Sợ tham nhũng: ‘Đèn nhà ai nấy rạng’?

Hơn 10 năm về trước trong xã hội ta, tham nhũng còn là một khái niệm xa lạ trong ngôn ngữ, để chỉ những hành vi lợi dụng chức quyền để ăn tiền của một số cán bộ trong các cơ quan công quyền. Nay nó đã là một từ thông dụng vào bậc nhất trong ngôn ngữ thường ngày. Tham nhũng trở thành “quốc nạn”, liên quan đến sinh mệnh và sự tồn vong của chế độ.

Chưa đến hồi kết

Nhiều ý kiến cho rằng trong những năm qua, tội danh tham nhũng nói chung xử nương nhẹ và khoanh gọn vì sợ bị… mất cán bộ. Hệ lụy là tham nhũng ngày càng tràn lan dưới nhiều hình thức tinh vi và phức tạp.

Ngoài những vụ tham nhũng lớn tại các dự án, các tập đoàn kinh tế gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia, đòi hỏi nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Đã có nhiều quan chức phải chịu hình phạt, nhưng trách nhiệm cuối cùng cho những vụ việc trên, vẫn còn nóng trên các diễn đàn, chưa đến hồi kết.

Còn  tham nhũng ở các địa phương, như các phương tiện truyền thông đưa tin những năm gần đây thường là rất thô thiển. Như việc chính quyền địa phương thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp của nông dân, một vài lô đất được “chia chác” cho một quan chức địa phương và chuyện cái phong bì trong ngành Y tế…

Còn nhiều chuyện cũng mang “âm hưởng” của tham nhũng như: Các sở y tế đấu thầu thuốc chữa bệnh trong các bệnh viện công lập đã bị đẩy giá lên cao. Việc mua sắm trang thiết bị y tế đắt tiền, nhưng mau hỏng, không có chung một độ chuẩn dẫn tới “loạn kết quả xét nghiệm”. Các bệnh viện không tin vào kết quả của nhau, khổ bệnh nhân phải làm đi, làm lại mỗi khi chuyển bệnh viện. Hậu quả là “bệnh nhân tử vong, kết quả xét nghiệm đá nhau”.

Việc dạy thêm học thêm trong ngành giáo dục cũng vậy. Bài thuộc lòng trong giờ học thêm, lại chính là bài kiểm tra trong giờ chính khóa. Cái cách nửa tự nguyện nửa ép buộc, gây bức xúc dư luận ngay cả trong ngành giáo dục về nhân cách của một số người thầy. Cũng chưa có một tính toán nào về tổng chí phí cho việc học thêm của tất cả học sinh, chi phí cho những xét nghiệm trong các bệnh viện trong vòng một năm, nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Việc dạy thêm học thêm nhiều như thế, mà các trò vẫn phải được các thầy phân phối “phao” để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp mỗi năm? Vậy tiền học thêm của các học trò, tiền bệnh nhân phải trả cho “loạn xét nghiệm” có phải – nói như ngôn ngữ dân gian là “ném xuống sông xuống biển” !?

Chính sự thật cay đắng của cái chỉ nên gọi là “âm hưởng”, đã gây nên những tác động nguy hại khôn lường tới lòng tin của nhân dân.

Có một thực tế những người dân tố cáo tham nhũng có thể bị trả thù, trù dập, nên hiện người dân muốn thực hiện quyền tố cáo tham nhũng, nhưng không phải ai cũng dám làm do sợ hãi. Đây là sự thật, và điều này khiến cho nhiều người nhầm tưởng rằng xã hội đang rơi vào tình trạng mặc kệ, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.

Cũng vì tham nhũng đã không được giải quyết triệt để, nên xã hội đã và đang nảy sinh những tư tưởng bi quan, hữu khuynh tiêu cực. Từ căm ghét những hành vi tham nhũng cụ thể, do không bị xử lý, hoặc xử lý không triệt để con người ta rất dễ chuyển thành suy giảm lòng tin. Đây là một giá đắt.

Chính vì thế, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung Ương 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

“Lỗi hệ thống”?

Thực tiễn trong giai đoạn cách mạng vừa qua, công tác cán bộ của tổ chức đảng đã đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới.

Công tác quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ của cấp ủy các cấp. Nguyên tắc này khẳng định rất chắc chắn vị trí quyền lực, và sự trong sạch cho người đứng đầu cấp ủy các cấp. Vì người đứng đầu cấp ủy các cấp, không phải chịu trách nhiệm về các quyết định hành chính để cho hậu quả tham nhũng xảy ra, cũng có nghĩa là “vô can” với tham nhũng.

Nhiều cán bộ khi được dự nguồn qui hoạch “phấn đấu, tu dưỡng” rất tốt. Tới khi được bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý thì bộc lộ sự sa sút về phẩm chất đạo đức trở thành quan chức tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Nhưng khi muốn xử lý họ thì rất khó khăn, thậm chí là không thể.

“Vô can” với tham nhũng và muốn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh, mà có nơi cấp ủy cấp trên lấy trách nhiệm chính trị ngụy biện cho những sai phạm trong quản lý cũng như suy thoái đạo đức của cấp dưới.

Cuộc vận động học tập, và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng phát động trong những năm gần đây, nhằm đấu tranh chống suy thoái đạo đức lối sống. Cá nhân điển hình tiến tiến trong đợt tổng kết bốn năm cuộc vận động, là phần thưởng cao quý.

Những người được nhận phần thưởng này lẽ ra phải xứng đáng trở thành “hình mẫu nhỏ” cho mọi người học tập. Nhưng có nơi, có trường hợp, cơ quan Đảng cấp trên đã trao phần thưởng này cho người không xứng đáng, gây nên dư luận xấu về mục đích, giảm hẳn ý nghĩa của cuộc vận động.

Bên cạnh đó, có quá ít những vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng. Một sự thật là chưa chi bộ đảng nào phát hiện được đảng viên trong chi bộ mình tham nhũng. Không có một tổ chức đoàn thể nào trong hệ thống chính trị phát hiện được tham nhũng.

Một số vụ tham nhũng do một số đảng viên dũng cảm tố cáo, nhưng sau khi vụ việc được xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó sẽ không đạt trong sạch vững mạnh (vì có tham nhũng, và  mất đoàn kết). Chính cách hiểu lệch lạc ý nghĩa của đoàn kết trong công tác thi đua, khen thưởng cũng góp phần làm ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam -Vũ Trọng Kim cho rằng:

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về các quyết định hành chính và kể cả không ra quyết định hành chính để cho hậu quả tham nhũng xảy ra, rõ ràng, anh phải chịu trách nhiệm hành chính chứ không phải lấy trách nhiệm chính trị để thay nhiều trách nhiệm khác, thậm chí cả trách nhiệm hình sự. Nếu chúng ta không làm rõ vấn đề này thì nhiều năm qua, trách nhiệm chính trị chính là chỗ ẩn náu, né tránh của nhiều quan chức.

Nếu ví Luật Phòng chống tham nhũng là  “Thượng phương bảo kiếm” thì cũng có thể ví trách nhiệm chính trị cũng giống như “Miễn tử kim bài” đã được trao vĩnh viễn, để giải thích tại sao bẩy năm qua Luật Phòng chống tham nhũng của chúng ta khi thi hành không đạt được kết quả như mong muốn.

Vĩ thanh

Tham nhũng là một tội lỗi, gây hại cho quốc gia, và là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói nghèo cho người dân. Nhưng, nó được hiểu khác nhau tuỳ theo từng thời kỳ, tuỳ theo quan điểm của giai cấp cầm quyền, cũng như ý thức quyền lợi của công dân, mà có các biện pháp trừng phạt khác nhau trong lịch sử. Ở thành Athena trong thời Hy Lạp cổ đại, các quan chức tham nhũng sẽ bị tước quyền công dân và quyền tham gia vào các tổ chức chính trị của thành bang. Việc nhận hối lộ phải chịu sự sự ô nhục và ruồng bỏ.

Ở Byzantium vào thế kỉ thứ 11, các quan chức tham nhũng thường bị làm cho mù mắt và bị thiến. Bên cạnh việc chịu đòn và bị làm cho mù mắt, những kẻ nhận hối lộ thường bị đày ải, còn tài sản của họ thì bị tịch thu sung công. Hình phạt thiến không phải do pháp luật quy định mà là kết quả của việc xúc phạm và sỉ nhục công chúng.

Ngày nay việc xử phạt tham nhũng ở mỗi quốc gia đều nhẹ hơn. Nhưng ở một số nền văn hóa những quan chức khi bị kết tội tham nhũng ( có trường hợp chỉ là do người nhà như vợ và con nhận tiền hối lộ) thường lựa chọn cho mình con đường từ chức. Cá biệt có người còn tự sát để chuộc lỗi với nhân dân của đất nước họ, và bảo toàn danh dự của đảng chính trị đã đưa họ lên vị trí lãnh đạo.

Năm 2005  Luật Phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng được thành lập từ trung ương tới các địa phương. Tham nhũng không bị đẩy lùi mà lại gia tăng, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định:  Không phải là một con sâu mà bây giờ là cả một đàn sâu.

Câu nói của Chủ tịch nước không chỉ nói đến số lượng, mà còn chỉ rõ tính chất nguy hiểm của bầy đàn. Đàn sâu (tham nhũng) gia tăng sức mạnh và bảo vệ, che chắn cho nhau (trả thù, trù dập, làm ngơ với tham nhũng của cấp dưới… ủng hộ và bảo vệ nhau) khiến việc chống tham nhũng trở lên khó khăn gấp bội.

Câu nói gần đây nhất của Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri tại thành phố Hồ Chí Minh “… bỏ phiếu vì cái ghế mình ngồi thì chế độ sẽ suy vong..” để nhắc nhở mỗi đại biểu QH về trách nhiệm với Đảng với đất nước, trong trận chiến cuối cùng chống tham nhũng.

Có một thực tế những người dân tố cáo tham nhũng thường đối mặt với sự trả thù, trù dập, nên hiện người dân muốn thực hiện quyền tố cáo tham nhũng, nhưng không phải ai cũng dám làm do sợ hãi. Đây là sự thật, và điều này khiến cho nhiều người nhầm tưởng rằng xã hội đang rơi vào tình trạng mặc kệ, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. 

From the same category