– Đố chị, chọn trường và chọn chồng có gì giống và khác nhau?
– Liên quan gì nhau chứ?
– Sao lại không? Này nhé, giống, thì chỉ có duy nhất một điểm: đều là chọn cho… con! Nhưng khác thì vô vàn, nhé! Chọn trường, chị chỉ cần …hích đổ cánh cổng trường là xong, nhưng nếu húc cổng để chọn chồng, coi như bán xới! Được trường rồi, chị lại phải chọn cô; nhưng được chồng rồi, thì đừng “cô” nào mơ bén mảng…
– Ui giời, sốt ruột, tưởng lấy xong là hết việc đấy à, ngồi đấy mà mơ! Mà bây giờ là mấy giờ rồi mà còn ngồi bàn chuyện chọn chồng, tươi thế?
– Đã đành là sự đã rồi, nhưng vẫn phải… chọn tiếp! Chọn cách đấu tranh, để có được bình quyền!
– “Bình quyền” là cái gì? À, là quyền bình đẳng giới ấy ạ! Ôi thôi, này, bình đẳng để mà làm gì? Để đàn ông rửa bát đàn bà xông pha chặt chém à? Chả cần bình đẳng thì nhà tôi cũng đã thế rồi!
– Ô hay, người ta đang muốn tặng quà, mà sao chị cứ chối đây đẩy thế hả! Chả chịu xem thời sự gì cả, vấn đề bình đẳng giới được đưa lên bàn nghị sự hẳn hoi nhé, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII kia kìa! VTV1 tối qua còn làm hẳn một cái “bên lề” khá đậm bàn về việc này!
– Ai bàn là việc của họ! Còn tôi thì tôi thấy, bình đẳng là thứ mà làm ơn, đừng chờ người khác mang đến cho mình, nhé! Vì bình đẳng cũng như lòng tự trọng ấy, đàn bà bản thân họ đã không có, thì đừng chờ đàn ông hay Quốc hội mang đến tặng! Nói thế cho nhanh!
– Chuyện này, em thấy người ta nói bao đời chưa xong mà chị lại đòi “nói nhanh” thì nói kiểu gì! Thôi chị đẻ rồi, thì em không nói chuyện nghỉ thai sản nữa vậy (dù cuộc này các bác Quốc hội bàn kỹ lắm!), nhưng chuyện này thì vẫn còn liên quan đến chị này: Độ tuổi… nghỉ hưu!
– Chị nghĩ là tôi quan tâm hai chữ “về hưu” ở tuổi 37 sao? Với cả, nghỉ hưu hay không là… do mình cơ mà!
– Do mình sao được mà do mình? Nếu thế thì Quốc hội người ta đưa ra bàn làm gì! Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang tính: Hay là cho chị em cũng được nghỉ hưu ở tuổi 60 như đàn ông, thì thế mới gọi là bình đẳng! Chị có thấy thế?
– Hãy để họ nghỉ hưu lúc nào họ thích, kể cả ở tuổi 37, nếu chị có đủ khả năng để sống như một người hưu trí nhưng thu nhập thì như một người đi làm 8 tiếng/ngày!
– Cái ngữ “biên kịch nghiệp dư, làm mẹ chuyên trách” như chị thì… chấp làm gì! Đang nói đây là dạng phụ nữ… bình thường cơ mà!
– Bình thường thì đấy: Phụ nữ sống thọ hơn đàn ông, ở bất cứ quốc gia nào, bất kỳ thời đại nào (đã có thống kê khoa học cho thấy nhé!). Vậy thì làm sao nữ lại phải (hay là được) nghỉ hưu sớm hơn nam những 5 năm – như lâu nay? Nếu như không muốn nói, việc cho nữ nghỉ hưu sớm hơn nam có nghĩa rằng: Nhà nước sẽ phải trả lương hưu và bảo hiểm y tế cho đàn bà nhiều hơn đàn ông!
– Nghỉ hưu muộn hơn 5 năm, chưa chắc đã sướng! Nhưng nghỉ đẻ được thêm 2 tháng, chị thấy thế nào?
– Tức là từ 4 tháng lên 6 tháng? Tôi thì tôi thường tự cho bản thân mình được nghỉ hẳn một năm cơ, bảo hiểm không cho thì tôi nghỉ không lương, cả 3 lần đều thế! Mà đó là còn có ông xã luôn ở bên hỗ trợ 100% nhé, từ pha sữa đêm tới thay bỉm sáng sớm…
– Ui, chị là “phó thường dân” mà… “ăn chơi” thế! Tự thưởng?
– Ăn thua gì, các mẹ Nhật, mẹ Mỹ, tôi thấy họ còn máu gấp mấy lần í chứ, nghỉ hẳn hai năm nhé! Thậm chí sinh xong đứa thứ 2, kết thúc quá trình sinh nở, họ mới tính chuyện đi làm lại…
– Tại nước họ, “một người làm, hai người no”, thì họ mới dám nghỉ nướng thế kia, chứ như nhà mình, “đắm đuối vì con” thế có mà chết đói!
– Đã đành! Nhưng phụ nữ Việt Nam, thế là còn sướng đấy, kể cả là được nghỉ có 4 tháng! Chứ như bên Đài Loan, hay Mỹ, tôi thấy, các mẹ còn chỉ được nghỉ đẻ có 4 tuần thôi nhé, kể cả trước lẫn sau sinh! Nên có mẹ mới sinh hơn tuần đã phải đi làm, chỉ vì họ lỡ nghỉ trước sinh mất 3 tuần (vì dự đoán ngày sinh không chính xác!)
– Ui dào, chị cứ kể chuyện đâu đâu! Giờ hầu hết là đẻ mổ, làm gì đến nỗi phải mất trắng 3 tuần vàng ngọc ấy?
– Không có đâu, đẻ mổ chỉ được chuộng ở ta thôi, chứ ở Tây, mà chả cần ở Tây, chỉ cần bước vài bước từ Bạch Mai sang Việt Pháp, đã thấy họ khuyến khích đẻ thường gấp nhiều lần. Chuyện nghỉ đẻ, vì vậy mà lẽ đương nhiên là các ông chủ cũng có du di, nhưng cùng lắm cũng chỉ được nghỉ thêm độ 1 – 2 tuần. Thế nên, ở Đài Loan, mấy cô VN sang đều bị thế hết, vừa mới đẻ đầu tuần trước, cuối tuần sau đã phải đi tỉnh công tác…
– Ơ, thế hóa ra cũng có cái phụ nữ Việt sướng hơn Tây kia à! Lần đầu tiên em nghe nói đấy!
– Nhưng Tây, hay kể cả các nước láng giềng của ta như: Thái, Singapore, Nhật…, họ sướng hơn mình ở chỗ là: Cứ nghỉ đẻ, là hầu hết, bỏ việc, nên nghỉ vô biên! Chỉ bởi, họ muốn ở nhà chăm con lâu hơn thời gian mà ông chủ có thể chịu đựng.
– Thì đấy, vẫn là cái vụ “một người làm, hai người no” – như lúc nãy em vừa nói! Chứ nghỉ lâu thì ai mà chả muốn! Nhất lại là nghỉ đẻ, đang béo quay béo quày, họa có điên mới muốn đi làm sớm!
– Thế chị nghĩ nhà tôi giàu à? Và phụ nữ Nhật, hay Mỹ, hay châu Âu…, người ta thích sống phụ thuộc sao, kể cả là “một người làm, hai người no”? Nếu thế thì ở nước họ đã không có hẳn một làn sóng mẹ trẻ đi xin việc, và thường phải đổi nghề. Cái đó ở VN chưa có. Vấn đề là: Luật định không phải là thứ được dùng để can thiệp điều chỉnh kế hoạch làm người, kế hoạch sống của mỗi cá nhân…
– Luật pháp không can thiệp, nhưng cơm áo đâu đùa?
– Cơm áo không đùa mình, thì mình phải… “đùa” với nó vậy! Dù gì thì bạn cũng có hẳn 9 tháng để chuẩn bị kia mà, đâu phải quá đột ngột! Để có được 1 năm yên tâm nằm ổ, 9 tháng mang nặng trước đó cũng đồng thời là quá trình tôi làm việc gấp 3 để kiếm tiền chờ sinh.
– Ôi tôi tưởng chị “đùa” kiểu gì, hóa ra là “đùa” với sức khỏe! Thế thì bất quá cũng là khổ trước sướng sau chứ hơn gì!
– Nhưng lúc đó, tôi nghĩ: Thà vất vả lúc đang còn 1 mình (hay đúng hơn là khi con còn trong bụng mẹ), còn hơn là để cả 2 mẹ con đều vất vả, khi con đã… chui ra. Hoặc thế này, hoặc thế kia thôi, sao có thể chọn hết? Tùy từng hoàn cảnh mà chọn lựa. Trong chuyện này, tôi chỉ có thể nói rằng, hãy tự thu xếp, nếu bạn là dạng phụ nữ cái gì cũng muốn phải có bằng được: Có con ngoan, có chồng tốt, có công việc ổn định, có sự nghiệp vững vàng, có ông sếp chiều lòng cho bạn tăng lương trong lúc nghỉ đẻ, có luật “bú ti mẹ” giúp bạn không đi làm nửa năm cũng không ai dám sa thải…
– Hic, chỉ cần muốn một trong số đã khó rồi, huống chi muốn cả đóng đấy!
– Đấy, thế nên, bạn cần phải hiểu, kinh tế Việt Nam và thu nhập trung bình của xã hội không thể cho phép một người làm hai người ăn, nên bạn chỉ được lựa chọn vài khả năng như sau:
1- Đẻ nhanh, còn đi làm việc.
2 – Kiếm Osin giúp bạn pha sữa và thay bỉm, ráng kiếm tiền nuôi Osin.
3- Cưới triệu phú để có mọi thứ mỹ mãn.
4- Khoan đẻ!
Đa số chúng ta chọn phương án 1: Nhanh, gọn, rẻ, tiện và đỡ phiền phức, mỗi tội… cho con bú hơi ít!
– Vậy kể cả khi cơm áo không đùa, phụ nữ vẫn nên tự thưởng cho mình, trước khi chờ Quốc hội quyết?
– Không phải cho mình, mà là thưởng cho con, để cảm ơn con đã mang niềm vui tới cho cả nhà. Đừng chờ Quốc hội hay đàn ông tặng bạn món quà đó, nếu bạn thèm muốn nó, bạn phải tự xoay xở lấy!
– Nhưng thực ra có những món quà, người tặng thì ra sức tặng, nhưng chưa chắc người nhận đã muốn nhận đâu nhé!
– Ừ, cái bầu chẳng hạn! Ai thắng trong cuộc chiến tranh sẽ có được chiến lợi phẩm, nhưng trong “cuộc chiến chăn gối” thì ai “thua” mới phải mang theo chiến lợi phẩm suốt 9 tháng 10 ngày bên mình, nên nhiều người mới không dám nhận quà…
– Chị này, nhà văn thảo nào…nhiễu sự! Đang nói chuyện nghỉ thai sản cơ mà! Quốc hội mong chị em được nghỉ 6 tháng, nhưng trên thực tế, không ít chị em lại còn không dám nghỉ hết 4 tháng, chỉ vì sợ mất việc, (hoặc mất chỗ làm ngon), khi các ông chủ không thiếu gì cách “lách luật”, và không thiếu gì vụ trù úm, là chỉ nhăm nhắm chờ ngày “ả ta” nằm ổ…
– Công nhận, trong chuyện này, đúng là không khó để “lách luật”. Vì quy định thì rõ ràng là giấy trắng mực đen, nhưng trên thực tế, sự “kỳ thị” mà các bà bầu và các bà mẹ trẻ phải chịu đựng không hề được ghi ra giấy, hay lấy biểu quyết, hay có biên bản rõ ràng, để họ có thể mang đi kiện. Ví dụ: Em nghỉ lâu, họ không sa thải em, nhưng họ tuyển dụng kẻ khác, còn em sau khi quay lại sẽ được bố trí sang bộ phận khác, kiểu như từ phòng kinh doanh sang bộ phận vệ sinh, với lý do: Phù hợp với điều kiện có con nhỏ, không phải đi công tác xa… Họ chả làm gì trái so với luật định cả, kêu ai?
– Đấy là còn chưa nói, năm nào nghỉ đẻ, là y như rằng năm ấy bị “kỷ luật”: không xếp loại thi đua, lương thưởng cắt xén, đẻ dậy “bỗng dưng muốn khóc”, không “trầm cảm” mới lạ! Vậy túm lại, theo chị nên là 4 tháng hay 6 tháng?
– Nếu vì quyền lợi của cả hai mẹ con thì theo tôi nên cho nghỉ hẳn 1 năm, và quyết định đó là ở người mẹ, tùy vào công việc, ông chủ, sức khỏe của họ, nhu cầu kinh tế… Và nếu đó là các ông chủ tư nhân thì tốt nhất là các chị nên thỏa thuận trước với họ trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng. Nhưng nói cho cùng, cốt lõi vướng mắc không hề nằm ở thời hạn 4 hay 6 tháng. Bởi ngay cả bây giờ, khi quy định là 4 tháng, tình trạng cũng đâu có khá gì, các bà mẹ vẫn kêu và các ông chủ, các công ty cũng đầy lý do. Mà nó nằm ở thu nhập người Việt: Ráo mồ hôi là hết tiền. Ở “tập quán” ngàn đời của các gia đình Việt: Mẹ vẫn ít được bố chia sẻ việc chăm sóc trẻ sơ sinh, con ốm thì người nghỉ làm sẽ là mẹ chứ không đời nào là bố… Ở cái lý của các ông chủ: Ai cho tao tiền để tao cho mày nghỉ đẻ? Ở ngay trong chất lượng sống của người phụ nữ Việt Nam hôm nay: Vừa phải cạnh tranh ngoài xã hội, làm người phụ nữ mới, vừa phải gánh vác việc nhà và nuôi con như một phụ nữ truyền thống đảm đang…. Còn thì, tôi tin, là nếu được ông chồng và gia đình giúp sức hỗ trợ hết mình, bà mẹ trẻ có thể quay lại công việc còn sớm hơn thời hạn 4 tháng, mà không cần quốc hội biểu quyết.
– Đấy, thế nên, có dạo mới rộ lên đề xuất cho chồng cùng… nghỉ đẻ để hộ vợ một tay đấy! Nhưng các chị thì nhìn nhau cười mỉm: Biết đâu như thế lại càng chết, vì phải hầu cùng lúc hai… “đứa trẻ”!
– Ở Đài Loan, chẳng hạn, tuy họ chỉ cho phụ nữ được nghỉ đẻ 1 tháng, nhưng mới đây, họ lại vừa ra thêm quy định: là cũng cho chồng được “nghỉ đẻ” 1 tháng, mà vẫn hưởng nguyên lương và mọi chế độ. Với điều kiện, hai vợ chồng không được nghỉ cùng lúc. Tức là vợ nghỉ đẻ xong đi làm lại thì đến lượt chồng “nghỉ đẻ”. Và Cục lao công Đài Loan hàng ngày đều phát radio đoạn quảng cáo này để giáo dục người dân về quy định mới…
– Xem ra chị vẫn còn “duyên nợ” với cái nơi chị đã du học nhỉ?
– Không hẳn, mà vì tôi luôn nghe radio bằng ngoại ngữ trên mạng, để ngay cả trong lúc nghỉ đẻ, như vừa qua, ngày ngày vẫn trau dồi được thêm ngoại ngữ. Nếu người phụ nữ luôn trong tâm thế chủ động để giỏi giang hơn, nỗ lực để nâng cao kỹ năng công việc, tranh thủ thời gian nghỉ để biến nguy cơ thành cơ hội, thì dù là 4 hay 6 tháng, 1 hay 2 năm… mình có để mình bị tụt hậu không, có sợ bị mất việc không? Cách tôi chọn sau khi nghỉ đẻ, mà nghỉ rất dài, là: Thay vì cũ đi, cùn đi, kém đi, lạc hậu đi, tôi đã giỏi thêm một vài thứ khác. Hay như một cô bạn của tôi, sau khi quay lại nhiệm sở đã có thêm bằng cấp tốc kế toán 3 tháng học buổi tối ở một trung tâm đào tạo ngay gần nhà… Hy vọng nhiều bà đẻ tìm ra cách nào đó để bản thân mình có thể nhiều sức bật hơn sau kỳ nghỉ thai sản, chứ ko phải chỉ lo chăm chăm mất việc!
– Giỏi không tày được đẹp đâu chị ơi, cố chi cho mệt! Đấy, cái cô hoa hậu thế giới người Ấn Độ vừa qua chả bị cả thế giới la ó chỉ vì để mất dáng sau khi sinh đấy thôi, trước khi cô ấy “liều mạng” đến Cannes – nơi các năm trước đó, cô ấy được coi là biểu tượng sắc đẹp!
– Ai thấy cô ấy xấu đi, nhưng tôi thấy cô ấy vẫn đẹp đấy chứ, cái đẹp của sự tự tin, mặc thiên hạ muốn nói gì kệ xác! Nếu bạn luôn tìm ra lý do để không hài lòng về bản thân, thì kể cả bạn độc thân, sành điệu, gợi cảm, bạn vẫn thấy cuộc sống không làm sao mãn nguyện nổi, vẫn luôn thèm muốn cái gì đó của người khác. Còn nếu bạn tin bạn là người phụ nữ hiểu rõ những giá trị nào của cuộc sống là đáng giá với bạn, thì bạn sẽ nhìn thấy hạnh phúc lấp lánh ở ngay trong những lựa chọn vất vả của bản thân. Bởi bạn tin những điều ấy đáng giá, xứng đáng để sống như thế… Không tin, tối nay, bạn hãy thử đi hỏi một cô gái nhàn rỗi ngồi uống rượu trong pub và bà mẹ trẻ đang ru con trong tay, là ai trong họ cảm thấy cuộc đời họ hạnh phúc hơn, tôi chắc là câu trả lời sẽ làm mọi người mẹ hài lòng.
Nhưng thôi, quên cái cô hoa hậu đó đi, tính ca đó làm gì, vì với mấy người đó, ngoại hình là sự nghiệp. Còn đa số phụ nữ chúng ta ngược lại, lấy năng lực và trình độ, bằng cấp của chính ta để thăng tiến kia mà? Còn nếu như ai đó nói rằng, họ phải lo sự nghiệp đến mức không dám đẻ con, thì tôi sẽ cho rằng họ giả dối, vì thăng tiến và bận kiếm tiền không phải là cớ để họ không sinh con, mà là vì những lý do khác của cá nhân họ. Vậy, ngược lại, nếu một phụ nữ bảo vì sinh con mà họ mất đi cơ hội thăng tiến thành đạt, họ bị mất việc, thì hãy xem lại xem có lúc nào họ nghĩ, sinh con là một cái cớ để đổ lỗi cho sự kém năng động của bản thân họ hay không.
– Nhưng với một xã hội mà cái đẹp ngoại hình đang lên ngôi và nói như Ngọc Trinh là được “tôn vinh” thì quả là có những thứ luật bình đẳng giới họa có mười đầu sáu tay chắc cũng không bảo vệ được phụ nữ xấu, nhất là phụ nữ sau sinh, chị có thấy thế?
– Ngoại hình, thậm chí tính khí, quan điểm, tâm trạng của người phụ nữ có thể thay đổi sau khi sinh con. Thường sẽ tốt lên (nên có câu: “Gái một con trông mòn con mắt”!) nhưng cũng sẽ có mặt trái, tệ đi (nên có chứng bệnh là stress sau sinh!) Đẻ con xong mà đẹp, tôi nghĩ người phụ nữ ấy may mắn. Đẻ con xong mà xấu, tôi nghĩ cũng sự thường, kém may mắn hơn một chút mà thôi! Bù lại, người mẹ đã nhường cho con nhiều thứ, con đẹp hộ mẹ, cũng coi như là không lỗ vốn! Còn thì, nếu luật bình đẳng giới vạn năng như chúa Trời, làm ơn hãy xin cho phụ nữ một mong ước này thôi: Cho mấy ông đàn ông mang thai để mấy bác ấy hiểu giùm! Còn nếu luật chỉ là luật, thì làm ơn đi giúp khẩn trương mấy bác sĩ sản khoa có điều kiện tốt nhất để chăm sóc sản phụ, có trình độ cao nhất để xử lý mọi biến cố tức khắc. Chứ đừng để sản phụ chả biết lúc lên bàn sinh là ngày sinh nhật con mình hay… ngày giỗ của mình, như liên tiếp mấy ca sản phụ bị tử nạn vừa qua!
– Này, có đề xuất bên lề này, hơi tế nhị một chút, nhưng chị có thấy thú vị không nhé: Là không chỉ nên cho chị em nghỉ đẻ 6 tháng, mà còn nên “khuyến mại” thêm 30 phút/ngày, vào những “ngày cuối tháng, ngày em chóng mặt”?
– Tôi thấy sáng kiến đó… vui tính. Vì thường những người phụ nữ hay đỏ mặt ít khi dám lấy chuyện kinh nguyệt ra để vòi người khác biệt đãi mình. Tóm lại, luật gì thì luật, chính sách gì thì chính sách, tôi chỉ có nhu cầu là chính mình, không có nhu cầu bằng vai phải lứa với bất kỳ ai khác. Còn, luật muôn đời là, nếu muốn người khác tôn trọng, thì mình phải có cái gì xứng đáng để người ta tôn trọng. Muốn được bình đẳng với ai trong quyền lợi nào đó, hãy tự làm nên giá trị ấy trong đời mình, để ngay từ trong tâm đã không thấy thua kém người ấy. Chứ đừng đòi bình đẳng chỉ bằng cái mồm, hay bằng giới tính trời sinh.
– Đã đành, không thể đòi bình đẳng bằng mọi giá, vì đúng là, có nhiều thứ luật không chạm tới được, nhưng nói thật, em vẫn thấy ấm ức thế nào ấy chị ạ! Cái vụ người mẫu bán dâm đó! Sao xong cuộc cuối cùng chỉ thấy đàn bà cúi mặt lên báo, mà chả thấy cái mặt mấy anh đi mua dâm đâu là sao?
– Cái này thì tôi chỉ đoán thôi nhé: Người bán dâm là các cô cave, chân dài, bị quy vào là cái gì đó tương đương với tội phạm, cần bị trừng phạt, cảnh cáo, thậm chí truy tố để bảo vệ xã hội trong sạch và công lý. Còn người mua dâm là đàn ông, có lẽ được coi là kẻ bị hại, bị mất tiền này, bị mất một đêm ngủ ngon này, bị mất thời gian viết biên bản này, thôi tha, cho về ngủ bù và kiếm tiền bù!
– Chỉ cần các anh ấy nhớ đường về nhà là tốt rồi? Hic! Thôi chào chị em về đây, xem chồng em đang ở đâu!