Số phận kỳ lạ của một nữ tỷ phú từng tự chặt tay để cứu mình - Tạp chí Đẹp

Số phận kỳ lạ của một nữ tỷ phú từng tự chặt tay để cứu mình

Tin Tức
Cho đến khi ngồi đối diện với chị, trò chuyện với chị và nhìn đôi bàn tay cụt gần hết 10 ngón với những dòng tâm sự như dốc ngược từ tâm can thì tôi mới ngỡ ngàng tin rằng: trên đời này vẫn có những câu chuyện cổ tích…

Khúc dạo đầu đầy cay đắng của một số phận

“Tôi lấy chồng từ năm 1970, năm sau sinh đứa con trai đầu lòng nhưng đến ngày 26/12/1972, trong khi đang trú dưới hầm Yên Bệ (Hoài Đức, Hà Tây cũ), con trai tôi đã bị chết ngạt”, chị Trần Thị Hằng mở đầu cuộc đời đầy bi kịch của mình như thế.

Chị bảo, dường như số phận đã an bài, sau cái chết của con trai, những biến cố lạ lùng cứ đeo đẳng chị mấy chục năm trời.

2 năm sau khi mất đứa con đầu lòng, chồng chị từ chiến trường Campuchia trở về, nhưng vì lạc rừng ở Hà Tĩnh và bị sốt rét hoành hành nên anh bị kết tội đào ngũ. Lúc bấy giờ, chị đang là cán bộ của kho quân nhu. Tiếng oan của chồng giáng xuống, chị không chịu nổi dị nghị nên bỏ về quê chồng ở Bắc Ninh, được cơ quan cấp cho 6 tháng gạo, nhưng về địa phương, người ta không chịu nhập hộ khẩu cho chị.

Năm 1975, cậu con trai Tú Anh ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của chị. Những tưởng đi qua những đau thương của chiến tranh thì chị và gia đình khi về với đời thường sẽ được an hưởng hạnh phúc. Thế nhưng, tất cả những điều đó chỉ là một khúc dạo đầu của số phận mà thôi.

Sống cơ cực ở nhà chồng, phụng sự người đàn ông ấy như bổn phận phải có của một người vợ, nhưng cái nghèo rớt rơi cứ đeo bám, nên anh ta đã bỏ mẹ con chị để đi theo người đàn bà khác khi chị đang mang bầu được 6 tháng. Chồng phụ bạc, chị không được gia đình bên ấy giúp đỡ mà còn nặng lời với mình. Khi chị lên tiếng thì bị em chồng đánh cho thừa sống thiếu chết. Sau đó, chị bị tiền sản giật, nếu không có hàng xóm tốt bụng đưa đi bệnh viện kịp thời, có thể bây giờ chị đã ở bên kia thế giới.

Mang nỗi đau mất đứa con khi chưa kịp có mặt trên đời, trở về nhà khi người chồng công khai dẫn người đàn bà khác về sống trong nhà mình, chị đau khổ dắt theo Tú Anh về quê ngoại ở Thái Bình để nương nhờ. Khốn nỗi, mẹ chị là vợ của một liệt sỹ nhưng hoàn cảnh rất khó khăn, bà không có nhà cửa nên đang phải tá túc ở nhà cô con gái lớn. Chị không thể đưa con mình về đó ở được, nên đành ra cuối làng, nhờ người ghim cho chiếc bè bằng mấy cây chuối dựng tạm trên cái ao nhỏ. Để có tiền trả công cho người ta, chị phải đi mò cua bắt ốc mất cả tuần liền. Túp lều quá bé không thể duỗi chân nằm được nên chị ngồi ngủ để nhường chỗ cho con trai. Nhiều đêm sáng trăng, Tú Anh nằm ghé đầu lên chân mẹ, ngửa cổ nhìn bầu trời đầy sao và ước ao có một lúc nào đó, hai mẹ con có một căn nhà nhỏ, đủ chỗ nằm để ngắm bầu trời đẹp đẽ ấy.

Tài sản lớn nhất của mẹ con chị thuở ấy chính là chiếc bếp nhỏ được chị mua với giá 8 đồng. Mỗi lần nấu ăn, bồ hóng bám đầy mái lá. Mỗi lần mưa xuống, bồ hóng trôi xuống, chị lấy nón che cho con còn mình ngồi hứng. Bồ hóng trộn lẫn nước mưa cùng với những giọt nước mắt xót xa khiến chị thốt lên những lời thơ đầy ai oán: “Túp lều nát rùng mình trong giá rét/ Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm đông/ Ai sẽ về chăm lo? Chẳng còn ai nữa hết/ Tội nghiệp nỗi cô đơn trong đêm tối khóc thầm”.

Lúc bấy giờ, nhà cửa không có, tiền bạc cũng không. Nhiều hôm nhịn đói vào làng vay gạo nhưng chẳng ai cho, chị cứ nghĩ mẹ con khó qua khỏi một mùa. Biết rằng không thể nương nhờ sự sẻ chia của những người hàng xóm, chị gánh con ra chợ Rồng (Nam Định) “đặt hàng” lấy đồ bán. Chị kể: “Tôi tới hàng rau bảo với bà chủ rằng, chị cho em gửi con trai ở đây và lấy rau bán, trưa bán hết, em mang tiền đến trả và đón con em về”. Bà chủ nhìn người mua hàng từ đầu đến cuối, chị liền tiếp lời: “Chẳng phải em trốn chúa lộn chồng gì đâu, cũng không phải vì em chửa hoang mà em bị chồng bỏ. Giờ không có tiền nên mới mang con ra chợ” – thế là người ta tin, người ta đồng ý nhận “vật thế chấp bất đắc dĩ” ấy để chị lấy rau đi bán. Chiều hết hàng, chị mang tiền đến trả lại và đón con về. Từ chợ Rồng về nhà quá xa nên có hôm về không kịp, chị ngủ dọc đường. Sợ muỗi đốt con nên chị cho thằng bé vào bao tải buộc lại, chị ngồi bên cạnh gà gật ngủ. Sáng dậy, trên gương mặt chị chi chit vết muỗi. Tú Anh dù còn bé nhưng cũng biết mẹ rất đau nên thằng bé cứ ôm mặt mẹ khóc hoài.

Ngoài việc “thế chấp” con trai để lấy hàng, chị còn đi cắt cỏ thuê, xếp hàng gánh nước cho người ta, nắm than thuê ở Nam Định… chị làm bất kể việc gì, miễn là có tiền để mua gạo cho con. Để tiết kiệm chi tiêu, chị muối một hũ su hào to. Hằng ngày, chị ăn su hào và uống một ngụm nước để nhường cơm cho đứa con trai bé nhỏ. Những miếng su hào bị thối, chị gọt chỗ thối đi, chỗ nào cứng lại ăn tiếp. Có thời điểm, chị ăn su hào muối triền miên, ăn xong xót hết cả ruột nhưng tự an ủi mình: “Đã ăn no rồi, còn lại để mai dùng tiếp”.

Những ngày lang thang đi nắm than thuê, nhìn những ngôi nhà ven đường, chị thầm khao khát có một ngôi nhà nhỏ cho riêng mình, để đêm đêm, mẹ con không phải vạ vật đầu đường xó chợ nữa nhưng với người đàn bà ăn không đủ bữa thì giấc mơ đó nghe rất xa vời.

Nỗi oan mang tên “Hằng hủi”

Đói vẫn cứ đói, khát khao vẫn cứ khát khao. Ngoài thời gian đi làm thuê, tối đến, chị xin rửa xà lan dưới bến sông Thái Hạc và xin đá, xin cát vàng về đổ quanh cái ao cũ. “Lúc xin đá, xin cát, tôi chỉ nghĩ rằng cứ mang về, khi nào có điều kiện sẽ xây dù tôi biết cái ước ao ấy xa vời lắm, nhưng có ai đánh thuế niềm tin đâu” – nói rồi chị cười, nụ cười méo mó khi nhớ lại những khó khăn ban đầu.

Rồi chị tự đào đất quanh ao đóng gạch. Khi số gạch lên đến mấy nghìn thì những ngón tay của chị bỗng dưng bị hoại tử (vì đóng gạch nhiều). Không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc nên chị không thể vào viện điều trị. Để lâu sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên chị nghĩ ra cách “chữa bệnh” rất đáng kinh hoàng, ấy là nung đỏ con dao rồi kê từng ngón tay lên súc gỗ chặt đứt. Mỗi ngón tay rớt xuống, chị lại ngất đi nhưng tỉnh lại, chị chặt tiếp ngón khác. Để cầm máu, chị lấy bồ hóng trộn với tro bếp bôi vào. Đau đớn khủng khiếp nhưng chị tự động viên mình: “Đây là cách duy nhất để cứu sống mình”.

Thấy chị tự dưng mất hết các ngón tay giống như người bị phong rụng nên người ta đồn đại “cái Hằng bị hủi” và báo với chính quyền. Dân quân đến nhà, bỏ chị vào rọ mang sang làng phong Văn Môn. Sau khi khám, bác sĩ bảo “bệnh nhân không bị hủi” và trả về địa phương với 10 viên thuốc.

Dù được bác sĩ khẳng định không bị hủi nhưng trong mắt nhiều người dân, chị vẫn là con hủi. Tú Anh lúc ấy đang học lớp 3, người bé như cái kẹo nhưng vì “là con mẹ hủi” nên đi học bị các bậc phụ huynh khác phản đối không cho vào lớp. Những đứa trẻ cùng lứa thì được bố mẹ “bơm” vào đầu về căn bệnh chị mang để dọa bọn trẻ. Nhiều người còn dọa giết thằng bé dù nó chẳng có tội tình gì. Chị bảo: “Cả đời tôi, Tú Anh là món quà quý giá nhất, nó là chút niềm tin ít ỏi giúp tôi quên hết mọi bi kịch của mình. Thế nên, khi nghe người ta dọa giết nó, tôi đau đớn vô cùng, đau hơn lúc cầm con dao chặt đứt các ngón tay mình”.

Trở về túp lều cỏ trên chiếc ao nhỏ, nỗi đau mất 2 tay không đau đớn bằng nỗi hàm oan mang trên mình căn bệnh hủi. Chị ngồi trên chiếc bè, tự đọc mấy vần thơ: “Tôi muốn sống tôi vô cùng muốn sống/ Lưu danh muôn thuở những thứ đẹp tươi/ Biến vật vô tri thành có tính người/ Thực hiện ước mơ đời còn ở lại/ Dù tôi có phải khổ đau quằn quại/ Ác mộng đè lên nặng trĩu cuộc đời/ Song không trách chàng trai vui tính nọ/ Trong tương lai sẽ nói về tôi…”. Với chị, mỗi lần đau khổ thì thơ như là người bạn tri kỷ, người bạn tâm giao để níu lại một chút tình. Thế nhưng khi viết xong mấy vần thơ ấy, chị vẫn thấy đời mình sao lắm nỗi đắng cay. Trong cơn quẫn trí, chị viết mấy dòng chữ để trong túp lều nhỏ gửi cho mẹ già: “Khi con chết đi, mẹ đừng đưa Tú Anh vào trại trẻ mồ côi, mẹ cũng đừng đưa nó sang Bắc Ninh vì nhà chồng con chẳng thương yêu gì nó đâu” rồi lẳng lặng đi ra bờ sông tự vẫn.

Những bước chân ra phía bờ sông cùng với hình ảnh của một tuổi thơ nghèo rớt rơi, những năm tháng chiến tranh ác liệt, những giây phút hạnh phúc hiếm hoi bên chồng và những giọt nước mắt khóc thương mẹ của Tú Anh khi ngước lên nhìn gương mặt đen loang lổ bởi bồ hóng và nước mưa… tất cả giờ chỉ còn là chút hoài niệm sót lại. Rồi hình ảnh những người dân quân đẩy chị vào chiếc rọ đưa sang làng phong, những ngón tay cụt ngủn, những lời đồn đại ác ý… tất cả sẽ chấm dứt, con trai chị sẽ được sống những ngày tháng hạnh phúc khi “người mẹ hủi” với nỗi oan thấu trời ấy không còn hiện diện… Nghĩ vậy, nên chị chạy ào xuống sông, vừa chạy vừa khóc. Khóc cho một đời đen bạc, khóc cho những bi kịch sắp kết thúc và khóc vì có thể mấy chục phút sau, khi chị chỉ còn cái xác không hồn thì cậu con trai sẽ được bước sang một cuộc đời khác…

Khi dòng nước cuồn cuộn chảy qua thân thể chị, đến cổ, đến đầu, chị từ từ buông thõng cơ thể thì bất chợt có ai đó nắm tóc lôi lên. Giây phút ấy chị đã nghĩ: “Ông trời ơi, ông đày đọa tôi đến thế là cùng, tôi muốn chết cũng không cho tôi được chết…”.

Người đàn ông lôi chị từ dưới sông lên bảo: “Sống mới ý nghĩa chứ chết đi thì làm được gì”. Chị ngồi đầu mũi thuyền, bật khóc, chìa 2 bàn tay cụt hết ngón cho vị ân nhân xem và bảo: “Cháu còn gì nữa đâu mà sống hả cụ, những ngón tay hoại tử, không có điều kiện vào viện nên phải tự chặt tay để cứu mình, vậy mà người ta không thương, lại còn bảo cháu bị hủi rụng hết các ngón. Chúng nó còn dọa giết cả con trai cháu. Nếu cháu chết đi thì họ sẽ không hành hạ thằng bé nữa” – nói rồi chị khóc tu tu.

Ông thuyền chài lắc đầu: “Con người ta ai cũng có số phận. Hãy về với con trai, đừng nghĩ đến cái chết mà hãy nghĩ đến một tương lai tươi sáng phía trước”, nói rồi, ông đưa cho chị 1000 đồng bảo mang về mua gạo cho con, đừng nghĩ quẩn nữa. Chị cầm tiền thất thểu bước lên bờ sông, òa khóc như một đứa trẻ…

“Tôi phải sống”

Chị Trần Thị Hằng

Nếu như lúc chạy từ nhà ra sông nhanh đến đâu thì lúc trở về chị bước chậm đến đấy. Chị phải nghỉ đến mấy lần, nắn chân, sờ tay, áp lên mặt để cảm nhận lại niềm tin vào cuộc sống. Có lẽ, chính ông lão thuyền chài đã thắp lại niềm tin mà cách đó mấy chục phút chị đã buông trôi. Lúc ấy chị tin, trên đời này vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng và chị không được phép quên ơn những tấm lòng ấy.

Lần này, chị quyết định sẽ làm lại cuộc đời, chị phải sống đàng hoàng tử tế để người ta không còn có thể coi thường chị nữa.

Có tiền, nên khi về nhà, chị không để con học ở Thái Bình nữa mà đưa thằng bé sang Nam Định học. Lúc đó, suy nghĩ đơn giản của chị chỉ gói gọn trong ý thức “phải làm sao đưa con đi xa những dị nghị càng sớm càng tốt”. Đưa con sang Nam Định học, chị cũng qua đó kiếm việc làm thuê. Mỗi buổi chiều đi học về sớm, Tú Anh đứng đợi mẹ cuối làng, chờ đêm xuống, mẹ con lại dắt díu nhau về túp lều cỏ, sống lặng lẽ như hai mảnh đời chưa từng tồn tại trên thế gian. Lúc ấy, dường như cũng chẳng ai còn quan tâm đến sự hiện diện của “mẹ con người đàn bà hủi” nữa.

Thế rồi, trong những đêm khuya ấy, đôi bàn tay cụt ngón lại bắt đầu đào đất, nhồi nước và đóng gạch. Chị không nhớ mình đóng bao nhiêu đêm, chỉ biết rằng nó kéo dài chừng 6-7 năm gì đó thì được gần 20 vạn viên gạch mộc. Lúc này, ý nghĩ phải xây cho mình một ngôi nhà lại bùng lên dữ dội trong đầu chị. Thế nhưng, xây một ngôi nhà đâu đơn giản chỉ là gạch mà còn cần những thứ khác nữa. Và chị quyết định mang gạch mộc đi bán để có tiền mua than về nung. Để lại một vài vạn viên, số còn lại, chị kêu người mua mộc cả.

Có tiền bán gạch, chị thuê người về nung và làm móng dựng nhà. Khi ngôi nhà bắt đầu hình thành, một lần nữa số phận lại thử thách nghị lực của người đàn bà đen bạc khi đày ải chị với trận ốm thập tử nhất sinh và bị liệt nửa người. Tú Anh chạy khắp nơi cầu cứu người đưa mẹ đi viện, thế nhưng khi người ta đến, thay vì chở chị đến bệnh viện, họ coi chị như người đàn bà chết, rồi bàn nhau “chôn như thế nào để con hủi không còn tồn tại được nữa”. Một trong những phương pháp được mọi người tán đồng là rắc vôi bột xung quanh mộ. Tú Anh nghe thế, khóc lóc cầu xin người ta đừng đưa mẹ đi chôn, vừa khóc, cậu bé vừa níu vào thân thể xác xơ của mẹ. Trong vô thức, người đàn bà ấy chỉ muốn vùng vẫy mà kêu lên rằng: “Xin đừng đối xử với chúng tôi như vậy, tôi chưa chết, tôi vẫn còn sống, tôi muốn sống, tôi phải sống” nhưng sức khỏe quá yếu, chị không thể cất lời mà chỉ thều thào trong cuống họng.

Chị bảo, sau cái ngày định mệnh ấy, chẳng biết có phải vì được ông trời thương hay không mà mấy tháng sau, tự dưng chị hồi phục dù chẳng có điều kiện để bồi bổ thức ăn hay thuốc men gì. “Đôi khi chúng ta cũng nên tin, có những điều mình không thể lí giải được” – chị nói.

Vùng dậy để không bị ai chà đạp

Chị Hằng bảo rằng, nửa đời của chị luôn bị người ta bắt nạt, đứa con trai bé nhỏ cũng không được sống yên thân khi số phận an bài nó là con của chị. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, chị quyết tâm làm mọi việc để đứng lên, không bị người đời chà đạp nữa. Thế nhưng phải làm gì là một câu hỏi luôn thường trực trong đầu chị.

Lúc bấy giờ, vừa ốm dậy, sức khỏe yếu nên tạm thời chị chưa thể đi làm thêm được. Trong sự khó khăn ấy, bần cùng ấy, chị làm một cái bếp nhỏ, rang lạc cho con trai đi bán vào những buổi không phải tới trường.

Chị nhớ mãi hình ảnh Tú Anh người bé xíu, tay ôm cái bị vải to hơn cả người đi dọc các bến tàu, rạp hát, miệng cất cao giọng: “Ai mua lạc rang không?”. Những hôm hàng ế, hai mẹ con ăn lạc thay cơm. Ban đầu, chị chỉ tính để con đi bán hàng kiếm vài đồng qua ngày nhưng run rủi thế nào mà càng ngày hàng bán càng tốt, nhờ vậy cuộc sống của mẹ con chị cũng đỡ vất vả hơn phần nào.

Khi có được mấy đồng vốn nhỏ, chị mua được một đôi lợn để nuôi. Vừa chăm lợn, chị vừa bốc đất ở ao vén xung quanh để cấy lúa. Khi 2 con lợn đủ lớn, chị đứng ngoài chuồng ngắm nó, hạnh phúc vô cùng với món tài sản lớn đầu tiên mà mình ứa nước mắt. Thế nhưng, khi gọi người đến bán thì chẳng ai mua vì “lợn nhà con hủi”. Rao bán lợn mãi không được, cuối cùng chị phải chấp nhận hạ giá thành xuống bằng một nửa giá thị trường và gọi người từ nơi khác đến mua. Bản thân người mua lợn của chị cũng không dám đến ban ngày vì sợ dân làng dị nghị nên phải chờ đêm xuống mới dám tới bắt.

Có tiền từ đôi lợn, chị để dành một ít chi tiêu, còn nữa dồn tiền mua đôi lợn khác. Lần này chị không nuôi lợn thịt mà chuyển sang nuôi lợn đẻ vì lợn đẻ cho nhiều lãi hơn. Xung quanh cái ao được đắp bờ cẩn thận, chỗ nông, chị trồng lúa, chỗ sâu hơn, trồng rau muống, sâu nữa thì be bờ thả cá… 2 con lợn trong chuồng nhờ bàn tay chăm sóc khéo léo của chị lớn nhanh như thổi, sinh sôi nhanh… Cứ thế, cuộc sống của mẹ con chị phất lên từng ngày.

Chị kể rằng, ở thời điểm những năm 1992-1993, trong chuồng của chị có đến gần 100 con lợn, chị cứ quay vòng với chúng như đám con mọn, lúa dưới ao vào mùa chín vàng ruộm, hai mẹ con xoay như chong chóng. Với đôi tay cụt hết ngón, chị nấu cám, băm bèo, gặt lúa… nhanh hơn cả người lành lặn. Nhiều gia đình trước đây xa lánh chị vì nghi chị bị hủi, giờ lại tới nhà chị vay thóc. Dẫu có lúc chị giận người ta vì dồn chị vào chân tường nhưng khi thấy người ta gặp khó khăn, chị lại giúp đỡ. Chị bảo ở đời này, mình sống làm sao để có hậu về sau cho con cái.

Cùng lúc này, chị nhận tin cậu con trai Tú Anh đỗ vào đại học Kinh tế Quốc dân, đó là món quà lớn nhất mà cả cuộc đời cay đắng nay chị nhận được. Chị nhớ mãi khi cầm tờ giấy báo con đỗ đại học, chị cứ ngắm mãi không thôi, còn gì hạnh phúc hơn khi quả ngọt đã bắt đầu gõ cửa căn nhà nhỏ của chị.

Và con đường trở thành tỷ phú

Có vốn từ đàn lợn, chị xoay sang đi buôn. Người ta buôn bán nhỏ lẻ, chứ chị là đi buôn đất, buôn vàng. Đầu óc nhạy bén của một người từng tốt nghiệp tài chính đã giúp chị thành công lớn trong nhiều thương vụ làm ăn. Dường như, sau cả một đời lam lũ vất vả, ông trời cũng đã mủi lòng thương nên những vụ buôn bán làm ăn của chị đều thành công. Có tiền, chị quyết tâm xây một căn nhà thật to để người ta biết: “Hằng hủi không bao giờ đầu hàng số phận”. Và đó chính là căn biệt thự to nhất, đẹp nhất ở xã Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.

Nhiều người khi đi qua căn biệt thự ấy vẫn ngỡ ngàng khi đứng trước cánh cổng sắt cao to. Ai cũng ngỡ rằng đó là căn nhà của một đại gia nào đó chứ không phải của người đàn bà từng bị dân làng xa lánh vì những tiếng oan không đáng có. Biệt thự của người đàn bà từng phải gánh con ra chợ “thế chấp” để kiếm sống qua ngày.

Chị bảo với tôi rằng, khi đã có điều kiện, chị và con trai vẫn hay tìm kiếm những mảnh đời bất hạnh như mình ngày xưa để giúp đỡ, đó là cách để mình giúp đời, giúp người và hiểu hơn những giá trị của cuộc sống.

Với tất cả những gì đang có hiện nay, cũng có thể gọi chị là tỷ phú. Thế nhưng với chị, tất cả những điều đó không ý nghĩa bằng việc cậu con trai Tú Anh ra trường, lấy vợ, sinh con và hiện nay đang là giám đốc một công ty chuyên diệt mối có tiếng ở Thái Bình, còn con dâu chị là một giáo viên. Con trai của chồng chị với người phụ nữ kia cũng làm việc cùng công ty với Tú Anh. Hỏi chị có căm hận người đàn bà đã cướp chồng của mình ngày xưa, gây nên những bi kịch của đời chị không, chị lắc đầu: “Ai chẳng có sai lầm, biết đâu nhờ những bi kịch ấy mà tôi mới có ngày hôm nay”.

Căn biệt thự của chị nằm ngay cạnh ngôi nhà cũ tự tay chị xây năm xưa, đó là ngôi nhà được xây bằng nước mắt và máu của một thời cay đắng mà chị đã trải qua. Cái ao làng năm xưa với cái bè chuối mẹ con chị từng tá túc nay được xây kè cao cẩn thận. Ở đó, chị vẫn trồng lúa, thả cá, chăm lợn và băm bèo như những người chăn nuôi bình thường. Dù cuộc sống rất khá giả nhưng chị vẫn không thuê người làm. Chị vẫn muốn tự tay làm tất cả mọi việc bằng đôi tay cụt hết ngón, chính đôi tay ấy đã viết nên một câu chuyện cổ tích và lấy đi nước mắt của bao người…

Đông Dương (theo Đang yêu)

Thực hiện: depweb

16/10/2012, 14:26