Son đỏ: Điều huyền diệu bị chối bỏ

Phụ nữ nói riêng và nhân loại nói chung chưa bao giờ thôi “điên lên” vì những đôi môi đỏ quyến rũ.

Nghị viện Anh quy định, người phụ nữ nào thoa son đỏ sẽ bị coi là… phù thủy bởi họ đang làm… hư hỏng đàn ông.

Phụ nữ thoa son là… Phù thủy

Nhà soạn kịch người Hy Lạp Plautus (254-184 trước Công nguyên) đã nói: “Phụ nữ không trang điểm như thức ăn thiếu muối.” Nhớ lại để thấy rằng, từ xa xưa lắm rồi, phụ nữ đã biết tới chuyện trang điểm, làm đẹp như một nhu cầu bản năng.

Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra nữ hoàng Cleopatra là người đầu tiên sáng tạo ra chất kem tạo màu cho đôi môi, đó là hỗn hợp giữa vaseline và cánh hoa hồng nghiền nát. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trước đó, phụ nữ cổ đại đã biết dùng son.

Thời nữ hoàng Elizabeth I, người được coi là trend-setter lúc bấy giờ, làn da trắng toát và đôi môi đỏ chót được coi là mốt. Nếu bạn chưa hình dung ra, hãy nhớ tới hình ảnh nữ hoàng Đỏ trong phim “Alice in Wonderland”. Tuy nhiên, thời ấy việc trang điểm chưa phổ biến mà chỉ gói gọn trong giới quý tộc và các nam diễn viên sân khấu.

Không biết chuyện gì đã xảy ra trong các khán phòng dạ vũ của giới quý tộc, nhưng năm 1770, nghị viện Anh ra quy định, người phụ nữ nào thoa son đỏ sẽ bị coi là… phù thủy bởi họ đang tìm cách quyến rũ hoặc làm hư hỏng đàn ông. Hôn lễ cũng sẽ bị hủy bỏ nếu trước đó cô dâu từng thoa son đỏ. Nghiễm nhiên, một màu sắc vô tri bị coi như đại diện cho những gì xấu xa nhất.

Vào thế kỷ 19, màu đỏ của son chủ yếu được tạo ra từ chiết xuất của rệp son, một loại côn trùng ở Mêhicô và Trung Mỹ. Vì chiết xuất này rất đắt đỏ, và màu sắc mà nó tạo ra quá mạnh mẽ, nên việc thoa son đỏ được coi là không tự nhiên, hơi kịch tính, và chỉ phù hợp với các diễn viên trên sân khấu. Loại son mang tính thương mại đầu tiên được cho là ra đời vào năm 1884, do nhà Guerlain tạo ra, chúng được gói trong những mảnh giấy lụa. (Phải tới năm 1927, kiểu thỏi son có ống vặn như ngày nay mới ra đời).

Chẳng bao lâu sau, người ta thấy một vài diễn viên bắt đầu thoa son nơi công cộng. Trong đó nổi tiếng nhất là Sarah Bernhardt. Đây có thể coi là một bước tiến mới bởi trước đó, người ta chỉ thoa son khi ở trong phòng.

Nữ diễn viên Sarah Bernhardt

Son môi – Biểu tượng của sự gợi cảm

Sang thế kỷ 20, do được pha chế thêm các hợp chất thiên nhiên khác như sáp ong, màu son đỏ trở nên tự nhiên hơn, và được chấp nhận rộng rãi hơn. Elizabeth Arden và Estee Lauder bắt đầu bán các sản phẩm son môi. Cùng với sự phát triển của thế giới mới tại Mỹ, nơi cái gì cũng có thể được chấp nhận, và nhất là cùng với nền công nghệ phim ảnh, son đỏ dần khẳng định vị thế của mình nhờ những người phụ nữ biết sử dụng quyền lực của đôi môi.

Phụ nữ thời gian này tô son để chứng tỏ sự độc lập của mình. Nó được coi như biểu tượng của sự trưởng thành và vẻ sexy. Các cô gái mới lớn tin rằng một thỏi son sẽ giúp họ trở nên đàn bà hơn. Ngược lại, người đứng tuổi lại coi đây là dấu hiệu của sự nổi loạn. Một nghiên cứu xã hội năm 1937 cho thấy có tới 50% các cô gái tuổi teen có tranh cãi với cha mẹ quanh việc dùng son.

Giai đoạn này hàng loạt sáng chế cũng ra đời. Những năm 1930, Elizabeth Arden bắt đầu cho ra mắt các tông màu khác nhau ngoài màu đỏ truyền thống. Những năm 1940, kỹ sư sinh hóa Hazel Bishop phát minh ra son lâu trôi. Sau này bà thành lập Hazel Bishop Inc. Những năm 1980 bắt đầu thịnh hành loại son khi thoa lên môi sẽ đổi màu tùy theo phản ứng với da và theo độ PH của từng người. Người ta còn quảng cáo rằng độ PH do cảm xúc tác động nên màu son sẽ thay đổi theo tâm trạng.

Chất tạo màu được sử dụng trong hầu hết các loại màu từ nâu tới đỏ. Titanium oxide được thêm vào để tạo độ sáng và các acid béo có tác dụng ngăn son không bị chảy nhão. Son màu nude chứa nhiều dầu dưỡng ẩm hơn và ít chất tạo màu hơn. Các loại dầu thường được sử dụng cho son (mà ta có thể cảm nhận qua mùi) là mỡ lông cừu, mỡ thực vật từ cây ca cao, thầu dầu, dầu ô liu, dầu khoáng chất. Son được chế tạo bằng cách trộn các nguyên liệu gồm một loại chất sáp đặc biệt, các loại dầu, chất tạo màu và đưa vào một căn phòng đặc biệt để làm lạnh. Sau này người ta còn cho vào son thêm nhiều hoạt chất như chất dưỡng ẩm, vitamin E, nha đam, amino acid, chất chống nắng…

Tuy vậy, giới truyền thông suốt từ những năm cuối thế kỷ 19 vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ và không ngừng đưa ra những lời cảnh báo về sự độc hại của việc trang điểm, nhất là chất chì trong sản phẩm. Rất nhiều cuốn sách viết rằng đàn ông thích màu môi tự nhiên hơn là thoa son. Truyền thông thì tuyên truyền quan điểm trang điểm sẽ có tác động xấu tới cuộc sống cá nhân và công việc của phụ nữ. Mặc kệ các nỗ lực đó, hai người đàn bà quyền lực của màn ảnh đã khiến sắc đỏ của son trở nên vĩnh cửu. Nếu Elizabeth Taylor là người mang tới cho màu son đỏ những kẻ cuồng tín; thì Marilyn Monroe được gọi là đại sứ của màu son đỏ.

 

Elizabeth Taylor – người mang tới cho màu son đỏ những kẻ cuồng tín 

Nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm muốn mở rộng cuộc chơi màu sắc, cho ra những tông màu rất quái đản như xanh dương nhạt (Kanebo), xanh bạc hà (Revlon), xanh navy ánh bạc (Biba). M.A.C thì cho ra đời những bộ sưu tập với nhiều sắc độ khác nhau dựa trên nhiều tông màu trong đó có cả violet, xanh dương và xanh lá cây. Nhưng dường như đó chỉ là những cuộc chơi ngẫu hứng. Năm 2000, khi Lancôme ra mắt sản phẩm mang tính cách mạng của son môi, Rouge Absolu Crème với dưỡng chất cung cấp độ ẩm và và lớp màng bảo vệ tạo độ mềm mại, người ta mới nhận ra rằng phụ nữ nói riêng và nhân loại nói chung chưa bao giờ thôi “điên lên” vì những đôi môi đỏ quyến rũ.

Lancôme Rouge Absolu Crème – sản phẩm mang tính cách mạng của son môi

Poster quảng cáo son Guerlain

Bài Viên Sa

 Câu chuyện “Son đỏ”:

>> Son đỏ: Điều huyền diệu bị chối bỏ

>> Da trắng như tuyết và môi đỏ như Geisha


From the same category