôn là việc phải tính đầu tiên.
Trộm cắp khác, lừa đảo khác, vô trách nhiệm khác và cố ý làm trái cũng khác. Chỉ cần thay đổi tên gọi là hình phạt thay đổi tới ba trăm sáu mươi độ, và ai là quan tòa, là luật sư hay bị cáo cũng hiểu rất sâu sắc điều này.
Các nhà cải cách nói mãi về vận động làm trong sáng tiếng Việt. Theo tôi, cứ làm chính xác cái đã. Đã tới lúc nên rà soát lại những ngôn ngữ mập mờ, có tính chất che đậy hoặc giảm nhẹ một hiện tượng nào đó, hãy gọi sự việc bằng đúng cái tên mà nó cần mang!