Stonehenge giữ hồn đá hơn bốn ngàn năm

Kỳ 7

Con đường di sản văn hóa

Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Nằm rất gần mốc thời gian của thế giới Greenwich, trên quê hương của Sir Isaac Newton và nhiều phát minh khoa học quan trọng trong lịch sử nhân loại, quần thể đá ghép từ thời tiền sử ấy vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn sâu xa, mà chưa có bất cứ khảo cứu, lập luận, thử nghiệm hay đo đạc nào có thể giải mã chính xác. Vào một ngày cuối năm sương giăng mù mịt trên những cánh đồng miền Nam nước Anh, tôi đã đến Stonehenge – di sản văn hóa từ năm 1986, được UNESCO mô tả như một cấu trúc vật thể phức tạp và gây nhiều tranh biện nhất – để cố lắng nghe xem những tảng đá sừng sững phẳng lặng có kể gì không.

Bị cuốn vào những vòng xoáy bí ẩn

Nếu bạn hỏi vì sao tôi vừa rời khỏi những di sản ở châu Âu đã vội vàng trở lại, thì có lẽ là do cách tôi kể chuyện, cũng như cách tôi và nhiều người Việt khác đi, không thể được lập trình quá kỹ càng, mà phải tùy cơ. Người Việt khi đã xin được visa du lịch Schengen, thì sẽ cố đi liền một mạch càng nhiều nước châu Âu thuộc khối này càng tốt, vì vậy tôi đã kể một hơi 5 câu chuyện ở châu Âu trước khi vòng sang châu Mỹ trong câu chuyện kỳ trước. Song chính những hồi ức về Chichén Itzá lại khiến tôi liên tưởng đến một di tích khác ở châu Âu, có độ kỳ bí và lâu đời hơn cả di sản này của người Maya. Nên trước khi tiếp tục hành trình ở châu Mỹ, tôi muốn quay lại nơi này. Con đường di sản thường có những khúc quanh bất ngờ như vậy, hệt như chuyến đi không định trước của tôi.

 

Khung cảnh nông thôn Anh đẹp buồn bã 

Tang tảng sáng, xe chúng tôi lăn bánh trên con đường ngoằn ngoèo vắng vẻ, chạy qua những ngôi làng cổ phía Tây Nam London. Dưới bầu trời xám không một gợn mây, những bức tường nhà ven đường thỉnh thoảng lại ánh lên màu vàng sánh như mật ong khi mặt trời bất chợt ló rạng. Cây cối nghiêng ngả đìu hiu, nông thôn Anh đẹp buồn bã, có vẻ không khác mấy thời của những nhân vật trong tiểu thuyết của Charles Dickens hay Jane Austen, làm tâm trạng như chùng xuống.

“Bãi tha ma lớn nhất của nước Anh” hiện rõ dần qua màn sương. Thực ra lời mô tả này trong sách vở không gây một cảm giác ớn lạnh nào, vì nghĩa trang thường khắc họa nhiều nét văn hóa sinh động của một nơi chốn. Ở nghĩa trang Almudena rộng lớn của thủ đô Madrid, tôi đã thấy kiến trúc Tây Ban Nha tinh tế và giàu tính biểu cảm chừng nào, trong từng dáng dấp cổng vào, đường đi, những hàng cột hay bia tưởng niệm được sắp đặt đẹp đẽ dưới lớp lớp lá thu vàng óng và đỏ rực.

Những kết luận khảo cổ gần đây nhất cho rằng Stonehenge là nơi yên nghỉ của tầng lớp quý tộc Anh vào khoảng thế kỷ 19 trước Công nguyên, và cũng là nơi tiến hành những nghi thức hỏa táng lâu đời nhất từng được biết tới. Nhưng cảm giác đi trên những bộ xương người và xương thú vật chắc vẫn còn sót lại sau nhiều cuộc khai quật không ghê rợn bằng những liên tưởng về hình hài của những cụm đá ba tảng – gồm hai cột đứng và một xà ngang – nom như giá treo cổ. Nhiều tài liệu giải thích rằng những giá treo cổ thời xa xưa có hình cổng chào như vậy, thay vì hình chữ L lộn ngược. Stonehenge cũng được các nhà ngôn ngữ giải nghĩa là “Đá-treo” đấy thôi.

Khó có thể mường tượng cấu trúc ban đầu của Stonehenge, ngay cả chuyện thực ra có bao nhiêu tảng đá, được sắp đặt như thế nào và vì mục đích gì cũng không được xác định rõ ràng. Ngoài mục đích chính trị dùng để tưởng niệm và chôn cất giới cầm quyền, rất có thể đây là một trung tâm tôn giáo – nơi thờ phụng, tế lễ cổ đại, hay khoa học – nơi quan sát thiên văn và làm lịch cổ. Những tảng đá còn lại gợi ý rằng toàn bộ quần thể đá trước kia được xếp thành một hoặc nhiều vòng tròn, bao quanh một hình móng ngựa hay một vòng tròn đồng tâm khác, với đường kính trung bình khoảng 33m.

Có lẽ chỉ có việc đo đạc những vết tích còn lại là dễ hình dung nhất, tuy cũng không phải quá dễ dàng. Song so với việc làm sao mà người xưa có thể vận chuyển những tảng đá tới đây, thì việc cân đo chúng đương nhiên chẳng ghê gớm gì. Có khoảng 30 tảng đá cao khoảng 4,1m, rộng khoảng 2,1m, dày khoảng 1m, nặng khoảng 25 tấn; ngoài ra còn có hai tảng nặng nhất, khoảng 50 tấn. Bao quanh những vòng đá đồng tâm là một đường hào sâu 6m, rộng khoảng 21m, có bờ cao, bên trong có 56 cái hố cũng tạo thành một vòng tròn. Các hố hiện nay đã bị đá vôi lấp đầy, bên trong còn lẫn tro cốt.

 

Di tích đá cổ chụp vào đầu mùa đông 2011, một ngày không có nắng 

Cuốn sách cổ xưa nhất về Stonehenge (“Roman de Brut”) của Wace, và nhiều khảo dị khác (như “Geoffrey of Monmouth” hay một truyền thuyết của người Saxon và Briton) lại kể rằng vào khoảng thế kỷ thứ 5 có những vị thần khổng lồ đã giúp Merlin (là ai thì tới giờ tôi cũng không rõ lắm) xây dựng Stonehenge, trước tiên để giúp vua Anh tưởng niệm những thành viên hoàng tộc bị đầu độc trong một cuộc tiếp kiến với người Saxon, sau để chôn cất nhiều vị hoàng đế khét tiếng của xứ Britanniae cổ đại như Ambrosius Aurelianus, Uther Pendragon và Constantine III.

Nếu chuyện này là thực thì khỏi phải băn khoăn vì sao người xưa có thể vận chuyển những tảng đá từ những dãy núi cách đó ít nhất 200km, bằng cách lăn trượt, kéo tời hoặc thả trôi sông. Rồi bằng cách nào họ có thể cắm chúng trong những hố sâu chừng 1m, đục những lỗ mộng để lắp các rầm đá nằm ngang, và giữ cho các sắp đặt được bền vững, không lún sâu, không nghiêng ngả nhiều, ít nhất là trong mấy thiên niên kỷ? Mô hình hoàn chỉnh tưởng tượng của Stonehenge cho thấy có ít nhất mấy chục tảng đá bị mất tích.

Chúng biến đi đâu được nhỉ? Hay Stonehenge chưa bao giờ là một công trình thật sự tráng lệ và hoàn hảo, và việc xây dựng trải dài mấy ngàn năm, bắt đầu từ những vòng tường và hào sâu bằng đất đến những vòng đá xếp cách nay ít nhất 4300 năm đã bị ngưng lại vào cuối niên đại đồ đá mới, đầu niên đại đồ đồng, khi có những cuộc đổ bộ của người Beaker, “mang đến kim loại, bánh xe và một nền văn hóa ít tập trung vào chính trị”, theo trang mạng Wikipedia, chấm dứt sự phát triển những tượng đài khổng lồ bằng đất đá của người Anh cổ đại.


Và những câu chuyện bảo tồn di sản ly kỳ không kém

Có một điểm khác biệt quan trọng giữa Stonehenge với nhiều di sản khác như thành cổ Gerona Tây Ban Nha hay lớp lớp di chỉ ở Roma và Sicilia bên Ý, là di tích này vẫn nằm biệt lập và không bị các công trình hiện đại xâm lấn, sau rất nhiều lần thay đổi chủ từ thời vua Henry VIII. Vào giữa thế kỷ 16, nhà vua đã ban tu viện Amesbury và vùng phụ cận bao gồm cả Stonehenge cho Bá tước xứ Herford, rồi sau đó được truyền qua nhiều gia đình quý tộc khác, đến gia đình Antrobus vào thế kỷ 19.

Trong Thế chiến thứ nhất, một sân bay dã chiến được xây dựng ngay góc phía Tây vòng đá, rồi một giao lộ được hoàn tất gần đó. Sau khi người thừa kế cuối cùng của dòng họ Antrobus hi sinh trong Thế chiến I, Stonehenge được bán đấu giá và cuối cùng rơi vào tay một người tên là Cecil Chubb với giá 6.600 bảng Anh. Ba năm sau Chubb trao lại di sản này cho quốc gia, mặc dù lúc đầu có lời đồn rằng ông muốn mua nó để tặng vợ. Theo những gì được kể lại, ông tin rằng người dân địa phương phải là những chủ nhân thực sự của di tích.

Vào cuối những năm 1920, có một cuộc thỉnh cầu tập thể nhằm chống lại những công trình xây dựng mới, những dinh thự và các quán xá, quanh Stonehenge. Tới năm 1928, di tích đã được mua lại bằng tiền đóng góp của những người tham gia cuộc thỉnh cầu và được trao cho Quỹ Bảo tín Quốc gia (National Trust) để được bảo vệ. Các tòa nhà mới xây được dỡ đi, song hai con đường tới đây vẫn được sử dụng. Có thể tiền vé vào cửa cũng được góp vào chi phí bảo tồn. Đất đai quanh di tích giờ chỉ được dành cho chăn nuôi và trồng trọt, hay những đồng cỏ xanh tươi.

Đón đọc kỳ sau: Phù điêu tưởng niệm những kẻ chiến bại trên vách Stone Mountain

Cuối cùng là câu chuyện khá lý thú của những người yêu mến Stonehenge đến độ đam mê. Bruce Bedlam lần đầu nhìn thấy di tích Stonehenge là vào năm 1972, khi đang trong quân ngũ, và ngay sau đó, đã quyết định dành phần lớn thời giờ rảnh rỗi giải thích bằng được bí ẩn này. Ông cho rằng “đây là một trò chơi ghép hình lớn, trong đó rất nhiều mảnh đã bị thời gian vùi dập. Phần cuối của trò chơi này là phép ghép hình làm nên Stonehenge”.

Gần đây Steven Waller, một nghiên cứu sinh tại Mỹ cho rằng cấu trúc Stonehenge có thể mô phỏng những ảo giác âm thanh. Theo ông, nếu có hai người cùng thổi sáo trên một cánh đồng, tiếng sáo của họ sẽ tạo ra hiệu ứng lạ: Tại các thời điểm nhất định, sóng âm thanh từ cây sáo này sẽ khử sóng âm thanh từ cây sáo kia, tạo nên những điểm lặng, và những cột đá Stonehenge được xây nên để kết nối những điểm lặng đó thành một cánh đồng yên tĩnh. Waller còn kể lại những câu chuyện thần thoại về mối liên quan giữa Stonehenge và âm nhạc, chẳng hạn như về biệt danh “đá thổi sáo” mà người Anh cổ đã gọi di tích này. Theo một truyền thuyết khác, bãi đá Stonehenge được dựng nên bởi một kẻ mục đồng ma mị, dùng tiếng sáo dẫn các trinh nữ vào cánh đồng để nhảy múa và sau đó biến họ thành đá.

Có thể những tảng đá kia vốn là các trinh nữ trong thần thoại ấy thật, vì những dải nắng cuối ngày bám theo bước chân rời Stonehenge có vẻ như lưu luyến vấn vít.

Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh


From the same category