Dòng nhạc soul vốn là niềm tự hào của người Mỹ gốc Phi, bắt đầu bùng nổ vào những năm 50 và gắn liền với những tên tuổi như Ray Charles, Aretha Franklin,… Song, nếu xét ở thời điểm hiện tại thì ca sĩ hát soul được nhiều người biết đến hẳn là Adele (một ca sĩ da trắng) với hai đĩa nhạc mang tên “19” và “21”. Trong đó, đĩa “21” đã đem lại cho cô đến tận bảy giải Grammy trong năm 2012. Có lẽ vì muốn sản phẩm của mình dễ đi vào lòng công chúng và hợp thời hơn nên chất soul mà Đinh Hương theo đuổi cũng có nhiều tương đồng với nữ ca sĩ người Anh. Điển hình là hai ca khúc “Awakening” và “So I”.
Về đĩa nhạc của mình, Đinh Hương giới thiệu như sau: “Thưởng thức trọn 8 ca khúc, người nghe sẽ trải qua một loạt những cảm xúc được tạo ra bởi phần hòa âm và mix ấn tượng. Mọi thứ quyện lại, tạo sự rung cảm mãnh liệt cho người nghe”. Tuy nhiên, kết quả mang lại thực sự chưa được như lời mời chào của nữ ca sĩ. Bản nhạc mở màn “Awakening” (tạm dịch: Thức tỉnh, do Hoàng Huy Long sáng tác) ngập chìm trong tiếng dương cầm đều đều quen thuộc của nhạc Adele, văng vẳng đâu đó là vĩ cầm kéo nhẹ nhàng khiến cho không khí càng trở nên não nề và mệt mỏi.
Giữa cái nền không lạ mà cũng chẳng ấn tượng ấy, Đinh Hương cất từng lời hát ủ rũ: “I’m in love with the devil. You’re a heartbreaker. A love-hunter, now I know” (Em đã yêu phải loài quỷ dữ. Giờ em đã biết anh chỉ là gã săn tình, là kẻ đập phá con tim). Lời hát như báo hiệu rằng đây sẽ là một đĩa nhạc buồn bã viết về những đổ vỡ trong cuộc tình đầu, tương tự như Adele từng làm với “21”. Đồng thời, Đinh Hương cũng tự dự đoán tương lai cho “đứa con tinh thần” của mình khi tự thú nhận: “You break my heart, you break my soul” (Anh đập vỡ tim em, phá nát cả tâm hồn).
May mắn là “tâm hồn” của Đinh Hương vẫn chưa bị “phá nát” hoàn toàn. Cô vẫn còn giữ chút tỉnh táo để đĩa nhạc không bị một màu. Ca khúc tiếng Anh thứ hai mang tên “So I” không nối gót “người tiền nhiệm” mà đã có chút ánh sáng le lói ở “cuối đường hầm”.Vẫn sử dụng nền piano nhưng “So I” với âm vực rộng hơn, dễ khiến ta liên tưởng ngay đến bản nhạc “Skyfall” mà Adele viết cho bộ phim cùng tên về điệp viên 007. Lần này, Đinh Hương từ một người vừa rơi xuống vực sâu bỗng vực dậy, tự dặn lòng: “Don’t be sad. Don’t be scare. Dont be the same. Don’t be ashamed” (Đừng buồn nữa. Đừng sợ hãi. Đừng như thế. Đừng tủi hổ).
Không vội bàn đến việc Đinh Hương phát âm tiếng Anh đúng kiểu người Việt thì cả hai ca khúc chưa thể hiện được cảm xúc cần phải có, chưa đến mức “rung cảm mãnh liệt”. Giọng của Đinh Hương không yếu đuối hoàn toàn, mà vẫn có chút đanh thép và kiêu kỳ như thể biết trước chuyện gì sắp sửa xảy ra, có kịch tích cũng là do tự tạo.
Nhưng có thể nói rằng “Awakening” và “So I” là hai ca khúc đúng tông nhất, đáng tiếc phần còn lại của đĩa nhạc lại lệch nhịp và hoàn toàn rời rạc. “Chơ vơ” (Vũ Cát Tường sáng tác) và “Cho đời yêu thương” (Đinh Hương sáng tác) với giai điệu rõ ràng là pop ballad, nhưng ê kíp làm đĩa lại cố ép bài hát trở thành “soul” bằng những bản phối na ná nhau, vẫn là piano, là violon được sử dụng theo công thức cũ kỹ. Ca khúc cuối cùng, “Forever and one” lại là bản power metal quen thuộc của nhóm nhạc Đức Helloween. Trước đây, Đinh Hương đã từng nhận được nhiều lời khen ngợi khi đem ca khúc này lên sân khấu cuộc thi Bài hát Việt. Thế nhưng, không khí và cảm xúc khi hát trực tiếp trên sân khấu và khi bước chân vào phòng thù hoàn toàn khác hẳn nhau. Do đó, bản “Forever and one” trong đĩa “Soul” nghe không “đã”, không thể bùng nổ như trước.
Quen thuộc nhất trong đĩa nhạc hẳn là “Gánh hàng rau”. Bản phối của Đinh Hương mang nhiều chất jazz đầy ngẫu hứng, nghe rất thư giãn và dễ chịu. Thế nhưng sáng tác của Hồ Hoài Anh đã từng được rất nhiều ca sĩ thể hiện với những bản phối khác nhau. Chính sự quen thuộc lại không tạo ra được sự mới lạ.
Giữa những âm điệu đều đều và buồn ngủ của đĩa nhạc thì có những điểm sáng vui tươi như “Bang bang boom boom” và “Hoa hồng đêm”. Không khó hiểu vì bản thân hai bài hát gốc đã là những sáng tác hay.
“Bang Bang Boom Boom” vốn là ca khúc chủ đề nằm trong đĩa nhạc cùng tên của Beth Hart – nữ ca sĩ người Mỹ chuyên trị dòng nhạc soul, jazz và blue rock. Ca khúc do chính Beth Hart đồng sáng tác cùng anh bạn Rune Westberg. Bài hát được phối theo kiểu soft rock với giai điệu rộn ràng, vui tươi. Thế nhưng, ẩn dưới giai điệu rộn rã ấy, phần lời của Berth Hart lại viết về nỗi khát khao cháy bỏng của người phụ nữ muốn được bên cạnh người yêu của mình không rời, đến độ có thể làm tất cả, thậm chí là “chết vì anh”. Lời dịch trong bản của Đinh Hương, đáng tiếc lại không thể hiện được cái khao khát ấy, mà nghe vừa đơn giản vừa tưng tửng: “Sáng thức giấc, phố xá ngược xuôi. Bước xuống thấy phố vui bao người. Này tình yêu ơi đến mau. Á béng beng beng búm bum bum bùm.” Chính thế khiến cho bài hát trở nên dễ nghe và cũng dễ quên, có nghe cũng chỉ để cho vui vậy thôi.
Trong khi đó, bản gốc của “Hoa hồng đêm” là nhạc phẩm “Seven Nation Army” của nhóm The White Stripes, đậm chất alternative với guitar, bass và trống dập liên hồi. Năm 2012, nam ca sĩ Marcus Collins sử dụng lại bài hát trong đĩa nhạc đầu tay của mình với bản phối mới, có chút funky, cũng chính là bản phối mà Đinh Hương sử dụng trong đĩa “Soul” của mình. Tuy nhiên, phần lời trong bản của Đinh Hương lại vụng về và có phần vô duyên. Cụ thể như là: “Chẳng cần lời nói trên môi, hay vòng tay tình nhân bên cạnh ai buông lơi. Mặc kệ giây phút ân ái, quay mặt như khi em chẳng mang suy tư” (!?!). Trong khi những ai yêu nhạc lẫn đam mê thể thao đều biết rõ “Seven Nation Army” chẳng hề dính líu gì đến “tình nhân” hay “ân ái” gì ở đây cả. Ca khúc vốn viết về ý chí quật cường của một con người, muốn vượt qua mọi khó khăn, chướng ngại trước mắt. Vì thế, “Seven Nation Army” dễ dàng trở thành bài hát tủ của hàng triệu con tim trong cả hai kỳ World Cup 2006 và Euro 2008.
Như vậy, việc lắp ghép phần lời một cách gượng gạo, đầy tai hại của ê kíp Đinh Hương đã vô tình khiến cho thông điệp ban đầu của bài hát bị chệch hướng. Việc sử dụng lại bản phối cũ của Beth Hart và Marcus Collins cũng chứng tỏ rằng lời giới thiệu ban đầu của nữ ca sĩ là không đúng với sự thật, chẳng khác nào “treo đầu dê bán thịt chó”.
Về tổng thể, “Soul” của Đinh Hương cũng chỉ là một đĩa nhạc pop mà thôi, chứ nội dung chưa thể hiện được đúng với tên gọi. Tám ca khúc thì phân nửa đã là những tác phẩm cũ, còn những sáng tác mới lại hoàn toàn lép vế. Việc trộn lẫn các ca khúc mới và cũ, tiếng Anh và tiếng Việt vào nhau cũng khiến cho cảm xúc người nghe tụt hẳn xuống, nếu không muốn nói là “nửa nạc, nửa mỡ”. Có thể chủ định Đinh Hương là muốn thực hiện một đĩa nhạc soul, nhưng thực sự các sáng tác theo thể loại này ở Việt Nam không nhiều, nên cô chọn một cách phối các bản pop theo âm hưởng soul. Thế nhưng, đó cũng là một quan điểm sai lầm. Bởi không phải cứ khoác lên người cái áo “soul” thì bài hát sẽ trở thành soul. Ngay của âm nhạc của Adele vốn cũng không phải là soul thuần túy, mà đã pha trộn nhiều thể loại như jazz, folk và country.
Tất nhiên, cũng phải công nhận và ủng hộ tinh thần của Đinh Hương khi muốn thử nghiệm một dòng nhạc khó và kén người nghe, nhưng cô phải cần tỉnh táo hơn cho các sản phẩm kế tiếp của mình. Có lẽ 8 tháng là một thời gian quá ngắn để Đinh Hương làm ra một sản phẩm hoàn thiện và chỉnh chu đúng chất soul.
Bài: Sơn Phước
Ảnh: Đinh Hương