Stefano Pilati: Người Ý trầm lặng - Tạp chí Đẹp

Stefano Pilati: Người Ý trầm lặng

Thời Trang

Nói tới Stefano Pilati, người ta có thể quên mất anh là một nhà thiết kế đến từ nước Ý của nghệ thuật Phục hưng xa hoa lộng lẫy. Nhưng họ sẽ nhớ ngay rằng, anh đã nuôi dưỡng thành công thương hiệu Yves Saint Laurent theo đúng tinh thần “sành điệu kiểu Paris” (Parisian chic) của người sáng lập.

NTK Stefano Pilati xuất hiện cuối buổi ra mắt BST Thu Đông 2012-13 của Yves Saint Laurent

Từ người trợ lý trầm lặng…

Theo nguồn tin từ tờ Financial Times, vào tháng 12 năm 2004, trong cuộc họp hội đồng quản trị tại tập đoàn các nhãn hàng xa xỉ PPR, chủ sở hữu nhà mốt Yves Saint Laurent, ông Robert Polet, cựu Giám đốc Điều hành, đã từ chối đưa ra kết luận về khả năng khôi phục lợi nhuận của thương hiệu này. Quay ngược thời gian một chút, năm 1999, Tom Ford, khi đó vẫn đương chức Giám đốc Sáng tạo tại Gucci, và Domenico de Sole, Tổng Giám đốc Gucci Group lúc bấy giờ, đã quyết định thâu tóm thương hiệu thời trang Yves Saint Laurent, cùng lúc sát nhập Gucci Group vào tập đoàn PPR. Tính đến mùa thu đông năm 2008, tức sau 10 kể từ cú giao dịch trị giá 1 tỷ USD ngày nào, PPR chịu lỗ vốn tới hơn 500 triệu USD với YSL. Trong khi nếu so sánh với các thương hiệu khác cùng được mua về, bảng tổng số doanh thu của Alexander McQueen hay Stella McCartney luôn đi theo chiều hướng tích cực. Bởi thế, không ai trong hội nhà tài phiệt nghĩ được rằng, có một ngày nhà mốt Yves Saint Laurent, không có bàn tay của chính nhà tạo mẫu sáng lập ra nó, lại có thể tiếp tục chinh phục các tín đồ thời trang.  

Vậy mà, bản báo cáo đầu tư của thương hiệu Yves Saint Laurent cuối cùng cũng le lói tia khả quan. Lần đầu tiên trong lịch sử xuyên suốt một thập kỉ mờ mịt, nhà mốt huyền thoại này thực sự bước sang trang mới. Tháng 3 năm 2009, kim vạch cân đối lỗ lãi đã bắt đầu chuyển dịch khỏi con số âm. Đúng hai năm sau, cuối mùa thu đông năm 2010-11, tập đoàn PPR tuyên bố mức lợi nhuận đạt kỉ lục tới 15 triệu USD, và bày tỏ lòng tin tưởng vào tương lai của nhà mốt Yves Saint Laurent. Nhưng trên hết, giới đầu tư phải tỏ lòng biết ơn tới Stefano Pilati, Giám đốc Sáng tạo, người cầm trịch con tàu đã vượt khỏi cơn bão doanh số trường kì.

Stefano Pilati đặt chân vào nhà mốt YSL vào năm 2000, dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Tom Ford, ngay sau khi thương hiệu thuộc về tập đoàn PPR. Thật ra ban đầu, Tom Ford tuyển dụng Pilati về cho nhà Gucci, nhưng có lẽ linh cảm thời trang của Tom đã mách bảo rằng, Pilati phải để cho YSL. Cái tên Stafano Pilati không phải tự nhiên nổi danh trong giới tạo mẫu. Anh là một con ong cần mẫn suốt mấy chục năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp may mặc.

Sinh năm 1965 tại Milan, Stefano Pilati đeo đuổi nghiệp cắt may từ năm 17 tuổi khi tự nguyện làm chân chạy lặt vặt trong các tuần lễ thời trang, rồi sau đó xin vào nhà may danh tiếng Nina Cerruti học việc. 28 tuổi, Pilati chính thức được mời vào nhà mốt Giorgio Armani cho vị trí nghiên cứu và tạo mẫu vải. Với độ nhanh nhạy và kiến thức vượt trội về vải vóc, hai năm sau, tập đoàn Prada “săn” anh cho thương hiệu Miu Miu và Jil Sander. Chính Stefano Pilati là người trợ lý đắc lực cho “nữ hoàng thời trang tối giản” Jil Sander trong những bộ sưu tập cuối cùng, trước khi bà tạm rời bỏ nhà mốt mang tên mình một thời gian rất dài. Có lẽ, đó là lần chót Stefano Pilati làm việc dưới sự giám sát trực tiếp của chính người sáng lập ra nhà mốt. Bởi quãng thời gian tại YSL về sau, dù Saint Laurent đã chắp tay gác kiếm, nhưng hình bóng huyền thoại của ông lẫn sự can thiệp một cách gián tiếp vào quá trình thiết kế vẫn ám ảnh Stefano cho tới ngày Saint Laurent rời bỏ cõi đời vào năm 2008.  

Trong bốn năm đầu tiên thiết kế cho YSL, Stefano Pilati phụ trách mảng trang phục nữ. Tuy vậy, dưới trướng Tom Ford, hình ảnh người phụ nữ YSL mang hơi hướng quyến rũ kiểu gợi tình, bốc lửa. Họ diện chiếc áo sơ mi lụa mềm thả phanh cổ, hở sâu xuống vùng khe ngực cùng quần tây lưng cực trễ, suôn dài chấm đất để tôn vòng mông căng đầy và cặp chân dài tít tắp. Có thể ở Gucci, Tom Ford thành công được với cơn lốc dục vọng mạnh mẽ, vì bản chất Nam Âu hừng hực của nước Ý. Tại YSL, những quý bà Paris lại cần vẻ đẹp tinh tế hơn chăng? Quả đúng như thế , khi toàn bộ trách nhiệm sáng tạo thẩm mỹ của nhà mốt YSL chính thức được giao vào tay người trợ lý Stefano Pilati năm 2004, nét thanh lịch, đài các kiểu quý cô người Pháp dần quay trở lại trên sàn catwalk YSL.

BST Thu Đông 2012-13 của Yves Saint Laurent

… đến nhà thiết kế hạng A

Không được bà chủ bút Vogue Mỹ Anna Wintour ưa thích và ca tụng, nhiều cây bút phê bình thời trang cũng nhiều lần thẳng tay chê bai Stefano, họ cho rằng các mẫu thiết kế của anh quá trung thành với khuôn mẫu sẵn có từ bao đời của YSL. Nhưng Stefano Pilati vẫn được đông đảo giới tiêu dùng hâm mộ.

Không hẳn Stefano Pilati không làm cách mạng trong thời trang như bậc thiên tài sáng lập nhà mốt. Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2005, khi cả thế giới vẫn đang si mê với mốt quần suôn dài lưng thấp, Pilati lập tức gây chấn động bằng mẫu váy đầm và áo khoác ngoài dáng hoa tulip phồng nhẹ toàn phần thân dưới, lưng váy cao, chít eo với thắt lưng to bản. Báo chí chỉ trích hình dáng kì quái của nó; nhưng ngạc nhiên thay, khách hàng lại nườm nượp ủng hộ mẫu mới này. Mùa Thu Đông tiếp theo tràn ngập xu hướng váy dạng tulip trên sàn catwalk của nhiều nhà thiết kế khác. Và hình ảnh chiếc thắt lưng bản rộng, khóa vuông trở thành đặc điểm nhận diện cho trang phục của YSL dưới thời Stefano Pilati.

Trang phục do Stefano kiến tạo không quá tân thời, biến tấu một cách mạo hiểm. Chúng luôn giữ vững tinh thần “Parisian chic” của thương hiệu YSL. Những gì cách tân, thực sự danh tài Saint Laurent đã thực hiện mấy chục năm trước. Stefano tự nhận, mình chỉ là người biến chuyển chúng, thổi hồn thời đại vào tư tưởng kinh điển xưa cũ. Chẳng hạn, bộ tuxedo “Le Smoking” – áo veston kết hợp quần tây của nam giới ngày nay chẳng còn là cú sốc thẩm mỹ và giới tính như thời hoàng kim của Saint Laurent vào cuối thập niên 1960. Chúng tái xuất trên sàn catwalk của YSL mỗi tuần lễ thời trang, nhưng được diễn dịch theo nhiều kiểu khác nhau, lúc thì ngang tàng và chút cổ điển như chàng võ sĩ đấu bò tót với quần tây lửng ngang bắp chân trong bộ sưu tập Xuân Hè 2006; lúc lại lạnh lùng, bí ẩn tiệp màu ghi xám đi cùng áo len cổ lọ đen thẫm, tựa nữ điệp viên tình báo như ở bộ sưu tập Thu Đông 2008.

 

BST Xuân Hè 2006 của Yves Saint Laurent 

Vượt lên tất cả, thành quả lớn nhất Stefano Pilati đóng góp cho thương hiệu YSL, có lẽ là mảng phụ kiện. Gần 40% doanh thu của YSL được vực dậy bởi sức mua hàng phụ kiện bằng da của giới tiêu dùng đồ xa xỉ. Chiếc túi da mang tên “Muse” ra mắt năm 2005 trở thành một cú thúc mạnh cho các tín đồ sưu tập túi hàng hiệu. Chiếc túi to bản hình thang góc vuốt tròn, mặt da ghép đồ họa thành biểu tượng hình chữ Y với đường khóa kim loại kéo dài hết mặt trên của túi. Kích cỡ vừa vặn cho chiếc laptop, cứng cáp đủ để sử dụng trên mọi địa hình, kiểu dáng đơn giản mà sang trọng, chiếc túi Muse hội đủ tính sành điệu và tiện dụng cho nhiều tầng lớp, nghề nghiệp, môi trường khác nhau. Mẫu giày “rọ” (cage shoes) mùa Xuân Hè 2009 hay giày “mặt nạ vàng” mùa Xuân Hè 2012 vừa qua cũng là những tuyệt tác để đời của Stefano cho nhà YSL.

BST Xuân Hè 2009 của Yves Saint Laurent

Mẫu giày rọ độc đáo trong BST Xuân Hè 2009 của Yves Saint Laurent

Đóa phong lan đen Stefano – Lời từ biệt khó quên

Trước lúc tuần lễ Thu Đông 2012 mở màn vào tháng ba vừa qua, Stefano Pilati tuyên bố đây là bộ sưu tập cuối cùng của anh tại nhà mốt YSL. Sứ mệnh 12 năm tại đây đã hoàn tất. Buổi giã từ trở thành màn công diễn tuyệt đẹp của tinh thần YSL mang hơi thở Stefano Pilati: cảm hứng từ đóa phong lan; cách tân trên năm tông màu nền đen thẫm, đỏ boóc đô, xanh lá mạ, trắng kem và ghi xám của len, dạ, da thuộc, móc kim loại; phom dáng tinh tế, thanh lịch và toát lên một thứ quyền lực hơi ma quái. Đỉnh điểm nhất là đôi giày có gót góc cạnh, ghép giữa da, kim loại phản chiếu và nhựa trong, tựa câu chào cuối cùng chứa đầy hi vọng và ánh sáng của Stefano. Ngọn lửa nhiệt huyết Stefano Pilati, con ong thợ chăm chỉ, hi vọng sẽ tiếp tục thắp sáng tại điểm dừng chân mới, Ermenegildo Zegna – nhà mốt danh giá lâu đời ngay trên thành phố quê hương Milan của anh.

 

BST Thu Đông 2008-09 của Yves Saint Laurent


Chuyên đề Câu chuyện Saint Laurent

>> Slimane: Cú cải cách kịch tính

>> Stefano Pilati: Người Ý trầm lặng

Thực hiện: Arlette Quỳnh Anh

Thực hiện: depweb

15/10/2012, 13:29