Theo luật Roe v. Wade có hiệu lực từ năm 1973, toà án Tối cao phê chuẩn tính hợp pháp của hoạt động phá thai trên tất cả 50 bang toàn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm 2019 đang chứng kiến một loạt dự luật yêu cầu cấm hoặc trừng phạt nặng những công dân có ý định phá thai. Đây có lẽ là một trong những cuộc nội chiến về pháp lý và đạo đức gay gắt, không khoan nhượng nhất nổ ra từ trước đến nay mà thế giới từng chứng kiến.
Trong khi Đảng Dân chủ tuyên bố “quyền được quyết định cơ thể con người đang bị xâm phạm”, thì Đảng Cộng hoà bảo toàn quan điểm “quyền bất khả xâm phạm của con người là được sinh ra”. Từ Maine đến Hawaii, cuộc tuần hành của người dân diễn ra gần như ở tất cả 50 bang.
Những người phản đối hành động phá thai, giơ biểu ngữ như “Chấm dứt việc giết người. Phá thai là chống lại quyền được sống”, “Giết trẻ em không phải là chính sách để bảo vệ an toàn”, “Phá thai là tước đi sinh mạng con trẻ, cắt bỏ đi máu mủ ruột thịt của mình”,… Trong khi đó, người tuần hành ở bên kia chiến tuyến ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ giơ những khẩu hiệu: “Hãy tăng cường chính sách hỗ trợ phụ nữ phá thai”, “Việc quyết định cơ thể của mình là lựa chọn hợp pháp”, “Hãy tạo điều kiện để việc phá thai là an toàn”,…
“Chúng ta đang chứng kiến tầng tầng lớp lớp lệnh cấm hà khắc áp lên phụ nữ, nhất là phụ nữ da màu và những người nghèo khổ. Chúng tôi không thể ngồi yên trước những ý đồ tấn công vào quyền tự do, và hành động đó không gì khác hủy diệt mọi con đường tiếp cận với phá thai của mọi người”, thông cáo của các tổ chức xã hội ghi rõ. Bên cạnh đó, hơn 50 tổ chức xã hội bao gồm cả Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ và Tổ chức ủng hộ quyền phá thai NARAL Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc tuần hành và phát động hashtag #StopTheBans (hãy xoá bỏ lệnh cấm) trên toàn quốc.
Vấn đề “phá thai hợp pháp hay không hợp pháp” đang là làn sóng sôi nổi ở từng bang. Dự thảo luật cấm phá thai cực đoan đang được đệ trình ra nghị trường ở Alabama, Georgia, Ohio, Kentucky, Mississippi, Missouri, Texas, Maryland, Minnesota và đang ở mức dự thảo do khác nhau về trình tự và thủ tục tại Florida, Louisiana, Illinois, South Carolina, Tennessee and West Virginia.
Luật bảo vệ quyền phá thai được các bang nổi tiếng bảo vệ quyền tự do của phụ nữ như New York, Oregon cùng ít nhất 7 bang khác đã và đang củng cố, cũng như ấn định nhiều dự thảo luật, văn bản hướng dẫn thi hành và chính sách hỗ trợ phối hợp. Cụ thể, để kỷ niệm 46 năm luật Roe v. Wade ra đời, New York đã thông qua “Đạo luật bảo vệ phụ nữ tiếp cận phá thai”, bằng cách thực hiện chế độ miễn trừ truy tố hình sự đối với các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế thực hiện việc phá thai.
Như một phát súng tuyên chiến, bang Alabama đưa ra “Đạo luật bảo vệ sinh mạng con người” với các điều luật nghiêm cấm phá thai được cho là hà khắc nhất Hoa Kỳ, mà cụ thể là: việc phá thai bị cấm trên toàn bang và không loại trừ những trường hợp do hiếp dâm. Quy định của điều luật có tham vọng trừ bỏ mọi con đường pháp lý giúp cá nhân thực hiện phá thai, và chỉ chấp nhận tính hợp pháp của việc phá thai nếu “cá nhân đó có tiền sử bệnh lý nặng không thể duy trì tính mạng thai nhi” hoặc “thai nhi chưa được hạ sinh có khả năng chết lưu”. Bác sĩ giúp đỡ bệnh nhân phá thai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể đối mặt với án tù chung thân.
Chưa dừng lại ở đó, Georgia cùng một số bang khác đang vận động cho “Đạo luật về nhịp tim”, nghĩa là hầu như tất cả các ca phá thai đều là bất hợp pháp một khi nhịp tim được phát hiện. Và theo như bang Georgia, thì thai nhi bắt đầu đủ điều kiện là một con người từ 6 tuần tuổi.
Nhưng trên thực tế, phần lớn phụ nữ khó có thể nhận ra họ đã mang thai trong 6 tuần bởi nhiều lý do khách quan: chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, không có những biểu hiện ốm nghén, thuốc tránh thai không phát huy tác dụng,… Các nhà y học nổi tiếng cũng khẳng định điều này rất khó để xác định và “đạo luật sẽ khiến phụ nữ và các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi không thể quyết định biện pháp y khoa nào là hợp pháp để can thiệp. Đạo luật sẽ gây ra khủng hoảng và nguy hiểm cho sức khoẻ của phụ nữ”.
Những tổ chức xã hội Công đoàn tự do Hoa Kỳ và Hội Kế hoạch hóa Gia đình đang tổ chức nhiều hành động ngăn cản quá trình hợp thức hóa của dự luật và đấu tranh đề nghị toà án tuyên bố các dự luật là vi phạm hiến pháp.
Tuy nhiên, còn không đến 72 tiếng nữa, Missouri có thể là tiểu bang đầu tiên ở Mỹ nói không với phá thai nếu chấm dứt việc gia hạn giấy phép hợp pháp dịch vụ hủy bỏ thai sản vào ngày 31/5/2019. Trước đó, Thống đốc bang Missouri – ông Mike Parson đã ký Dự luật 126: nghiêm cấm phá thai sau 8 tuần mang thai vào ngày 24/5 và cho biết: “Bằng cách ký vào dự luật này ngày hôm nay, chúng tôi đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến phần còn lại của đất nước rằng, ở Missouri, chúng tôi ủng hộ sự sống, bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và ủng hộ cho thai nhi. Tất cả cuộc sống đều đáng được bảo vệ”.