Học sinh Trường Dân tộc nội trú Bắc Trà My 2 (Quảng Nam) tập đối phó có xảy ra động đất – Ảnh: Đăng Nam |
Sáng 8-9, đoàn chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất chính thức đặt chân đến vùng thủy điện Sông Tranh 2 để tìm nguyên nhân động đất.
Gửi gắm lo lắng đến với các chuyên gia, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng: “Đây là vấn đề quốc gia chứ không còn là của địa phương nữa. Vậy nên cần tìm nguyên nhân động đất là gì, có phải do thủy điện tích nước gây kích thích hay do nguyên nhân khác? Tại sao động đất bắt đầu lan rộng sang các huyện lân cận mà trước đây không có?”.
Những hoài nghi của chính quyền đang đợi câu trả lời từ phía các chuyên gia, còn riêng với người dân sống dưới chân đập thủy điện, họ đang thấp thỏm lo từng ngày từng giờ. Nhiều nhà dân đã nứt toác nhưng chẳng ai dám sửa vì theo họ, chắc gì rung chấn chịu dừng lại. Nhiều người đã bắt đầu cơm đùm, gạo gói chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho gia đình trong tình huống khẩn cấp.
Nhưng cũng có gia đình quyết bám trụ lại bằng cách tự dựng cho mình căn nhà gỗ kế bên vì lẽ họ sợ những bức tường bêtông sẽ đổ ập vào giữa giấc ngủ đêm khuya. Lo sợ hiện diện trên từng khuôn mặt hốc hác của người dân. Động đất đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp với người dân nơi đây.
Hiện các chuyên gia của đoàn khảo sát chưa nói gì, tất cả hứa hẹn vào ngày 12-9 sẽ có câu trả lời chính thức.
Bà Hồ Thị Bông, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, gói ghém áo quần chuẩn bị cho một chuyến di cư ngoài ý muốn |
Ông Nguyễn Thanh Phong – tổ trưởng tổ Trung Thị, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My – tuyên truyền cách ứng phó với thiên tai trong trường hợp động đất theo văn bản của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam |
Người dân thôn 2, xã Trà Đốc (ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2) dựng nhà tạm bên cạnh căn nhà tái định cư đề phòng động đất gây sập nhà |
Phiên họp phụ huynh đầu năm của hơn 230 học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong. Hầu hết phụ huynh lo lắng vì trường lớp xuất hiện các vết nứt nẻ sau động đất |
Ông Hồ Văn Thu có căn nhà xây nằm sát chân thủy điện Sông Tranh 2. Gia đình ông phải nhờ hàng xóm dựng thêm căn nhà gỗ đề phòng những mảng tường bêtông đè úp khi động đất |
Bên dưới đập chắn là dòng sông khô cạn nhưng nhiều người đã chuẩn bị sẵn thuyền nan để đề phòng tình huống tồi tệ nhất |
Bà Hồ Thị Thơm chuyển toàn bộ đàn gà của gia đình đi nơi khác |
Con dâu của ông Thu phải ru cháu ngủ dưới bóng cây trong khi chờ gia đình dựng lại nhà mới |
Các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu khảo sát tìm nguyên nhân của các trận động đất mạnh vừa qua tại Bắc Trà My. Đã có 11 trận động đất khiến hàng vạn người dân trong vùng bất an suốt một thời gian dài |
* GS.TS NGUYỄN ĐÌNH XUYÊN (nguyên viện trưởng Viện Vật lý địa cầu): Cần xây dựng ngay trạm quan trắc động đất Chỉ căn cứ trên những đánh giá về hoạt động đứt gãy và hiện tượng động đất xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 mà không có số liệu quan trắc phù hợp thì chưa thể có những đánh giá xác đáng. Dù muộn còn hơn không, hãy xây dựng hệ thống quan trắc động đất ở đây càng sớm càng tốt vì động đất vẫn đang xảy ra, còn người dự báo không có số liệu nên không thể nhắm mắt mà dự báo. Ở nước ngoài khi xây dựng các nhà máy thủy điện thì từ khi lập dự án phải đưa hệ thống quan trắc động đất vào như một thành phần của nhà máy và xây dựng trước khi xây dựng đập. Hệ thống đó hoạt động trong suốt quá trình hoạt động của nhà máy. Các nhà khoa học đã kiến nghị điều này khi xây dựng thủy điện Hòa Bình nhưng không ai làm, rồi thủy điện Sơn La lớn thế cũng không làm dù có kiến nghị. Khi xảy ra động đất, cơ quan quản lý nhà nước sốt sắng hỏi nguyên nhân nhưng hệ thống quan trắc không có thì không ai có câu trả lời chính xác và thỏa đáng. Nếu tình trạng động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xảy ra thế này thì ít hôm nữa vẫn có những cuộc tranh cãi khoa học và đổ lỗi trong khi chưa có cơ sở đánh giá chắc chắn.
* TS TRẦN CHỦNG (trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng VN, nguyên cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng): Không thể tích nước ồ ạt Động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 là hiện tượng thường gặp phải ở các công trình đắp đập ngăn sông tạo hồ chứa lớn, xảy ra trong giai đoạn đầu tích nước và chấm dứt khi nền địa chất dưới lòng hồ ổn định. Có thể khẳng định những trận động đất xảy ra dù nhiều nhưng có cường độ nhỏ hơn thiết kế chịu động đất của đập thì đập vẫn không bị ảnh hưởng. Nói dễ hiểu là một ngôi nhà thiết kế chịu được bão cấp 12 nên khi xảy ra nhiều trận bão gió mạnh cấp 7 nhà cũng không đổ, vì lực tác động của các trận bão cấp 7 này không tích lũy thành cấp mạnh hơn được. Mười trận bão mạnh cấp 7 cũng không thể bằng một trận cấp 12. Tuy nhiên, cũng không thể coi thường hiện tượng động đất được, các nhà địa chất học phải theo dõi liên tục để xem động đất phát triển ra sao, cường độ, tần suất thế nào, hình thành do đâu để có những biện pháp phòng tránh phù hợp. Hiện ở đập Sông Tranh 2 có những vị trí sạt trượt nhưng không phải do động đất mà do bạt núi, đào núi không gia cố nên trượt, đắp đất không đầm nén chặt gặp mưa cũng sụt. Đập thiết kế có khả năng chịu động đất trên 5,5 độ Richter thì kết cấu thực tế phải hoàn toàn tốt như thiết kế. Nếu thi công không đạt yêu cầu thì cũng có khả năng không chịu được nên phải theo dõi xem có dấu hiệu bất thường hay không. Việc dự tính cho đập tích nước trở lại trong bối cảnh động đất liên tục cũng khiến người dân lo lắng. Vì vậy, trong quá trình tích nước phải tăng cường theo dõi, quan trắc có động đất tiếp không, khả năng làm việc của các kết cấu đập thế nào? Bởi vì quá trình tích nước sẽ tăng tải trọng, gây áp lực lên địa chất. Nên phải vừa tích nước vừa quan trắc, theo dõi, quan trắc mức độ xảy ra chấn động thế nào, đập làm việc thế nào để có chế độ điều tiết phù hợp, khoa học chứ không phải tích nước ồ ạt được. TUẤN PHÙNG ghi
* TS HỒ NGỌC PHÚ (nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên – Huế): Chưa nên cho phép tích nước Gần 10 ngày qua, các trận động đất và dư chấn liên tiếp xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Đến nay vẫn chưa có cơ quan nào phát biểu một cách có cơ sở về nguyên nhân động đất, ngay cả Viện Vật lý địa cầu cũng chưa trả lời dứt khoát vì không có số liệu thực đo tại nơi xảy ra động đất. Hiện nay đoàn khảo sát của Viện Vật lý địa cầu đã vào làm việc với địa phương nhưng vẫn trong trạng thái không có tài liệu khảo sát nên khó lòng có câu trả lời chính xác. Trong hoàn cảnh đó, tôi có một số kiến nghị sau: – Phải triển khai gấp việc lắp đặt các trạm quan trắc để có số liệu cho việc tính toán. – Cho kiểm tra lại toàn bộ chất lượng của công trình đập Sông Tranh 2. – Các cơ quan liên quan như Viện Vật lý địa cầu, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học – công nghệ, Tập đoàn Điện lực VN phải triển khai các biện pháp khoa học để đánh giá các yếu tố trên và phải báo cáo với Chính phủ với tinh thần lấy dân làm gốc. – Các cơ quan quản lý nhà nước phải làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương để ổn định tình hình trong dân vì hiện nay đảng bộ và chính quyền địa phương rất hoang mang. Tình hình động đất diễn biến sắp tới thế nào còn chưa rõ, phức tạp, trong lúc chất lượng đập Sông Tranh 2 không tốt, tôi đề nghị không tích nước để phát điện. Chỉ sau khi kiểm tra chất lượng công trình xong và nếu tốt cộng với tình hình diễn biến của động đất được rõ ràng mới quyết định cho tích nước hay không. |
Theo Tuổi trẻ