Không chỉ là một bộ phim điện ảnh, “Star Wars” còn là một đế chế tỷ đô trải dài từ phim truyền hình, truyện tranh, tiểu thuyết, đồ chơi, game và nhiều sản phẩm giải trí khác.
Từ khi ra mắt năm 1977 Star Wars đã từng bước xây dựng nên một tượng đài trong văn hoá đại chúng toàn cầu, truyền cảm hứng cho hàng triệu khán giả và để lại vô số những di sản có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Nhân dịp “Star Wars: Skywalker trỗi dậy”, chương cuối của sử thi về Skywalker, ra mắt khán giả, hãy cùng nhìn lại lịch sử phát triển và những lý do tạo nên sự thành công của thương hiệu điện ảnh được yêu mến này.
“Star Wars” – Một thành tựu quan trọng của điện ảnh
Ngày nay, “Star Wars” được công nhận là một trong những thương hiệu phim quan trọng nhất của lịch sử điện ảnh, thế nhưng 40 năm trước, bộ phim đã có một khởi đầu khá gian nan. George Lucas, một đạo diễn trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề, đã phải mất 4 năm để huy động đầu tư, viết kịch bản để cho ra đời “Star Wars”. Ý tưởng về một bộ phim sử thi khoa học viễn tưởng ngoài không gian khiến nhiều “ông lớn” khá e ngại và Star Wars chỉ nhận được khoảng kinh phí sản xuất vỏn vẹn 11 triệu USD, con số rất khiêm tốn so với chuẩn mực của Hollywood lúc bấy giờ.
Vào ngày 25/5/1977, tuy chỉ được công chiếu tại 32 rạp, “Star Wars” nhanh chóng phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé và trở thành một cơn sốt toàn cầu. Bộ phim được giới phê bình hết lời tán thưởng, đặc biệt nhất là nhờ những kỹ xảo điện ảnh tiên tiến đi trước thời đại.
Thu về 775 triệu USD, tính đến nay, “Star Wars” là bộ phim có doanh thu cao thứ 4 mọi thời đại, chỉ sau “Cuốn theo chiều gió”, “Avatar” và “Titanic”. Tại giải Oscar năm 1978, bộ phim nhận 10 đề cử, bao gồm Phim Xuất sắc nhất và chiến thắng tại 7 hạng mục.
Mở ra một kỷ nguyên điện ảnh mới của Hollywood
Thành công của “Star Wars” thay đổi Hollywood mãi mãi khi giới thiệu một phong cách và lối kể chuyện hoàn toàn mới. Bộ phim khởi đầu cho một thế hệ phim bom tấn đa thể loại, áp dụng nhiều kỹ xảo điện ảnh và nhắm tới lớp khán giả trẻ.
Những đạo diễn tên tuổi từng thừa nhận đã lấy cảm hứng từ “Star Wars” bao gồm James Cameron (“Avatar”), Ridley Scott (“Alien”, “Blade Runner”), Peter Jackson (“Lords of the Ring”), Christopher Nolan (“Inception”)… Công nghệ CGI cũng bắt đầu gây được sự chú ý và có nhiều thành tựu đột phá nhờ ảnh hưởng của “Star Wars”.
“Star Wars” tạo tiền đề cho mô hình “bộ ba phim” mà khán giả đã quá quen thuộc ngày nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ phim được mở rộng thành một thương hiệu giải trí bao gồm bộ ba phim điện ảnh, sách, phim truyền hình, trò chơi điện tử.
Tất cả những phần phim điện ảnh đều đại thắng tại phòng vé, với tổng doanh thu lên đến 9,2 tỷ USD tính đến năm 2019, giúp “Star Wars” trở thành loạt phim có doanh thu cao thứ nhì mọi thời đại, chỉ sau Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Trở thành một phần của văn hoá đại chúng Mỹ
Sau hơn 40 năm, loạt phim đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong văn hoá đại chúng hiện đại. Darth Vader được công nhận là một trong những kẻ phản diện kinh điển nhất, trong khi những nhân vật như Luke Skywalker, Han Solo, Công chúa Leia, C-3PO, R2-D2, Chewbacca trở thành những gương mặt quen thuộc khắp nơi trên thế giới. Những cụm từ như “Đế chế”, “Cầu mong Thần lực sẽ ở bên bạn”, “Ta là cha của ngươi” là thành những câu nói quen thuộc được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ hàng ngày.
Có thể nói, một trong những lý do đằng sau sự thành công của “Star Wars” chính là nhờ cốt truyện có khả năng kết nối với khán giả ở mọi lứa tuổi. Lấy bối cảnh ở một ngân hà xa xôi, những cuộc phiêu lưu trong “Star Wars” đều xoay quanh những chủ đề như thiện – ác, sự chuộc lỗi, tình cảm gia đình, lòng dũng cảm… mà bất kỳ ai cũng có thể đồng điệu.
42 năm sau khi ra mắt khán giả, chương cuối cùng của Star Wars cũng sắp sửa được ra rạp, kết thúc sử thi hào hùng xoay quanh nhân vật Skywalker. “Star Wars: Skywalker trỗi dậy” do J.J. Abrams chỉ đạo sản xuất, hứa hẹn là một sự kiện điện ảnh không thể bỏ qua.