“Sống bám” trong điện ảnh - Tạp chí Đẹp

“Sống bám” trong điện ảnh

Review
Ta: Không “sao” đố mày làm nên!

Trong khi điện ảnh thế giới đang tiệm cận dần đến những bộ phim mang giá trị nghệ thuật đích thực mà không cần đến ngôi sao để câu khách thì điện ảnh Việt Nam dường như nằm ngoài xu hướng này. Lý do cũng dễ hiểu bởi khi một nền điện ảnh chưa có gì để kể, chưa chinh phục người xem bằng chất lượng thực sự thì chỉ còn cách lợi dụng chút ít tên tuổi của những người nổi tiếng để gây chú ý.

Dăm năm trước, những người quan tâm đến phim Việt vẫn còn nhớ câu chuyện liên quan đến dàn diễn viên được cho là toàn sao trong bộ phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mà sau đó đã chu du qua hàng chục liên hoan phim trên thế giới. Một chiến dịch casting rầm rộ những tưởng sẽ đưa đến những lựa chọn dũng cảm nhưng cuối cùng thì gần như tất cả đều là những diễn viên tên tuổi hoặc ít nhiều được biết đến. Chẳng có vai nào được giao cho người lạ và dĩ nhiên dự án phim này đã nhận được sự quan tâm nhất mực của giới truyền thông nhờ sức nóng của một “vòm sao”.

Hải Yến và Linh Đan trong phim “Chơi vơi”

Cảnh trong phim “Chơi vơi”

Chọn một lối đi hoàn toàn khác, bộ phim gây chú ý hai năm sau là “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di lại chọn dàn diễn viên không hề “hot” trên thị trường. Ngoài vai chính là một câu bé thì đương nhiên không thể chọn sao thì các nhân vật người lớn xoay quanh cậu cũng đều là những diễn viên “tầm tầm” hoặc hết “hot” như Hoa Thúy, Thạch Kim Long, Kiều Chinh, Mai Châu, Trần Tiến… Tuy vậy, “Bi, đừng sợ” vẫn chinh phục được người xem bằng câu chuyện đậm chất điện ảnh, cho thấy tay nghề của đạo diễn và những vai diễn dường như là sinh ra dành cho những diễn viên ấy.

Cảnh trong phim “Bi, đừng sợ” 

Tuy nhiên, hầu hết các dự án phim của Việt Nam đã và đang được triển khai đều không chọn con đường đi như Phan Đăng Di, một con đường độc lập và hướng vào chất lượng hơn là những vẻ ngoài hào nhoáng đôi khi được thổi phồng lên quá mức. Sự xuất hiện của dòng phim nối nhau ra rạp thời gian gần đây gắn với thương hiệu của một ông bầu Sài Gòn từ “Võ lâm truyền kỳ”, “Thiên sứ 99” đến “Hello cô Ba” rồi gần đây nhất là “Nàng men chàng bóng”… là minh chứng rõ ràng nhất cho sự xuất hiện của một dòng phim chỉ dựa hơi các ngôi sao.

Kịch bản dở, kết cấu lỏng lẻo, những bộ phim giống như chuỗi nối dài của các màn tấu hài và công thức bất di bất dịch là gom càng nhiều ngôi sao thuộc nhiều lĩnh vực càng tốt, từ sân khấu đến ca nhạc, từ tấu hài đến điện ảnh để hút fan. Không biết nếu không có những người gọi là “ngôi sao” ấy thì những bộ phim dạng này sẽ sống kiểu gì khi chỉ còn những màn chọc cười nhạt nhẽo với lối làm phim cẩu thả.

Điểm lại, những bộ phim ăn khách thời gian qua với mức doanh thu “khủng” cỡ “Cánh đồng bất tận”, “Long ruồi”, “Cô dâu đại chiến” và gần đây nhất là “Scandal” đều không thể thiếu vắng những “hot girl” hay những diễn viên tên tuổi như một sự đảm bảo cho doanh thu phòng vé dù bản thân kịch bản cũng như tay nghề của đạo diễn cũng đã là những cái tên. Tóm lại, phim Việt ngoài một vài tác phẩm do nhà nước đặt hàng thì kiểu gì cũng phải bám vào sao để gây chú ý. Ít nhất là để các tờ báo lá cải bám vào mà giật tít câu view từ lúc phim còn chưa khởi quay.

Một cảnh trong phim “Scandal”

Maya – một “chân dài” trong phim “Scandal”

Vân Trang trong phim “Scandal”

Tây: Vẫn có đất cho người già + vô danh

Hồi tháng Sáu vừa rồi, những người yêu điện ảnh Việt Nam đã có dịp tiếp cận với bộ phim nghệ thuật của điện ảnh Pháp mang tên “Intouchables” (tựa việt là 1+1). Trước khi đến Việt Nam, “Intouchables” đã từng là một bộ phim gây chấn động điện ảnh Pháp năm 2011 ở cả khía cạnh nghệ thuật lẫn thương mại. Ngoài giá trị về mặt nhân văn với một câu chuyện cảm động, “Intouchables” (bộ phim mới được Pháp chọn đi dự Oscar 2013 tranh giải Phim nước ngoài hay nhất) chinh phục người xem bởi diễn xuất của diễn viên da màu Omar Sy.

Trước khi đến với vai người giúp việc Driss trong “Intouchables”, Omar Sy là một diễn viên “không có số má” gì ở thị trường Pháp, hay nói cách khác anh vẫn là một diễn viên vô danh dù đã đóng nhiều phim. Vậy mà cặp đạo diễn – biên kịch Olivier Nakache và Eric Toledano vẫn quyết định giao cho anh vai diễn quan trọng này. Và Driss đã chinh phục hoàn toàn người xem bằng diễn xuất của mình, để rồi sau đó giành giải César 2012 (vốn được coi là Oscar của điện ảnh Pháp) cho Nam diễn viên xuất sắc nhất 2011 (vượt qua cả đối thủ nặng ký Jean Dujardin – Oscar 2012 cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim “The Artist” (Nghệ sĩ)).

Một bộ phim khác không thể bỏ qua là “In the Land of Blood and Honey” (Mảnh đất của máu và mật ngọt), bộ phim đầu tay do nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood Angelina Jolie làm đạo diễn. Quá hiểu vai trò của các ngôi sao trong sự thành bại của mỗi bộ phim nhưng nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar này vẫn quyết định tìm một lối đi riêng bằng cách chỉ chú trọng vào nội dung và giá trị nghệ thuật của phim.

Một cảnh trong phim “In the Land of Blood and Honey”

Điều đáng nói là Angelina Jolie đã quyết định mời Zana Marjanovic là một nữ diễn viên trẻ ít được biết đến ở Bosnia vào vai nữ chính. Vai nam chính cũng dành cho một nam diễn viên không mấy tên tuổi người Bosnia. Lý do Angie đưa ra là họ hợp vai và chỉ có người Bosnia mới có thể nêu bật được tính cách người Bosnia và mang đến màu sắc chân thực cho câu chuyện.

Dù ban đầu dự án này bị người dân Bosnia phản đối và gây khó dễ trong quá trình quay nhưng khi phim được công chiếu tại Sarajevo, nó đã được tán thưởng nhiệt liệt. Chi phí tới 13 triệu USD và chỉ thu về hơn 300.000USD tại thị trường Bắc Mỹ khi công chiếu hồi tháng 12 năm ngoái nhưng “In the Land of Blood and Honey” cũng được an ủi phần nào bằng một đề cử Quả cầu vàng 2012 cho Phim nước ngoài hay nhất.

Gần hơn chút nữa là “Amour” (Tình yêu), bộ phim vừa giành giải Cành cọ vàng 2012. Đạo diễn kỳ cựu người Đức Michael Haneke đã quyết định giao hai vai chính cho hai diễn viên gạo cội người Pháp nay đã ngoài 80 tuổi. Jean-Louis Trintignant và Emmanuelle Riva rõ ràng không còn là những ngôi sao đang gặp thời nhưng lại có kinh nghiệm diễn xuất dày dặn và sự trải nghiệm không ai có thể sánh được. Michael Haneke đã chọn họ, đơn giản vì họ hợp vai và thích hợp với bộ phim ông làm. Và kết quả thì ai cũng đã thấy. Không cần những thứ hào nhoáng, “Amour” vẫn chinh phục hoàn toàn trái tim người xem bằng những cảm xúc chân thực cùng những giá trị đích thực của phim ảnh mà chỉ có những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao mới làm được.

 

Poster của phim “Amour” 

Xu hướng không lệ thuộc vào các ngôi sao cũng đang chinh phục cả những dự án phim giải trí của Hollywood. Nếu như trước đây, ngay cả các bộ phim hoạt hình cũng luôn cần đến cả tá ngôi sao tham gia lồng tiếng (như “Kungfu Panda” chẳng hạn) để hút khách thì nay có vẻ gió đã đổi chiều. “Up” (Vút bay), bộ phim giành hai giải Oscar 2010 đã mời hai nam diễn viên gạo cội từng giành Oscar và Quả cầu vàng là Edward Asner và Christopher Plummer cùng cậu bé Jordan Nagai tham gia lồng tiếng. Rõ ràng họ là những cái tên không hút khách nhưng lại vô cùng hợp giọng với những nhân vật cần “mượn giọng”.

Gần đây nhất, đạo diễn Tim Burton, nhân vật đứng sau siêu phẩm “Alice in Wonderland” giành tới hơn 1 tỉ USD ngoài phòng vé năm 2010 cũng đã quyết định giao vai chính, Victor Frankenstein trong bộ phim hoạt hình “Frankenweenie” (Chó ma Frankenweenie) cho cậu bé Charlie Tahan vốn chưa được biết đến nhiều ở Hollywood. Rõ ràng, họ không phải là những cái tên đảm bảo cho doanh thu phòng vé nhưng họ được các đạo diễn tài năng phát hiện, đặt đúng chỗ rồi trở thành những ngôi sao thực sự trên màn ảnh.

Bài: Hoàng Vy


Thực hiện: depweb

12/11/2012, 11:02