Sốt sắng “chạy” trường mầm non - Tạp chí Đẹp

Sốt sắng “chạy” trường mầm non

Tin Tức

Hiện thành phố có 837 trường mầm non, rải ở khắp 29 quận, huyện; trong đó có 683 trường mầm non công lập và 154 trường mầm non tư thục. Trong khi đó, trên địa bàn thủ đô hiện có 409.000 trẻ em thuộc độ tuổi mầm non. Điều này buộc cha mẹ phải mạnh tay lót đường cho các cuộc “chạy trường”, “chạy lớp” để con mình được một suất học tại các trường mầm non tiêu chuẩn của thành phố.

Lo “chạy” vào …

Dù tiêu chuẩn vào các trường mầm non công lập đã mở rộng đối với trẻ thuộc diện KT3 (thẻ tạm trú dài hạn) và tiêu chuẩn tuyển sinh ưu tiên theo thứ tự gồm: có hộ khẩu thường trú nơi địa bàn mà trường đóng, sau đó đến KT3. Tuy nhiên, theo nhiều bậc phụ huynh, dù có hộ khẩu hay KT3, để có chỗ cho con học mầm non công lập thì phải “chạy” từ rất sớm.

Có thể nói, việc “chạy” trường, “chạy” lớp diễn ra khá phổ biến tại các cấp, từ tiểu học, trung học cho tới Đại học và hầu như, đây là cuộc chạy đua bền bỉ, không mệt mỏi của các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường.

Tại các trường mầm non công lập, đặc biệt các trường điểm, trường chuẩn quốc gia khu vực 4 quận nội thành năm nào cũng ở trong tình trạng quá tải. Cùng với đó, áp lực bắt buộc các trường phải giảm bớt chỉ tiêu để ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi đã khiến không ít trường phải dùng biện pháp “bốc thăm” khi nhận hồ sơ. Chính vì thế, dù đúng tuyến nhưng chưa chắc trẻ đã được nhận vào trường.

Tuy nhiên, việc lựa chọn trường nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tài chính và độ “mạnh tay” của phụ huynh. Không có giá cụ thể cho các trường điểm và cũng không có bất cứ văn bản giấy tờ nào quy định, nhưng theo luật bất thành văn thì giá cho một suất học sinh vào trường điểm có thể dao động từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thanh Thảo sống ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là người từng có kinh nghiệm “chạy” trường cho con gái 3 tuổi vào một trường mầm non danh tiếng của quận Hoàn Kiếm. Chị cho biết, để có được “suất” học này, chị phải tìm tất cả các mối quan hệ của gia đình, bạn bè và huy động tối đa nhân lực, vật lực. Chị bật mí: “Tôi đã đến 3 trường mầm non mà bạn bè giới thiệu. Đến trường nào, người ta cũng bảo nhiều hồ sơ trái tuyến lắm rồi, mà lại toàn con cháu ông nọ ông kia, bây giờ con mình xin một suất khó lắm. Thế là hai vợ chồng phải nhờ người quen dẫn đến tận nhà hiệu trường, xin xỏ mãi, cô giáo mới hứa là sẽ cố gắng giúp”. Để có được lời hứa này, gia đình chị Thu đã phải “lót tay” 5 triệu đồng mà vẫn phải thấp thỏm, lo sợ hồ sơ của con mình bị gạt ra.

 

Phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ xin học mầm non cho con

Trên một số diễn đàn của các bậc cha mẹ, chủ đề này luôn thu hút đông đảo người quan tâm. Một thành viên có nick beyeucuame thẳng thắn: “Bây giờ các bạn mới chạy là hơi bị muộn, đúng ra phải đặt quan hệ từ Tết cơ, đến giờ này nhiều trường đã “khóa sổ” suất trái tuyến rồi”. Cũng theo các thành viên, mỗi trường sẽ có một mức giá khác nhau, nhưng đều dao động trong khoảng từ 1.000 – 3.000USD tùy từng trường.

Phần lớn các gia đình ở Hà Nội đang đổ xô cho con vào các trường mầm non trái tuyến. Có muôn ngàn lý do để các phụ huynh đua tranh như: trường gần nơi làm việc, cơ sở vật chất hiện đại, trường nổi tiếng dạy tốt. Thậm chí, nhiều phụ huynh chọn trường cho con đơn giản vì một số bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan cũng gửi con ở đó. Các trường mầm non được hâm mộ nhất là các trường của Sở hoặc trường điểm các phòng GD-ĐT, bởi đây thực chất là những trường được đầu tư, xây dựng theo mô hình chuẩn quốc gia. Theo luật bất thành văn của các trường, mỗi cô giáo sẽ có 1-2 suất trái tuyến, dành cho người nhà. Phần lớn suất học còn lại do hiệu trưởng quyết định. Đến thời điểm các trường mầm non bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh thì các suất trái tuyến, “quan hệ” tại các trường gần như đã an bài.

Với những phụ huynh có tiền, có thế, việc tìm một chỗ học đàng hoàng cho con cái không phải chuyện có khăn; nhưng với các phụ huynh không có khả năng về tài chính thì hi vọng được cho con vào học tại một trường công lập chất lượng cao lại khá khó khăn. Có lẽ không ai có thể quên hình ảnh những vị phụ huynh, thậm chí là ông bà phải xếp hàng, vật vạ thâu đêm để mua được hồ sơ xin học cho con vào trường mầm non Thành Công A vào năm 2011. Mặc dù trong năm nay, một số quận của Hà Nội đã tổ chức tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm để đảm bảo công bằng cho học sinh, thế nhưng không ai dám đảm bảo rằng việc “chạy” trường, “vượt tuyến” không còn xảy ra. Và dù có hộ khẩu thường trú đúng tuyến, nhiều trẻ được quyết định đến trường hay học trường ngoài, thậm chí ở nhà do lá thăm may rủi.

Mệt mỏi “chạy” ra …

Cuộc đua chạy vào trường mầm non chưa nguội được bao lâu thì nhiều phụ huynh lại phải điên đầu vì cuộc đua “chạy” giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non để con mình đủ tiêu chuẩn với lớp 1.

Với số trẻ may mắn được nhận vào học tại các trường mầm non thì quy định này không khiến phụ huynh ngạc nhiên, nhưng với phụ huynh của những trẻ phải ở nhà do lá thăm may rủi, thông tin này thực sự gây chấn động. Nhiều người đã “vắt chân lên cổ” tìm một chỗ học mầm non cấp tốc hoặc bỏ tiền ra mua giấy chứng nhận trước khi trường tiểu học thông báo nộp hồ sơ.

Thông tin một số trường tiểu học tại TP.HCM không nhận hồ sơ vào học lớp 1 nếu thiếu giấy chứng nhận hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi được cán bộ phường cung cấp, phụ huynh cho biết muốn có giấy chứng nhận này, chỉ còn cách đăng ký học phổ cập cấp tốc tại một trường mầm non công lập trong thời gian hai tháng.

Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TPHCM cho năm học tới cũng ghi rõ “Huy động 100% trẻ sáu tuổi trong diện đi học (sinh năm 2006) đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 1 theo tuyến do ban tuyển sinh quận, huyện quy định. Trong đó, ưu tiên cho trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi”.

 

Trẻ bị ép “mua bằng” ngay từ mầm non

Nhiều phụ huynh lập tức cho con theo học mầm non “cấp tốc” với hy vọng con nhận được giấy chứng nhận phổ cập mầm non hoặc tìm cách mua “bằng” để con đủ điều kiện vào lớp 1. Chưa kể, nhiều phụ huynh có con theo học trường tư thục cũng hoang mang khi nghe tin, trẻ học trường tư sẽ không được cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của tấm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình mầm non này không có giá trị lớn đến vậy. Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định: “Tất cả học sinh đến tuổi đều được huy động vào lớp 1. Việc phân chỗ học theo tuyến không dựa vào điều kiện hoàn thành phổ cập mầm non. Trong hồ sơ nhập học cũng không bắt buộc nộp giấy chứng nhận”.

Chính sự khập khiễng trong quy định cùng với nhiều lời đồn thổi của những phụ huynh luôn lo sợ con mình thiếu chỗ học đã làm không khí chuẩn bị vào lớp 1 thêm căng thẳng, bên cạnh vấn nạn chạy trường năm nào cũng gây đau đầu cho các nhà quản lý giáo dục.

Chính sự mập mờ trong quy định này đã giúp cho một số “cò” có cơ hội để lấy tiền của phụ huynh. Thông thường, nếu trẻ không đi học mầm non, nếu cần giấy chứng nhận, phụ huynh phải bỏ ra 2 – 3 triệu để sở hữu tấm giấy chứng nhận của trường công lập để hợp thức hóa hồ sơ xin học cho con.

Điều này đã thể hiện độ vênh nhất định giữa quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương. Chỉ vì một tấm giấy không có quá nhiều giá trị, nhiều gia đình đã phải lao vào cuộc chạy đua “mua bằng” cho con từ khi trẻ chưa kịp bước chân vào cổng trường tiểu học.

Theo Petrotimes

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 07:01