#StopAsianHate: Covid-19 là giọt nước tràn ly hay việc thù ghét người châu Á vốn bén rễ tại trời Tây và ngay cả châu Á? - Tạp chí Đẹp

#StopAsianHate: Covid-19 là giọt nước tràn ly hay việc thù ghét người châu Á vốn bén rễ tại trời Tây và ngay cả châu Á?

Sống

Bạo lực chống người châu Á không phải là chuyện mới đây, và rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng tình hình này trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết kể từ sau Covid-19. Dịch bệnh dường như không chỉ cảnh báo người ta về lối sống, nâng cao ý thức trong các vấn đề sức khỏe, hay tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, mà còn cho chúng ta thấy rõ ngày càng nhiều điều nhức nhối hơn.

Covid-19 “đổ dầu vào lửa” khiến nạn phân biệt chủng tộc leo thang

Chưa bàn đến vai trò của Covid-19 trong bối cảnh rối ren này, thống kê về 3.795 vụ việc từ Trung tâm theo dõi các vụ việc thù địch và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á và người dân Đảo Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ – AAPI (Asian American Islander – Pacific Islander) công bố từ ngày 19/03/2020 – 28/02/2021, đã chỉ ra rõ các kiểu phân biệt đối xử mà người gốc Á đang phải đối mặt.

Cụ thể, quấy rối bằng lời nói (68.1%) và hành động cố tình lãng tránh người Mỹ gốc Á (20.5%) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các sự cố; theo sau đó là tấn công thân thể (11.1%), vi phạm quyền công dân (như phân biệt đối xử nơi công sở, bị từ chối phục vụ, và bị cấm đi trên các phương tiện công cộng – 8.5%) và quấy rối trực tuyến (6.8%).

Cũng theo báo cáo, khái quát hơn, phụ nữ cho biết họ bị thù ghét nhiều gấp 2.3 lần so với nam giới, thanh niên (từ 0-17 tuổi) chiếm 12.6% trường hợp và người già (60 tuổi trở lên) là 6.2%. Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42.2%) cho biết họ bị thù ghét, tiếp theo là Hàn Quốc (14.8%), Việt Nam (8.5%) và Philippines (7.9%). Về nơi chốn, doanh nghiệp là nơi phân biệt đối xử chính (35.4%), theo sau là đường phố (25.3%) và công viên (9.8%).

Theo trung tâm nghiên cứu Pew (một cơ sở dữ liệu phi đảng phái cung cấp thông tin về các vấn đề, thái độ và xu hướng định hình thế giới) hồi tháng 7/2020, khoảng 31% người châu Á nói rằng họ đã phải chịu những lời chế giễu, đùa cợt, hoặc thậm chí là bị đe dọa tấn công vì chủng tộc hoặc sắc tộc kể từ khi dịch bùng phát, so với 21% người da màu, 15% người gốc Tây Ban Nha và 8% người da trắng. Thậm chí, việc đeo khẩu trang tại doanh nghiệp hoặc nơi công cộng trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến họ cảm thấy vô cùng lo lắng, khi mọi ánh nhìn kỳ thị đổ dồn vào mình.

Phân biệt chủng tộc và da trắng thượng đẳng đã và đang tiếp tục là một phần bi kịch trong cuộc sống của người gốc Á; cộng thêm đại dịch Covid-19 đang khiến tình hình trở nên trầm trọng. Sự bùng phát dịch bệnh đang gây ra những hậu quả sâu rộng về sức khỏe và kinh tế đối nói chung. Nhưng đối với nhiều người, đặc biệt là người Mỹ da màu và người Mỹ gốc Á, những ảnh hưởng tiêu cực đã vượt ra ngoài các mối quan tâm về y tế và tài chính.

Phụ nữ gốc Á dễ trở thành nạn nhân của bạo lực và tấn công tình dục

Ngày 16/3 vừa qua, cả nước Mỹ dậy sóng sau khi tin tức Robert Aaron Long (21 tuổi) xả súng vào các tiệm massage ở Atlanta (bang Georgia), giết chết 8 phụ nữ và 6 trong số đó là người châu Á. Theo tiết lộ của cảnh sát, nghi phạm khai bản thân bị chứng nghiện tình dục thôi thúc tấn công, cho rằng các tiệm massage là nơi cám dỗ, chứ không xuất phát từ lý do sắc tộc. Nhưng kênh NBC cho hay: “Các chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền khẳng định, khó có thể loại bỏ yếu tố sắc tộc trong vụ xả súng. Bởi xét tới lịch sử những định kiến gắn với phụ nữ gốc Á thì họ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực và tấn công tình dục.”

Tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt từng đoạt giải Pulitzer, Nguyễn Việt Thành cũng đồng tình: “Bất kể những vụ giết người này có được chính thức xếp vào ‘tội ác thù hận’ hay không, đều không thể tách rời khỏi lịch sử định kiến ​​của người châu Á – đặc biệt phụ nữ châu Á – ở Mỹ.” Ngược về quá khứ, trong cơn sốt tìm vàng, một thế hệ người nhập cư mới đổ tới nước Mỹ, trong đó nhiều người Hoa đến làm việc ở Bờ Tây. Khi nhu cầu của những người đàn ông gốc Á đến đây với hy vọng đổi đời ngày càng tăng, các cộng đồng người gốc Á bắt đầu xuất hiện phụ nữ làm nghề mại dâm. Đó là chưa kể, nghiên cứu về bạo lực dựa trên giới tính trước đại dịch cũng cho thấy khoảng 21%-55% phụ nữ gốc Á tại Mỹ ít nhất 1 lần là nạn nhân của bạo lực hay quấy rối tình dục.

Trong những ngày gần đây, các hashtag như #StopAAPIHate và #StopAsianHate đã và đang trending trên khắp nước Mỹ. Những người nổi tiếng như “bóng hồng” của “Crazy Rich Asians” – Gemma Chan, Awkwafina, nữ diễn viên mới nổi của series “To All the Boy I‘ve Loved Before” – Lana Condor (Trần Đồng Lan), ngôi sao của series “Killing Eve” – Sandra Oh, ca sĩ Rihanna, Cardi B, cựu Tổng thống Barack Obama, đạo diễn Chloé Zhao… và nhiều doanh nghiệp cũng như các tổ chức cộng đồng khác đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho phong trào cũng như lên án vấn nạn này.

#StopAsianHate cần phủ sóng ở khắp mọi nơi ngay cả ở châu Á

Sự căm ghét có thể sinh ra bạo lực, không chỉ bao gồm lạm dụng bằng lời nói và thể chất nhằm vào người nhập cư mới hoặc người lao động nhập cư, mà còn chống lại các nhóm thiểu số chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo – những người vẫn bị coi là “mãi mãi là người ngoài”, bất kể gia đình của họ có thể đã chuyển đến đây từ nhiều thế hệ trước. Vụ giết chết 8 người của Robert Aaron Long, hay cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hồi năm ngoái khiến phong trào “Black Lives Matters” (2013) một lần nữa được trỗi dậy mạnh mẽ, chỉ là một vài ví dụ về bạo lực kiểu vậy.

Các thành phố ở Canada, Úc và châu Âu cũng đã báo cáo sự gia tăng các vụ chống đối người Châu Á. Cụ thể, dữ liệu của cảnh sát Vancouver (Canada) cho thấy tội phạm căm thù chống người châu Á đã tăng từ hàng chục vụ vào năm 2019 lên 142 vụ vào năm 2020.

Hàng sa số các ví dụ về sự phân biệt đối xử có thể được tìm thấy ngay cả ở một số nơi phát triển nhất châu Á và trên thế giới. Giám đốc văn phòng Hồng Kông của Washington Post – Shibani Mahtani đã chia sẻ trên Twitter về việc lây nhiễm Covid-19 đã mang đến làn sóng phân biệt chủng tộc đến Hong Kong như thế nào. Tại đây, người Nepal và các dân tộc thiểu số Nam Á khác được xem là một nguồn lây lan bệnh xuất phát từ thói quen ăn uống của họ (điều mà trước khi có dịch bệnh, nó chưa hề cân nhắc như một vấn đề).

Tuy nhiên, Hong Kong không đơn độc, các quốc gia khác bao gồm Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng cho thấy, các định kiến ​​và cách đối xử khác nhau đối với người lao động nhập cư đã đan xen vào nhau như thế nào trong cách phản ứng với Covid-19. Sự thù ghét người châu Á từ lâu cũng bao gồm cả ở châu Á; do đó sự cần thiết phải ngăn chặn mối căm thù người châu Á và nâng cao nhận thức về vấn nạn này không chỉ là một thách thức của riêng Hoa Kỳ hay châu Âu, mà là trên toàn thế giới.

Thực hiện: Huyền My Trương

23/03/2021, 11:27