Sự học của con công nhân: Khó khăn trăm bề! - Tạp chí Đẹp

Sự học của con công nhân: Khó khăn trăm bề!

Tin Tức

Sự học của con công nhân: Khó khăn trăm bề!

Bố mẹ những đứa trẻ này cho biết năm sau chúng sẽ được đưa về quê để đi học.

Gian nan đến trường

Con gái của vợ chồng chị L.Thu – CN may KCN Tân Bình – tròn 3 tuổi. Từ khi sinh con đến nay, chị Thu phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Đến khi con lớn, chị xin đi làm lại thì không tìm đâu ra chỗ gửi con.

Chị Thu tâm sự: “Con đã cứng cáp muốn gửi con để đi làm thì không có chỗ nào chịu nhận. Có chỗ nhận nhưng chi phí cao quá, chỗ rẻ thì lại xa mà trường thì chật chội”.

Theo lời chị Thu, các trẻ 3 đến 5 tuổi thường phải gửi đi mẫu giáo, trường mầm non chứ các chỗ giữ trẻ tư nhân cũng rất ngại nhận dù chi phí gửi mỗi tháng ít nhất cũng phải 1 triệu đồng/cháu. Lý do được các bảo mẫu đưa ra là, ở tuổi đó trẻ hiếu động, mà các nhà trẻ tư nhân thì không có người quản.

“Tìm một chỗ để gửi trẻ thôi đã khó, nói chi đến việc tìm nơi để cho con vui chơi. Sắp tới ngày đi làm rồi mà tôi cũng không biết tính sao”
– chị Thu bộc bạch.

Mầm non đã khó, những gia đình CN có con em theo học tại các trường tiểu học, trung học cũng không tránh khỏi khó khăn về học phí, đi lại hoặc con CN phải thường xuyên chuyển trường. Nhiều phụ huynh chọn cách gửi con về quê.

Anh Phong – có con gái đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Đống Đa, Tân Bình – cho biết: “Mỗi lần xin vào học ở một trường là một lần khó. Vừa gần chỗ làm của vợ chồng tôi, gần chỗ trọ và quan trọng là gần trường. Mấy năm trước, vợ chồng tôi làm ở Bình Chánh, cháu học ở đó được 4 năm. Sau đó công ty của hai vợ chồng cắt giảm nhân sự, vợ chồng tôi phải chuyển xuống Tân Bình, con gái tôi nghỉ học, ở nhà một năm vì thủ tục. Sau đó mới đi học lại lớp 5”.

Không cho con ở lại TP, nhiều CN có con đến tuổi đi học sẽ gửi về quê, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không phải lo chuyển trường. Chị Hà – trọ trên đường Tây Thạnh, Tân Phú – cho biết: “Lúc con tôi 4 tuổi, không tìm được chỗ gửi mầm non, bí quá tôi cho về quê. Mẹ một nơi, con một nơi dù có nhớ cũng đành chịu chứ ở lại TP, chỗ đâu mà học?”.

Bao giờ mới có trường?

Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó GĐ Sở GDĐT TPHCM – cho biết, đối với trẻ là con em của CN, là người nhập cư, không có hộ khẩu ở TP thì con của họ theo học ở các trường mà bố mẹ đăng ký tạm trú. Chính sách, hỗ trợ, các khoản phí cho con CN theo quy định chung của trường, ngành giáo dục, áp dụng cho mọi đối tượng học sinh. Đối với học sinh là con em của CN có hoàn cảnh khó khăn, các trường có thể xét miễn giảm học phí, hoặc trao học bổng.

Để giúp đỡ con em CN, vừa qua, LĐLĐ TPHCM đã có văn bản đề nghị các LĐLĐ quận, huyện, CĐ ngành, CĐ cơ sở khảo sát tình hình con CNVCLĐ, lập danh sách các cháu ở độ tuổi nhà trẻ gửi về LĐLĐ TP để LĐLĐ TP đề xuất UBND TP, các cơ quan, đơn vị liên quan xây nhà trẻ, trường mầm non cho con CN cũng như có biện pháp hỗ trợ những trường hợp quá khó khăn, không tìm được chỗ gửi con.

Trong buổi làm việc với Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Định cho rằng, khi quy hoạch đất để xây dựng KCN-KCX không có hạng mục hạ tầng xã hội như nhà lưu trú, trường học. Cho nên quỹ đất để xây trường không có, hoặc khi chuyển mục đích sử dụng đất cho việc xây trường thì lại không đáp ứng được mật độ cây xanh hài hòa theo quy định, hoặc nhiều nơi đồng ý giao đất nhưng yêu cầu phải đảm bảo được việc phục vụ đúng đối tượng trong KCX của mình!

TPHCM hiện có 14 KCN-KCX với gần 280 ngàn lao động, hàng chục ngàn CN đã lập gia đình và sinh con, tuy nhiên hầu như ở các KCN-KCX lại không có trường dành cho con CN. Theo số liệu thống kê từ Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM, hiện nay đã có 7 KCN-KCX có dự án xây trường mầm non dành cho con CN nhưng mới chỉ có KCN Hiệp Phước GĐ 1 là hoàn tất và bàn giao cho Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè, vừa khai giảng ngày 31.8 vừa qua.

Theo Lao Động

Thực hiện: depweb

10/09/2012, 10:54