Sốt vàng nhẫn “đóng gói”

Cẩn thận với sốt vàng nhẫn


Tuy nhiên, mới đây có thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy định mới cho hoạt động kinh doanh vàng trang sức. Các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức muốn hoạt động tiếp phải đăng ký lại. Và việc mua bán phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Vậy vàng nhẫn sẽ được xếp vào quy định nào khi những ngày vừa qua trên thị trường đã nhen nhóm cơn sốt mới?

Khoảng từ tháng 12-2012 đến nay, nhiều doanh nghiệp không kinh doanh vàng miếng đã chuyển qua vàng nhẫn (một loại vàng trang sức). Số lượng vàng nhẫn giao dịch trên thị trường đã tăng lên đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi ngay tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, một doanh nghiệp ở Gò Vấp đi đổi bao bì trả lời bình thản: “Không bán vàng miếng thì bán vàng nhẫn có sao đâu. Khách hàng mua vàng miếng là để đảm bảo một tài sản được định giá cụ thể. Vàng nhẫn cũng là một tài sản giá trị, chỉ kém vàng miếng vài triệu đồng/lượng. Khi giá vàng miếng tăng, giá vàng nhẫn cũng tăng theo.”

Thực tế từ đầu tháng 12-2012, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua bán vàng miếng và vàng nhẫn đóng gói. Thậm chí nhiều tiệm vàng bắt đầu niêm yết giá bán vàng nhẫn trên bảng giá hằng ngày. Bởi vậy có chuyên gia cho rằng những ngày đầu, tính từ ngày 10-1 trở đi, cần phải thận trọng với sốt vàng nhẫn. Bởi trước đó tại TP.HCM, nhiều tiệm vàng cho biết khách hàng mua vàng nhẫn tăng lên đột biến. Lý giải về việc không còn mặn mà với vàng miếng, chủ chuỗi năm tiệm vàng ở quận 5 cho biết kinh doanh vàng miếng chủ yếu để giữ mối. 

Còn việc kinh doanh vàng nhẫn hiện nay không chỉ là giữ khách quen mà còn do nhu cầu từ các tỉnh rất nhiều. Lợi nhuận mỗi thứ đem lại một ít nhưng với các doanh nghiệp nhỏ thì chủ yếu nằm ở vàng nhẫn. Bên cạnh đó, trong khi giá vàng miếng thường xuyên biến động, khó nắm bắt xu hướng, tiền đầu tư lớn nhưng rủi ro cao thì giá vàng nhẫn lại ổn định hơn. Bởi vậy việc siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng cũng không ảnh hưởng nhiều đến các tiệm vàng.

Chỉ nên mua đúng nơi quy định

Về phía người dân, việc mua vàng sắp tới không thể như trước. Bởi ai có thể đảm bảo chất lượng cho khách hàng khi mua vàng nhẫn hay vàng nữ trang? Từ xưa, việc kinh doanh vàng thường dựa vào chữ tín, khách hàng chỉ mua ở đâu mà khi bán lại vẫn có giá trị như ban đầu. Còn muốn mua vàng mà có thể bán được nhiều nơi, không mất giá thì chỉ có vàng miếng.

Có thể thấy việc siết lại hoạt động kinh doanh vàng miếng đã góp phần đưa hoạt động kinh doanh vàng đi vào nề nếp, đặc biệt người dân muốn mua bán an toàn, chất lượng chỉ cần mua đúng nơi quy định. Những nơi đúng quy định là tất cả chi nhánh của 18 ngân hàng và của 14 doanh nghiệp.

Không khó để nhận biết các điểm giao dịch của phía ngân hàng do đều treo biển cho người dân có thể đến các chi nhánh mua-bán. Một số ngân hàng như Techcombank, Maritime Bank đã bắt đầu treo biển bán vàng miếng SJC.

Còn về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng cũng sẽ treo biển để người dân biết nên việc này không đáng ngại.

Có một vấn đề là trước đây ở một số ngân hàng, khi khách hàng tới mua vàng SJC thì được nhân viên giao dịch yêu cầu gửi lại một tháng, có tính lãi. Nghĩa là khách hàng mua vàng tại ngân hàng được cấp cho một tín chỉ ghi rõ số vàng. Khách hàng nào đồng ý với quy định trên thì ngân hàng mới bán. Không biết sắp tới khi mua vàng tại những ngân hàng này, người dân được lấy vàng ngay hay phải gửi lại? Nếu phải gửi lại thì tốn phí hay được miễn phí?

(Theo PLTP)


From the same category