Sống thêm một cuộc đời - Tạp chí Đẹp

Sống thêm một cuộc đời

Sự Kiện

Dĩ nhiên lợi thế nghề nghiệp đã giúp nữ nhà báo Thu Hoa có nhiều cơ hội ngao du trong và ngoài nước. Nhưng quan trọng hơn yếu tố khách quan đó, chính quan điểm sống và dịch chuyển tích cực mới là điều kiện tiên quyết khiến chiều dài chặng đường chị đi qua cứ kéo dài thêm mãi.

Chị Thu Hoa ở hồ Namtso Tây Tạng

Lâu lâu lại thấy điện thoại chị ngoài vùng phủ sóng. Xin hỏi, tới nay chị đã đi qua bao nhiêu nước?

Tôi cũng chưa bao giờ liệt kê ra giấy nhưng đếm thử thì cũng được khoảng 46 nước.

Chị còn nhớ về chuyến đi xa đầu tiên không?

Chuyến đi đầu tiên trong đời là lúc tôi 19 tuổi, được chuyển tiếp sang Belarus học tiếng Nga. Đấy là khoảng thời gian tuyệt vời để tôi trải nghiệm thiên nhiên và con người Nga. Ấn tượng lớn nhất là mùa thu vàng lộng lẫy. Lúc đó tôi mới hiểu rõ câu nói: biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời.

Còn chuyến đi gần nhất của chị?

Là chuyến đi cùng những người bạn thân tới Nam Phi vào tháng 9 năm ngoái. Chúng tôi đã tới Johannesburg, Pretoria – thủ đô của Nam Phi, Suncity, thăm rừng nguyên sinh Safari và Cape Town. Tóm lại, chúng tôi đã đi dọc Nam Phi và điểm cuối cùng là Mũi Hảo Vọng.

46 nước – con số chắc chắn khiến nhiều người ấn tượng xen chút ghen tị. Với riêng chị, chuyến đi nào để lại nhiều ấn tượng nhất?

Ấn tượng nhất đối với tôi là chuyến lên Tây Tạng – mái nhà của thế giới vào tháng 9 năm 2010. Khi chúng tôi lên tới Lhasa ở độ cao gần 4.000m, tôi bị nôn, khó thở và đã phải sử dụng bình ôxy. Nhưng khi đã quen hơn với độ cao, tôi được trải nghiệm những thứ có một không hai trong cuộc đời. Thiên nhiên Tây Tạng kỳ vĩ với dãy núi Hymalaya sừng sững quanh năm tuyết phủ, những thảo nguyên bát ngát, bầu trời xanh ngắt – một màu xanh như màu không phải của trái đất… và những công trình kiến trúc Phật giáo theo trường phái Mật Tông nguy nga, kỳ bí… Tây Tạng dường như là một trong những nơi khó đến nhất, người ta có thể quay lại rất nhiều nơi trên thế giới nhưng không dễ gì quay trở lại được Tây Tạng. Với tôi khi đã đến và rời xa Tây Tạng như là từ giã một giấc mơ.  

 

Cung Potala Tây Tạng 

Bạn tôi, người cũng rất thích dịch chuyển, thường chọn cách tung một đồng xu lên bản đồ để chọn điểm đến. Còn chị?

Tùy thuộc vào thời gian, hoàn cảnh và túi tiền tôi có những tiêu chí khác nhau cho lựa chọn của mình. Ví dụ như thời là sinh viên ở Nga khi có ít tiền tôi sẽ đi tới nơi nào có thể tham quan được nhiều nhưng lại tiết kiệm được chi phí nhất. Sau này tôi luôn cố gắng tìm những điểm du lịch hấp dẫn với giá cả hợp lý… nói chung là tiêu chí vô cùng linh hoạt.

Chị có ghi chép lại các hành trình của mình không?

Trước đây tôi có trí nhớ khá tốt nên hầu như không ghi chép tôi vẫn có thể nhớ và viết được các bài báo về chuyến đi của mình. Giờ thì trí nhớ kém hơn nên tôi mới bắt đầu ghi chép nhiều hơn. Đặc biệt tôi lưu giữ cho mình kỷ niệm và thông tin của chuyến đi qua những bức ảnh do mình chụp, những cuốn sách hay tìm được trong chuyến đi và những đồ vật kỷ niệm. Tôi có 2 chiếc tủ lớn trong nhà chỉ để những vật lưu niệm của mỗi chuyển đi, mỗi khi rảnh rỗi ngắm nhìn những kỷ vật đó, những chuyến đi như sống lại trong tôi.

Vấn đề chi phí có phải là mối quan tâm của chị?

Có thể nói là quan tâm số 1. Đồng tiền kiếm ra là mồ hôi, nước mắt nên không thể không nghĩ đến nó trước các chuyến đi. Tôi luôn cố gắng để có chuyến đi thú vị với giá cả hợp lý. Tôi không muốn phí phạm đồng tiền mình vất vả làm ra.

Các mẹo tiết kiệm chi phí của chị là gì?

Để tiết kiệm chi phí luôn cần phải tìm kiếm thông tin cả trên sách, mạng và tốt hơn nữa là qua những chuyến đi của người đi trước. 5 năm gần đây mỗi năm tôi đều tập trung được nhóm bạn để tạo thành Group tour, đi như vậy vừa vui, vừa rẻ hơn. Tôi kiểm tra thông tin, bàn bạc với công ty du lịch tin cậy lựa chọn chương trình, xây dựng tour, sau đó email và bàn với bạn bè trước khoảng nửa năm, làm sao gom được đủ số người cần thiết để hưởng quyền lợi của Group tour.

Còn khi phải đi một mình hoặc ít người, tôi đều tìm kiếm thông tin trên mạng để đặt vé máy bay giá rẻ, khách sạn hay nhà nghỉ giá rẻ… và mang vài thứ để tiết kiệm chi phí: đồ dùng cá nhân, thuốc men cần thiết, mì tôm và vài thức ăn vặt.

Những “tai nạn” nào chị đã gặp trong các chuyến đi của mình?

Có lẽ tai nạn lớn nhất mà tôi gặp phải là vào năm 2008, tôi tham gia tour du lịch đi từ Cairo, Ai Cập đến Jerusalem, Israel. Khi check in khách sạn Cairo lúc đó rất sớm, khoảng 6h sáng nên chưa có phòng. Cả đoàn mang theo túi hành lý đi ăn sáng tại nhà hàng khách sạn. Yên tâm vì là khách sạn 4 sao và lúc đó đang vắng vẻ nên chúng tôi đều để túi ở trên ghế và đi ra quầy buffet lấy đồ ăn sáng. Khi trở lại bàn thì túi của tôi đã không cánh mà bay… Tôi đã mất tất cả: từ hộ chiếu, tiền mặt, thẻ tín dụng, máy ảnh, máy ghi âm, đến những đồ dùng thiết yếu như kính, bộ đồ trang điểm… Và do sứ quán Việt Nam ở Ai Cập không làm được hộ chiếu nên tôi đã phải tách đoàn quay trở về Việt Nam bằng giấy thông hành.

Hành trình để lấy được giấy thông hành và trở về Việt Nam cũng là bài học quý giá. Tôi đến sứ quán Việt Nam và tiếc là đã không scan hộ chiếu của mình và để trên mạng. Tôi đã phải gọi điện về Việt Nam nhờ gia đình scan chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ cần thiết để sứ quán có cơ sở cấp giấy thông hành cho tôi.

Nhưng khi mua vé máy bay trở về Việt Nam, tới chỗ xuất nhập cảnh, tôi đã bị từ chối không cho xuất cảnh với lý do tôi chưa hề nhập cảnh. Khi bị mất hộ chiếu và dùng giấy thông hành thì bạn cần đến cục quản lý xuất nhập cảnh của nước sở tại để lấy dấu nhập cảnh vào giấy thông hành, khi đó bạn mới có thể xuất cảnh.

Cũng may sau khi trình bày với sĩ quan trực ban trưởng của phòng xuất nhập cảnh ở sân bay, viên sĩ quan đã ra 1 câu đố:

– Nếu cô trả lời đúng câu hỏi thì tôi sẽ cho cô rời Ai Cập!
– Vâng, xin ông cứ hỏi.
– Đố cô biết tại sao chúng tôi lại thích Việt Nam?
– Các ông thích Việt Nam vì chúng tôi đã đánh thắng Mỹ.

Viên sĩ quan cười vang và bắt tay tôi rồi nói với nhân viên đóng dấu cho tôi xuất cảnh.

Cả đoàn có hơn 10 người đều để túi trên ghế mà chỉ mình tôi bị mất cắp nên sau sự cố đó tôi rút ra kinh nghiệm sâu sắc là: đi du lịch mang hành lý càng gọn gàng càng tiện lợi, ăn mặc càng giản dị, ít gây chú ý càng tốt, không nên đeo trang sức… tóm lại càng đơn giản ở biểu hiện bên ngoài càng ít bị gặp rắc rối.

Trên đường phố Vienna

Có quan điểm cho rằng trước mỗi chuyến đi, ta nên tìm hiểu kỹ về lịch sử, văn hóa, lối sống… của nơi sẽ đến để có những kiến thức cơ bản, nhằm có cảm nhận sâu sắc hơn. Ngược lại, cũng có quan điểm rằng ta nên “giữ một cái đầu trống rỗng” trước khi đi để không có những mặc định sẵn, có thể cảm nhận một cách chân thực nhất… Còn quan điểm của riêng chị?

Tôi luôn cho rằng cần chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi nhất là về mặt thông tin thì chuyến đi càng hiệu quả hơn. Thông thường những địa điểm đã chọn lựa du lịch luôn là những địa điểm thú vị và có rất nhiều thứ để tham quan và tìm hiểu. Khi đã đọc kỹ thông tin mà vẫn thấy như “cưỡi ngựa xem hoa” thì khi đi với cái đầu trống rỗng càng lãng phí hơn.

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà thông tin đầy ắp, chỉ cần lên mạng có thể biết mọi điều trên thế giới, thì tại sao không tận dụng nguồn thông tin đó để chuyến đi của mình tốt nhất có thể.

Chúng ta sẽ không đủ thời gian và tiền bạc để đi mà không có định hướng và lựa chọn…Trong vô vàn những thứ có thể khám phá, thưởng thức… thì nên xác định cái gì phù hợp với sở thích, thị hiếu, túi tiền của mình… như vậy mới là người du lịch chủ động và sẽ đạt được kỳ vọng của chuyến đi.

Khi đọc tài liệu, nghiên cứu về nơi ta đến không có nghĩa là ta không thể có cái nhìn khách quan và cảm nhận chân thực về nơi đó. Với tôi cảm nhận luôn độc lập với tư duy kiến thức. Còn sự khách quan thì phụ thuộc vào suy nghĩ và nhận thức của mỗi người. Người đã không khách quan, hay bị ảnh hưởng của mặc định thì dù đọc hay không đọc vẫn có thể là không khách quan.

 

Dừng chân tại Mũi Hảo Vọng 

Có lúc nào chị hối tiếc về sự chuẩn bị của mình chưa?

Đợt tết vừa rồi tôi có đi nghỉ tại Phuket. Do chủ quan là đi theo tour và cũng quá bận rộn nên không kiểm tra kỹ hành trình. Sau này tôi nuối tiếc là đã không dành thời gian cho những chỗ đáng để tham quan như lý ra nên ngủ lại 1 đêm trên đảo Phi Phi (chỉ cách đảo Phuket 50km) để khám phá cuộc sống của làng chài và làng du lịch cũng như tận hưởng bãi biển tuyệt vời trên đảo. Chúng tôi đã ở đảo chính là Phuket quá nhiều thời gian. Luôn luôn có sự nuối tiếc nếu không chuẩn bị kỹ càng.

Nhiều người cho rằng việc đi theo tour chỉ dành cho người lớn tuổi hoặc những người chưa có nhiều kinh nghiệm đi du lịch. Nhưng tôi thấy chị, dù đã đi tới gần 50 nước, đôi khi vẫn lựa chọn cách này. Tại sao vậy?

Đi theo tour luôn tiết kiệm chi phí nhất vì được hưởng lợi từ giá Group cho vé máy bay, ô tô, khách sạn. Nhưng tất nhiên, không phải tôi đi mua tour và ghép vào các đoàn đã có, mà thường tự tổ chức và đi cùng bạn bè nên được chủ động hoàn toàn về chương trình. Đợt đi Phuket chúng tôi mua tour cho cả nhóm bạn đi với nhau, nhưng vì áp dụng đúng theo tour các công ty lữ hành nên mới phải tiếc rẻ như vậy. Cũng có lần như chuyến đi Ai Cập, tôi thấy tour mới nên mua thử ngay. Sau chuyến đi đó, thấy chương trình tổ chức nhiều bất cập quá, tôi viết một bức thư góp ý dài 2 trang gửi bên công ty du lịch đấy.

Mục tiêu sắp tới của chị là gì?

Càng ngày tôi càng thấm thía hơn điều mà người phương Tây lấy đó làm một trong những mục đích quan trọng của cuộc sống: Ý nghĩa cuộc đời nằm ở chiều dài của chặng đường mà anh đã đi qua. Họ sẵn sàng cả đời phải chịu cảnh thuê nhà nhưng không thể thiếu du lịch. Nên tôi quyết định những chặng đường tiếp theo của tôi sẽ dài nhất có thể. Tôi sẽ tới Nam Mỹ và mục tiêu trước mắt là Brazil, sau đó là Machu Picchu Peru – Thánh địa đã mất của người Inca.

Bài: Quế San

 

Chuyên đề Du lịch thông minh

Người ta vẫn nói: “Ý nghĩa cuộc đời nằm ở chiều dài của chặng đường mà anh đã đi qua.” Nhưng có lẽ cần nói thêm rằng, ý nghĩa mỗi chuyến đi lại không phải việc ta đi đâu, dài hay ngắn, mà là đi như thế nào. Du lịch thông minh là quan điểm về những chuyến đi không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn là thu nhận tối đa.

Các bài viết trong chuyên đề:

>> 10 ngày và 2 tháng

>> Săn vé máy bay giá rẻ

>> Đặt phòng qua website

>> Sống thêm một cuộc đời

Tổ chức chuyên đề: Vũ Thủy

Thực hiện: depweb

15/05/2012, 15:55