Đừng đòi chồng là Mr Hoàn Hảo
Tôi nghe nhiều câu chuyện các bà vợ kêu ca về chồng, ước ao chồng được như… ao ước! Mà cái “mớ” ao ước ấy thì phong phú. Anh chồng trí thức, ăn nói có duyên thì (bị) vợ ước một lần bụi bặm kiểu lãng tử trong phim và kiếm tiền “điên đảo”. Anh chồng làm kinh doanh thì (bị) vợ ước trong dáng vẻ thư sinh và có nhiều thời gian cho gia đình hơn nữa. Một người chồng giản dị, thật tình thì luôn được cô vợ hình dung trở thành người đàn ông phá cách, hấp dẫn. Bà vợ nào có ông chồng không biết nấu ăn thì sẽ ghen tỵ với nhà hàng xóm có ông chồng đảm thế. Và cái sức so sánh, “cân đo” đến nỗi phũ mồm ác miệng của đàn bà, rồi lại được chính đàn bà tán thưởng thì vô song.
Tôi muốn nói đến cách mà người ta cho mình một khoảng lặng để nghĩ ngợi về nhau. Ngày yêu, ta thật sự mong gì? Đôi khi để ở bên cạnh nhau là một bài học lớn, bởi mỗi một chúng ta dễ thấy phần cố gắng của mình mà không chịu thừa nhận cố gắng từ người khác…
Bạn có thể mong ti tỉ thứ ở chồng, nhưng anh ấy cũng như bạn, anh ấy không hoàn hảo
Đàn ông thì lại càng dị ứng với đàn bà kiểu ấy. Suy cho cùng, con người ta ai cũng đầy hạn chế. Chẳng qua đàn ông vốn rất kiệm lời nên không sẵn sàng đăng đàn “nói xấu” đàn bà nên đám đàn bà cứ gật gù kêu khổ và rủ nhau hưởng ứng, vỗ tay. Thiếu gì những cô vợ không biết làm gì ngoài đi ăn ngon mặc đẹp tiêu tiền. Thiếu gì những cô vợ vừa đoảng vừa lười, việc công ty thì sếp luôn phát cáu còn bữa cơm nhà thì chỉ khiến cho chồng con khiếp sợ về độ vụng về. Nếu một hôm đàn ông cũng giở thói “lắm điều” ra không khác gì phụ nữ thì tôi sợ, những lời kêu ca, những hình ảnh so sánh sẽ còn tệ hại hơn nhiều cái cách mà chúng ta nói về đàn ông.
Phán xét, tự phụ và… mất chồng
Tôi có đọc một bài viết mà không rõ tác giả “ẩn danh” nào “sáng tạo” ra, tôi đã tránh không dùng từ “bịa đặt”, bởi tôi thấy câu chuyện hoàn toàn không hợp lý. Đại khái rằng có một chị vợ, chị đi đánh ghen, chị mời chồng và tình địch ra ngồi ở quán cà phê, gọi nước cam đàng hoàng, sau đó chị “nhả” ra một loạt những lời lẽ “móc máy” rất chua cay, thậm chí là tục tĩu dành cho anh chồng.
Chị bảo chồng chị vừa có vợ vừa đi với bồ là hạng đàn ông “làm đĩ”, bảo cô bồ của chồng cũng là một hạng “gái kiếm tiền”, chung quy là hai kẻ “kiếm tiền” gặp nhau… Chị em phụ nữ cứ gật gù khen hay. Tôi thì phì cười, chẳng qua cái sự ngoa ngôn ấy đánh trúng tâm lý cay cú, muốn bênh vực của đàn bà với nhau, khi đứng trước người đàn ông phản bội, chứ sự thật thì không có mấy người, kể cả phụ nữ với nhau lại sẵn sàng đồng cảm và muốn hợp tác với một người ngoa ngôn, chửi bới như “hát hay” thế cả.
So sánh và phán xét, nó chỉ khiến bạn trở nên tự phụ và mất khả năng kiểm soát suy nghĩ
Nói về chuyện những người phụ nữ sống “bên lề”, họ là người thứ 3, thường bị những người vợ “rủ nhau ném đá” với sự hằn học. Loại trừ một số thực dụng, hư hỏng, moi tiền, tôi biết vẫn có những người phụ nữ yêu và thật sự thành tâm với người đàn ông của mình, dù họ ở địa vị “bên lề”. Tôi không thích cái cách những người vợ kể những câu chuyện về người thứ ba với thái độ ác nghiệt. Tôi không muốn làm những người vợ tổn thương nhưng nếu so sánh sòng phẳng, tôi thấy nhiều “cô bồ” giỏi giang mà lại dễ mến hơn họ nhiều. Những lời phán xét, dèm pha của người vợ đối với chồng hay với tình nhân của chồng nhiều khi chỉ khiến cho họ cảm thấy tự phụ hơn chứ thực ra chẳng giải quyết được việc gì hết.
Tất nhiên, tôi không đồng tình với những cô gái đang chọn cách “ngoài lề”. Tôi chỉ cho rằng chúng ta, những người làm vợ, nên xem lại cái cách mà mình đang nghĩ và đang phản ứng.
Ta bận tâm quá nhiều đến việc ông chồng mình có được như những ông chồng khác, ông chồng mình làm được gì cho vợ con rồi hạ bệ những gì mà ta không hài lòng, những điều mà ta không ưa. Ta không hiểu rằng, ngay cả chính mình cũng còn quá nhiều khiếm khuyết, sao lại đòi hỏi chồng mình phải hoàn hảo.
Hãy thử nhắm mắt lại, tự tìm một khoảng lặng để nghĩ những điều sâu xa hơn, cho ta và chính người mà ta yêu thương sống với chính mình và được chấp nhận những khiếm khuyết của nhau.
Bài: Nguyên Ân