“Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa”: Khúc khải hoàn cho những tâm hồn tự tại

Trong quyển “Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa”, độc giả không chỉ được biết câu chuyện lôi cuốn của một người phụ nữ từng sống sót trở về từ trại tử thần Auschwitz, mà còn có thể tìm thấy những hướng dẫn chữa lành tổn thương quý giá của Tiến sĩ Tâm lý học dày dặn kinh nghiệm và trải nghiệm Edith Eva Eger.

quyen sach su lua chon - 1

Năm 1944, ở tuổi 16, Edith Eva Eger đang ngập tràn hạnh phúc trong tình yêu đầu đời, và là người múa ba-lê, vận động viên thể dục giỏi nhất trong lứa vận động viên được đào tạo để lựa chọn dự thi Thế vận hội Olympic. Nhưng cùng gia đình Do Thái gốc Hungary của mình, bà đã phải trải qua một trong những thảm họa diệt chủng tồi tệ nhất mà nhân loại từng biết đến. Ngoại trừ người chị gái Klara, khi ấy là một nghệ sĩ violin tài năng đang đi học xa nhà, cả nhà Edith cùng mọi gia đình ở Slovakia đều bị đưa đến trại tử thần Auschwitz.

Bố của Edith bị tách khỏi gia đình ngay khi đến trại, sau đó đến mẹ bà. Edith và người chị gái Magda cùng những người phụ nữ trẻ tuổi được đưa đến một khu nhà giam khác, nơi họ bị gọt sạch tóc, cho mặc quần áo tù nhân, sinh hoạt trong điều kiện vô cùng kham khổ. Dù không ngơi hy vọng, họ cũng không bao giờ được gặp lại cha mẹ mình, những người trên thực tế đã bị giết trong các lò thiêu xác tỏa khói ngày đêm ngay khi vừa đặt chân đến Auschwitz.

Gần một năm rưỡi sau đó, Edith, Madga cùng những người phụ nữ Do Thái khác liên tục bị đưa đi từ trại giam này đến trại giam khác, từ Ba Lan đến Áo trong các cuộc hành quân. Nơi họ phải trộm giấu vỏ khoai tây trong đồ lót, chia nhau mẩu bánh mì bé xíu ôi thiu, đánh cược cả mạng sống để kiếm về vài củ cà rốt, trở thành tấm bia sống chống đạn cho những đoàn tàu chở vũ khí của Đức quốc xã…

Cuối cùng khi được những người lính Mỹ tìm thấy và cứu sống, Edith bị gãy xương sống cùng chị gái của mình chỉ như những khung xương bọc da, nằm lẫn lộn cùng những người đã chết, thần trí lơ mơ, thậm chí không thể giơ nổi cánh tay. Họ được sắp xếp ở tạm cùng một gia đình người Đức trong một thời gian ngắn để hồi phục phần nào sức khỏe trước khi được đưa về nhà với chấy rận và các vết lở loét đầy người.

Bằng sự linh hoạt, kiên cường, sự giúp đỡ của những người bạn tù và cả may mắn, Edith và Magda đã vượt qua được quãng thời gian địa ngục, sống sót để trở về với người chị cả của mình. Tuy nhiên, cái chết của cha mẹ họ, của người yêu đầu tiên, ấn tượng về cuộc sống tù đày địa ngục đã trở thành những tổn thương không thể phai mờ trong tâm trí của cô gái trẻ.

quyen sach su lua chon - 2

Edith sau đó kết hôn cùng một doanh nhân người Do Thái. Sau một thời gian ngắn được sống một cách bình thường, họ lại phải trốn chạy khỏi đất nước, sang Mỹ nhập cư với hai bàn tay trắng. Để mưu sinh, Edith cùng chồng lao động cật lực giống như mọi người nhập cư ở tận cùng xã hội. Tuy nhiên, sự vất vả về thân xác dường như vẫn không là gì so với nỗi ám ảnh của những tổn thương trong quá khứ do chế độ Hitler gây nên.

Edith trốn chạy, thậm chí hoảng loạn trước mọi hiện tượng gợi nhớ hay khi nghe bất cứ ai nói gì liên quan đến Auschwitz, Hitler, Đức quốc xã… ngay kể cả khi vợ chồng bà đã có thêm hai đứa con, cuộc sống gia đình “dễ thở” hơn và bản thân đang theo học về tâm lý tại Đại học Texas, El Paso.

Khi Edith được một người bạn học tặng cho cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của nhà thần kinh học kiêm bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Frankl đồng thời cũng là người sống sót ở Auschwitz, Edith đã lảng tránh, nhưng cuối cùng bà đã quyết tâm lật giở cuốn sách. Và từ đây bà đã được dẫn lối để dần dám đối mặt với quá khứ, tiến xa hơn trên con đường trau dồi tri thức, giải thoát các bệnh nhân, đồng thời cũng giải thoát bản thân khỏi tù ngục trong tâm trí của chính mình.

“Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm, bắt đầu từ khi bà 80 tuổi. Ra mắt lần đầu năm 2017, cuốn sách đã nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhận được nhiều đánh giá cao từ các tờ báo lớn và nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Oprah Winfrey, Tổng giám mục đạt giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu. Cuốn sách cũng được trao Giải thưởng sách Quốc gia Do Thái và Giải thưởng Christopher.


From the same category