Sống chậm ở Bắc Âu - Tạp chí Đẹp

Sống chậm ở Bắc Âu

Sự Kiện

Ánh sáng độc đáo buổi hoàng hôn ở vùng cực nam Thụy Điển

Một buổi đi săn

Tôi đến Bắc Âu, mà cụ thể hơn là ngôi làng Ovraby nằm ở vùng cực nam Thụy Điển, cách Stockholm khoảng 500km, theo lời rủ rê của một người bạn Thụy Điển trước kia sống ở Stockholm, đã chuyển về sống ở Ovraby 3 năm và quyết định trở thành người nhà quê sống gắn bó với ngôi làng này.

Từ sân bay Malmo, tôi về làng Ovraby trong đầu không thể hình dung rằng ngôi làng hẻo lánh hơn rất nhiều những gì tôi tưởng tượng. Đất đai mênh mông, bạt ngàn những cánh đồng lúa mạch, cả làng chỉ có 8 gia đình, mỗi nhà cách nhau gần cả cây số.

Trong hành trình đến làng Ovraby ở Tomelilla, trên đường cao tốc tôi bắt gặp không ít hình ảnh những chú nai, mễn bị xe va phải khi chúng băng sang đường, loài động vật này là mối nguy của các lái xe vùng cực nam Thụy Điển. Những ngày lang thang quanh làng, tôi thường gặp trong tán rừng là bầy nai lấp ló ẩn hiện. Một bữa nọ khi về lại Ovraby lúc trời xẩm tối, vị chủ đất của làng rủ tôi tham gia vào chuyến đi săn vì chỉ còn ít ngày nữa là hết mùa săn. Ông cho biết số lượng hôm nay mà đội săn muốn mang về sẽ là hai con nai, với trọng lượng mỗi con trung bình trên hai tạ.

Tôi hăm hở theo đội săn gồm vị chủ đất, hai người con trai và một đứa cháu, tất cả lên chiếc xe zeep địa hình, với hành trang quan trọng nhất là hai khẩu súng săn, thẳng hướng rừng mà tiến.

Toà nhà chọc trời Turning Torso ở eo biển Oresund

Toà nhà chọc trời Turning Torso ở eo biển Oresund

Xe chạy trên con đường đất của làng, trong ánh đêm nhập nhoạng, tưởng phải đi xa lắm, hóa ra chưa đầy 15 phút đã đến điểm săn, nơi có một khoảng trống rộng, giữa đó là tháp canh chọc vút lên trời, áng chừng phải cao cỡ 15m. Đội săn xuống xe, tắt đèn, lục đục leo lên tháp canh, bật đèn pha vào trảng cỏ trống phía trước và lia đèn quan sát. Chỉ vài phút sau, một bầy nai gần chục con lù lù xuất hiện, tôi nín thở quan sát. Hai tay súng ra hiệu, hai ánh đèn lia vào hai mục tiêu và cùng lúc phát hỏa, bầy nai chạy toán loạn, để lại hai chú nai to đùng. Quả thật, tôi chưa bao giờ hình dung rằng đi săn nai ở xứ này lại đơn giản và dễ dàng đến thế.

Chủ đất cùng mọi người hồ hởi vác chiến lợi phẩm lên xe, ông cho biết mỗi năm, số lượng nai săn bắn đều được kiểm soát, tùy vào số lượng cá thể trong đàn nai ở mỗi vùng đất mà chủ đất sẽ được cho phép săn bắn bao nhiêu con, thường không quá 1/5 số nai trong tự nhiên. Hai con nai được đưa về nhà kho, xả hết bộ lòng, treo lên xà nhà xẻ thịt đãi khách và ăn dần trong những tháng mùa đông. Và ở xứ này, món thịt nai là đặc sản miền quê, bên cạnh món cá trích (herring) truyền thống.

làng chài Kaseberga

Cá tươi được chế biến và bày bán tại làng chài Kaseberga

Hải sản ở làng Kaseberga

Ngoài món thịt rừng, cư dân ở các thành phố vùng cực nam Thụy Điển như Malmo, Ystad, Lund còn món độc đáo khác là hải sản, nhất là những loại hải sản hun khói. Điểm ăn hải sản mà dân bản địa vùng cực nam Thụy Điển thường tìm đến là làng chài Kaseberga, gồm 30 ngôi nhà của những ngư dân đánh cá, một bến cảng, và một di sản là khu di chỉ đá xếp Ales Stenar với 59 tảng đá lớn nhỏ xếp thành hình oval, có niên đại hơn 1.000 năm trước CN, giống với dáng con tàu dài 69m, ngang 19m, nằm song song ngay đường bờ biển Baltic.

Món cá chình xông khói ở làng Kaseberga

Món cá chình xông khói ở làng Kaseberga

Làng chài Kaseberga ngày càng trở nên nổi tiếng, không hẳn vì có hải sản ngon mà chính nhờ vào khu đá xếp Ales Stenar, được các nhà khoa học lý giải với công năng tựa như chiếc đồng hồ mặt trời của người Viking xưa, dựa vào bóng đổ của ánh mặt trời chiếu lên các phiến đá, người ta có thể phân định được ngày giờ trong năm.

Ngay sau làng Kaseberga là cảng biển, nơi đội tàu cá của làng neo đậu, và cũng là nơi có quầy bán hải sản nức tiếng trong vùng với muôn vàn loại cá được chế biến theo phương pháp truyền thống của người làng Kaseberga. Ngon nhất theo khẩu vị mà tôi nếm trải chính là món khoanh cá chình xông khói, thịt dai và ngọt thơm, quyện với mùi hăng của khói và nồng cay khi ướp tiêu, ăn đến nghiền. Nơi đây còn có món cá hồi xông khói, càng cua hấp muối, cá trích chiên ăn với khoai tây trộn kem… Mỗi món cá mang một phong vị khác biệt, dễ để ăn một lần rồi nhớ mãi.
 
Tắm băng mùa đông

Đến Thụy Điển vào mùa đông, thú vui mà ngay cả người bản địa không phải ai cũng đủ can đảm thực hiện, ấy là tắm băng. Sau những ngày chán chê với lối sống của người nhà quê, cứ loanh quanh ở làng mãi, nên khi nghe rủ đi tắm băng, dù chưa hiểu gì, chỉ biết được ra khỏi làng là gật đầu đồng ý. Nhiệt độ hôm ấy đang là 15 độ dưới âm, thời điểm lý tưởng để người Thụy Điển đi tắm trong làn nước băng giá.
 
Tôi đến Malmo, thành phố ngay eo biển Oresund, nơi có tòa nhà Turning Torso mang kiến trúc hình xoắn do kiến trúc sư Tây Ban Nha là Santiago Calatrava thiết kế, với chiều cao 190m, được xếp là một trong 25 kiến trúc chọc trời độc đáo nhất thế giới.

tắm băng

Xông hơi trước khi tắm băng với nhiệt kế trên 90 độ

Khu vực tắm băng có tên gọi Ribersborg, không xa với Turning Torso, bao gồm một hệ thống nhà gỗ, các phòng xông hơi, được thành lập từ hơn 60 năm trước. Sau khi mua vé vào khu tắm băng, tôi tìm đến phòng thay đồ, thoát y trong ánh mắt ẩn chút lạ lùng của người bản xứ, sau này mới biết nguyên do tôi là khách da vàng mũi tẹt hiếm hoi đến tắm băng. Để hoàn tất thủ tục tắm băng, tôi phải vào lò xông, với nhiệt độ lò trung bình từ 65 độ C đến 95 độ C.

Sau khoảng thời gian 5 – 10 phút trong lò xông lấy thân nhiệt, tôi gặp được Jan Svensson, một thành viên kỳ cựu của Ribersborg từ năm 1950, chia sẻ với tôi kinh nghiệm tắm băng: “Khi tắm phải xuống nước từ từ, không nhảy đột ngột, vì sẽ bị giảm huyết áp và dễ ngất xỉu. Trầm mình trong nước vài giây cho nước lạnh ngấm khắp người, rồi lên bờ để thân nhiệt tỏa ra đánh tan cái lạnh trên da thịt, đến khi thấy lạnh sống lưng thì vào phòng xông hơi ngay”.

tắm băng

Tắm băng là thú vui của người Thụy Điển

Xông hơi xong, tôi bước ra cầu thang xuống mặt biển đóng lớp băng dày được khoét một lỗ để người tắm băng trầm mình. Chân chạm vào nước đến đâu, cảm giác tê cóng với cái lạnh xộc vào xương tủy đến đó, người bắt đầu đờ đẫn, chân tay cứng đơ chỉ sau vài giây nhúng toàn thân trong làn nước băng.

Với người có thể lực tốt, chỉ xuống nước đến lần thứ ba là đuối sức, vì cơ thể phải hoạt động thay đổi nhiệt độ liên tục, gây trong người cảm giác như trải qua một cuộc vận động cơ bắp rất mỏi mệt. Bù lại khi tắm băng xong, đầu óc thật sảng khoái, người nhẹ tênh, người Thụy Điển cho rằng bộ môn này giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Còn tôi thì cảm thấy rất sung sướng và tự hào bởi trước đó chưa bao giờ dám nghĩ mình có đủ dũng cảm trầm mình trong băng giá bằng trang phục Adam.
 
Hoàng hôn nhớ nhà

Những ngày sống ở Thụy Điển, nhất là ở khu làng quê này, cảm giác mỗi khi chiều xuống thấy thời gian trôi đi thật chậm. Và vẻ đẹp nhất của chiều tàn, chính là ánh hoàng hôn rực lên theo ráng chiều ở đường chân trời. Thứ ánh sáng ma thuật ấy khiến tôi cứ tò mò với nó ngay từ ngày đầu nhìn thấy, để rồi những hôm sau, lại là cảm giác háo hức, chờ đợi khi chiều xuống, lại lọ mọ ôm máy ảnh đi ra cánh đồng, nhấp nháp cái vẻ đẹp mê hoặc của buổi chiều tàn theo từng cú bấm máy.

Ánh sáng độc đáo buổi hoàng hôn ở vùng cực nam Thụy Điển

Ánh sáng độc đáo buổi hoàng hôn ở vùng cực nam Thụy Điển

Những sắc màu cứ rộn ràng đan xen nhau, khi mặt trời khuất hẳn, sắc đỏ, vàng, trắng, xanh hòa quyện lên nền trời, nổi bật là từng đường chỉ kẻ thẳng tăm tắp, trắng như sợi lụa, đan nhau chẳng theo một trật tự sắp xếp nào. Mãi sau tôi mới phát hiện ra đấy chính là đường bay lên xuống như con thoi của các hãng hàng không cất và hạ cánh xuống sân bay Copenhagen ở phía Đan Mạch. Điều đó vô hình tạo nên một khung cảnh ngoạn mục nhất trong tất cả các vẻ đẹp hoàng hôn mà tôi từng được trải nghiệm.

Di chỉ đá xếp Ales Stenar ở làng chài Kaseberga

Sự bình yên của miền cực nam Thụy Điển, hòa với vẻ đẹp kỳ diệu của ánh hoàng hôn, trong khi mỗi buổi chiều tàn ấy chỉ có mình tôi lang thang ngoài cánh đồng để tận hưởng từng giây phút chậm trôi theo vệt dài của đường mây đang kéo ra phía chân trời, sự tĩnh mịch ấy gợi cho tôi một cảm giác nôn nao vì nhớ nhà. Để rồi không thể nán lại lâu hơn với những nét đẹp bình dị của làng quê Thụy Điển, tôi lên đường xuôi nam đến vùng đất mới là Copenhagen, chỉ cách eo biển Oresund bằng cây cầu vượt biển dài hơn 8km.

Di chỉ đá xếp Ales Stenar ở làng chài Kaseberga

Di chỉ đá xếp Ales Stenar ở làng chài Kaseberga

 
Text & Photo: Lam Phong

Thực hiện: depweb

05/04/2014, 16:59