Cầu vượt Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đang được thi công – Ảnh: M.ĐỨC
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế nhưng các bộ ngành địa phương đã triển khai và đạt nhiều kết quả trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm được tai nạn cũng như ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai ở các TP lớn.
Cụ thể, TP Hà Nội đã đưa vào sử dụng năm cầu vượt bằng thép ở các nút giao thông có mật độ giao thông đặc biệt cao như Tây Sơn, Huỳnh Thúc Kháng… Ngoài ra, TP Hà Nội triển khai sắp xếp lại các bãi giữ xe lấn chiếm lòng lề đường, phân làn, tách luồng giao thông trên năm tuyến phố, đặc biệt bố trí lệch giờ học, giờ làm.
Nhờ những biện pháp triển khai trên, địa bàn TP Hà Nội trong năm 2012 xảy ra 777 vụ tai nạn giao thông làm 619 người chết, 397 người bị thương, so với năm 2011 đều giảm 10-24%. Số vụ ùn tắc giao thông được kéo giảm 50%.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tường – phó Ban An toàn giao thông TP.HCM – cho biết đã cải tạo, mở rộng hơn 17.000m2 tại các nút giao thông bị thắt cổ chai, điều chỉnh giao thông tại 46 vị trí, phân làn xe trên 21 tuyến đường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền… nên số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương đều giảm 10-24%, đặc biệt ùn tắc giao thông giảm trên 90% (chỉ xảy ra hai vụ ùn tắc trên 20 phút).
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng ngoài việc nhiều công trình hạ tầng được đưa vào khai thác sử dụng còn có sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng tích cực từ phía người dân tạo được kết quả tích cực trên địa bàn cả nước.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những kết quả trên rất đáng được ghi nhận, biểu dương nhưng còn thiếu bền vững. “Chỉ cần chúng ta lơ là thì tai nạn giao thông lại tăng vọt. Chỉ có mấy ngày nghỉ Tết dương lịch nhưng đã xảy ra 161 vụ tai nạn giao thông làm 131 người chết” – Phó thủ tướng dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết đang xây dựng hàng loạt kế hoạch nhằm giảm thiểu tai nạn, thương vong cho người tham gia giao thông như xây dựng quy định việc xác định nồng độ cồn trong máu, hơi thở người tham gia lưu thông sẽ trình Chính phủ trong tháng 1. Ngoài ra, Bộ Y tế triển khai đề án xây dựng chín trạm cấp cứu trên đường bộ cao tốc, đồng thời sẽ nâng cấp các trạm y tế địa phương nằm trên trục quốc lộ đáp ứng yêu cầu cấp cứu khi xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài ra, bà Xuyên cho biết đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thành lập trung tâm điều hành cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc. Trên cơ sở đó sẽ tiếp nhận thông tin, cử người sơ cứu khi nhận được tin báo tai nạn giao thông.
Về kế hoạch năm 2013, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, tỉnh thành tiếp tục thực hiện có hiệu quả, giải pháp cụ thể để tiếp tục kéo giảm cả ba mặt: số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương xuống 5-10%. Phó thủ tướng đề nghị cấp ủy các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác hoàn thiện, xử lý những bất cập trong hạ tầng giao thông. Cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi công vụ và ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời sớm đưa việc tuyên truyền an toàn giao thông vào chương trình học chính khóa, ngoại khóa kể từ năm 2014.
“Nếu chúng ta làm được việc trong một năm giảm được 2.000 người chết là hạnh phúc lắm, chúng ta đem hạnh phúc ấy đến từng gia đình, từng con người. Đó là một trách nhiệm cách mạng rất lớn mà chúng tôi muốn gửi tới tất cả địa phương” Phó thủ tướng |
Xảy ra hơn 36.400 vụ tai nạn giao thông Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, trong năm 2012 trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 36.400 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.848 người, bị thương 38.064 người. So với năm 2011, số vụ tai nạn giao thông giảm hơn 7.400 vụ (hơn 17%), số người chết giảm 1.647 người (hơn 14%) và giảm 9.527 người bị thương (hơn 20%). Hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước đều kéo giảm được số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương. Đặc biệt, có bốn tỉnh thành có mức giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương trên 30% là Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Kiên Giang. |
Theo Tuổi trẻ