Sức hút của Sơn Tùng M-TP lớn đến mức nào? Hãy thử so với Miley Cyrus. Sau “Younger Now”, Miley mất hai năm để lên kế hoạch phát hành album “She is Miley Cyrus”. Vậy mà từ khi cô ra mắt MV cho single chủ đạo “Mother’s Daughter”, tính đến nay, MV ấy mới đạt được hơn 30 triệu lượt xem. “Hãy trao cho anh” cũng là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của Sơn Tùng M-TP sau một năm im tiếng. Nhưng khi bài viết này ra đời, nó đã đạt tới hơn 100 triệu lượt xem rồi.
Nói về những con số trên YouTube, Tùng không phải kiêng dè ai cả, dù đó là Shawn Mendes, Camila Cabello hay Billie Eilish. Bạn có thể kể ti tỉ các kỷ lục YouTube mà Tùng đã lập ra, cả ở Việt Nam, cả trên bình diện thế giới. Trong tiếng Anh có câu thành ngữ: “Những con số chẳng bao giờ nói dối”, và dù chúng nói gì đi nữa thì Sơn Tùng cũng là một “người đặc biệt”.
Snoop Dogg, kỷ lục và tour diễn
Xuyên suốt 25 năm sự nghiệp của mình, Snoop Dogg là rapper đóng vai trò “featured artist” (nghệ sĩ xuất hiện trong sản phẩm của một nghệ sĩ khác) với tần suất nhiều hơn bất cứ rapper nào khác. Ít nhất là hơn 1000 ca khúc.
Snoop Dogg không chỉ kết hợp với những siêu sao như Eminem, Katy Perry, Mariah Carey. Anh kết hợp với cả những tượng đài nhạc đồng quê tưởng chẳng có gì liên quan như Willie Nelson. Và anh cũng không ngại kết hợp với cả những nhân vật ít tên tuổi hơn không thuộc về nền âm nhạc US-UK, như Eleni Foureira – một cô ca sĩ Hy Lạp, hay Jazzy B – ca sĩ/nhạc sĩ hát tiếng Punjabi. Thậm chí, Snoop Dogg từng cộng tác với thenakedsong.com để tìm kiếm người cộng tác với mình, phạm vi tìm kiếm là toàn cầu.
Cộng tác với mọi người, đó là chiến lược thương hiệu của Snoop Dogg. Bạn nghĩ rằng chỉ Sơn Tùng cần Snoop Dogg? Ngược lại, hợp tác với Sơn Tùng cũng là một cách để âm nhạc của Snoop Dogg đến gần hơn một bộ phận khán giả của Tùng. Điều đó không nhằm phủ nhận rằng để có được cái gật đầu của rapper này là một việc chẳng khác gì “bắc thang lên hỏi ông trời” – như Tùng chia sẻ, nó cũng không thay đổi sự thật rằng Tùng đã rất xuất sắc để mời được rapper huyền thoại. Nhưng ta cần có cái nhìn tỉnh táo hơn vào sự hợp tác này. Bước ra thế giới? Đồ rằng chưa hẳn là thế.
Nhưng không sao, với sự góp mặt của Snoop Dogg, Sơn Tùng M-TP chính thức vượt khỏi ranh giới của V-pop. Và đó là nước đi cao tay của Tùng hậu “Chạy ngay đi”. Hơn ai hết, Sơn Tùng M-TP biết rằng anh không được quyền sảy chân. “Chạy ngay đi” có giúp Tùng phá kỷ lục MV có lượt xem cao nhất trong 24 giờ của BTS không? Không quan trọng. Chỉ riêng việc người ta phải tranh cãi về điều đó cũng đã chứng minh vị thế của Sơn Tùng M-TP trên YouTube không phải chuyện đùa. Và bất cứ sản phẩm nào được Tùng tung ra hậu “Chạy ngay đi” cũng phải vượt qua chứ không thể thua kém ca khúc này.
Cách Tùng chọn sau đó cũng giống cách Taylor Swift đã làm với “Reputation” – công bố tour diễn ngay từ những đĩa đơn đầu tiên. Đó là thời điểm cuối năm 2017, những tác động của chính trị và các phong trào xã hội đã đưa hip-hop thống trị nền âm nhạc. Hơn ai hết, Swift hiểu rõ cô phải là người vực dậy nền nhạc pop đang trong lúc hấp hối. Nhưng chẳng có lý do gì để cô làm vậy. Trọng trách này quá nặng nề và mạo hiểm so với việc khởi động một chuyến lưu diễn và kiếm bộn tiền từ nó. Vì chỉ cần chậm chân một chút, cả thời kỳ của “Reputation” với tổng cộng 7 đĩa đơn sẽ bị san bằng bởi binh đoàn rapper thành công nhất bấy giờ: Drake, Childish Gambino, Cardi B, XXXTentaction…
Sơn Tùng M-TP cũng tuyên bố tour diễn xuyên Việt đầu tiên với mức giá tầm trung, chỉ khoảng từ bảy trăm ngàn tới hai triệu rưỡi, và không diễn ra tại quá nhiều địa điểm. Nam ca sĩ có thể chắc chắn rằng mức độ cạnh tranh để tậu được một chiếc vé là rất cao, từ đó tạo nên một cơn sốt cho tên tuổi của mình. Sở hữu sự nghiệp gắn liền với các kỷ lục YouTube, Tùng đủ tỉnh táo để nhận ra MV trăm triệu lượt xem đã không còn là đặc quyền của riêng anh.
Nhân lúc “Hãy trao cho anh” cán mốc hơn 100 triệu lượt xem (đủ để thổi bùng thêm một giai đoạn truyền thông tiếp theo), Tùng muốn chứng minh cho khán giả thấy rằng anh có thể biến những con số ảo thành giá trị thật: số vé bán ra và doanh thu tour diễn.
Tại sao không phải một album?
Gác những kỷ lục qua một bên, cuối cùng thì, Sơn Tùng M-TP đã trở lại, đã có thêm một bản hit, nhưng vẫn chưa có một album cho riêng mình. Cũng có người nói rằng bấy nhiêu bản hit là đủ, việc gì phải có album!
Vậy hãy thử tưởng tượng Taylor Swift phát hành các ca khúc của album “1989” hoàn toàn riêng lẻ. Hãy thử tưởng tượng “Hello”, “When we were young”, “Millions years ago” không cùng thuộc album “25” mà chỉ là những bản hit lẻ tẻ trong sự nghiệp của Adele, thì sẽ như thế nào?
Chúng vẫn sẽ là những ca khúc hay, chắc chắn, nhưng sẽ thiếu đi cái sức mạnh dẫn dắt và kiến trúc lớp lang mà chỉ một album mới có thể làm được. Một bài hát hay là một khoảnh khắc. Một album hay là một thời kỳ. “Norwegian wood”, “In my life”, “Michelle”… đó là những ca khúc để đời. Nhưng khi kết hợp thành một tổng thể là “Rubber soul”, chúng đã tạo ra một đền đài Pantheon trong âm nhạc. Hay là, bạn cũng không thể tráo đổi vị trí hai ca khúc bất kỳ trong album “DAMN.” của Kendrick Lamar, bởi ngay cả sự sắp đặt này cũng có ý đồ.
Bởi album là nơi thể hiện toàn bộ thẩm mỹ, tư duy và chiến lược đường dài của nghệ sĩ. Một album luôn chứa nhiều ca khúc hơn, có giá bán cao hơn và tạo ra nhiều giá trị hơn. Mà để duy trì sức sống cho một album, chủ nhân của nó phải biết cách quảng bá thông qua các đĩa đơn, sản phẩm nhượng quyền, video ca nhạc…
Cho nên, đúng, Sơn Tùng M-TP hiện không thiếu gì, nhưng lại thiếu phần quan trọng nhất để định dạng sự nghiệp một nghệ sĩ: một album độc lập. Năm 2017, nam ca sĩ chỉ ra mắt đĩa nhạc “m-tp M-TP” gồm 12 ca khúc đã phát hành để kỷ niệm 5 năm ca hát. Thật tiếc rằng sau những kỷ lục của “Chạy ngay đi”, điều mà anh vươn đến vẫn là nhiều kỷ lục hơn chứ không phải một album đánh dấu cột mốc trưởng thành.
Đặt trong bối cảnh của nền âm nhạc Việt Nam, khi ngành công nghiệp thu âm gần như không tồn tại, và một sản phẩm ca nhạc chỉ được nhận diện qua MV, đòi hỏi ở Tùng một album cũng là một điều khó cho Tùng. Suy cho cùng, một nghệ sĩ dù cái tôi có lớn đến đâu, nhiều khi vẫn phải cúi đầu trước thị hiếu khán giả.
Mặc dù vậy, là người dẫn đường cho thời đại của mình, biết đâu nếu Tùng ra album, anh lại thay đổi cục diện của cả một thị trường âm nhạc? BTS có thể vươn xa đến thế, được Mỹ o bế như những siêu sao toàn cầu là vì phía sau họ có cả một thị trường tiêu thụ chống lưng. Trong vòng một thập kỷ, Hàn Quốc từ top 20 giờ đã vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ cùng một loạt nước châu Mỹ Latin để nằm trong top 6 thị trường ghi âm lớn nhất thế giới.
Xếp thứ 2 sau Mỹ là Nhật Bản, nhưng chúng ta đâu khi nào nghe tới kỷ lục YouTube từ quốc gia này? Thế mà rất nhiều lần, ngay cả người hâm mộ Hàn Quốc với quyền lực và lòng tự tôn cao vời vợi cũng phải ganh tỵ trước việc nghệ sĩ – từ siêu sao quốc tế Ariana Grande đến niềm tự hào quốc dân BTS – đều dành ưu ái nhiều hơn cho khán giả Nhật Bản. Đơn giản vì giá trị mà khán giả Nhật Bản mang đến cho âm nhạc luôn vượt trội hơn các nơi khác: họ tiêu thụ album.
Người nghệ sĩ giỏi là người thành công trong khuôn khổ của hệ thống âm nhạc. Người nghệ sĩ lớn là người vượt ra khỏi hệ thống đó mà vẫn thành công, thậm chí đặt ra tiêu chí mới cho hệ thống. Ít nhất thì, ở địa hạt Việt Nam, Sơn Tùng đang có đủ tố chất để không chỉ là một nghệ sĩ giỏi mà còn là một nghệ sĩ lớn.