Sợ như có nhà ở thành phố - Tạp chí Đẹp

Sợ như có nhà ở thành phố

Sống

Cái lí do tưởng nhỏ mà lại lớn ấy chính là sự làm phiền của không ít người nhà dưới quê lên nhờ vả hoặc “thăm viếng bất ngờ”.

 

Suýt mất việc vì chiều lòng khách quê

Những tưởng ai mua được nhà ở thành phố thì vẻ vang và hãnh diện đi về làng, rồi thì họ hàng chúc tụng này nọ. Nhưng sự đời cũng lắm cái tréo ngoe. Khi có nhà ở thành thị, người thân, họ hàng, thậm chí bà con lối xóm có việc gì trên phố cũng nhờ vả. Hoặc không có việc thì họ cũng lặn lội lên “xem nhà cửa thế nào?”. Với những lí do như vậy mà không ít người phải lao tâm khổ tứ, lo lắng đủ bề để không bị mất việc, do tập trung việc nhà hơn việc công sở.

Mới mua nhà được 1 năm ở phố Khương Trung, Hà Nội, anh Tính tưởng đã “xong một việc lớn ở đời”. Mấy tháng đầu thì vài cuộc tân gia từ trong nhà ra ngoài ngõ, tốn kém tiền chục triệu. Rồi đến hội đồng hương, còn hội bạn thời “trẻ trâu” ở quê lên góp mặt, sau là hàng xóm. Những tháng ấy coi như lương của 2 vợ chồng không dành dụm được đồng nào. Anh chỉ biết chép miệng “thôi thì nó phải thế”, mua được nhà phải khao nên tiếc gì “mấy con lợn còi”. Ôi thôi, vài tháng sau, người nhà có việc ốm đau, bệnh tật gì cũng lên nhờ vả, ăn ở, đưa đi đưa lại. Đi làm mệt phờ râu trê, giờ còn lo cho người nọ việc kia, vài tháng anh Tính hốc hác trông thấy.

Anh thở dài: “Người nhà dưới quê lên chơi không lo tiếp đón lại bị ì xèo. Nhưng tần suất nhiều quá thì đúng là mệt. Công việc cơ quan bận bịu không lo hết, nhưng vẫn phải “ăn cắp” giờ để phục vụ người nhà”. Bị nhờ vả nhiều, anh lại không biết chối khéo, nên sếp quở trách không ít vì nhiều lần ăn cắp giờ cơ quan. Anh chỉ biết trình bày để mong sếp không đuổi việc, trừ lương.

Đồng cảnh, chị Bích cũng vướng phải câu chuyện “thăm viếng” của người ở quê. Hết quê ông xã rồi đến quê chị, căn nhà hơn 50m2 (quận Tân Bình, TP.HCM) lúc nào cũng rộn ràng, tấp nập người ra kẻ vào. Người ở quê ra chơi đông, căn nhà rộng rãi được sử dụng hết công suất. “Trung bình 10 lần/ tháng, phục vụ, lo lắng cơm nước cũng khiến tôi đủ bận rộn. Nhiều hôm dù mệt mỏi, tôi cũng phải gắng dậy đi chợ vì không muốn người nhà phật lòng”, chị Bích than thở.

Có được căn nhà ở phố làm nơi “an cư lạc nghiệp” nhưng chị Bích luôn canh cánh nỗi lo tiền bạc. Nếu như trước đây chỉ lo tiền thuê nhà cũng không đáng bao nhiêu, nhưng giờ chị phải lo thêm trăm khoản bà rằn. Nào tiền cơm nước chợ búa, thậm chí là tiền biếu xén họ hàng, rồi mỗi tháng chi phí sinh hoạt điện nước cũng tăng cao do nhà lúc nào cũng đông người. Chị thở dài: “Có người bảo tôi thuê nhà sướng hơn, ngẫm lại mà đúng. Như vậy, tôi đỡ phải lo những khoản khác, lại không mệt người. Cứ nhìn hoàn cảnh bây giờ mà ngán ngẩm chẳng thiết làm gì”.

Chiều là phải nhiệt tình

Đây là câu chuyện chung của nhiều gia đình ở quê có nhà trên phố. Bởi nếu không chiều khách nhiệt tình vui vẻ thì y như rằng về quê không yên thân. Những câu nói mỉa mai, những ánh mắt soi mói, những cái bĩu môi khinh khỉnh đảm bảo sẽ luôn dành cho họ. Đành cố gắng chiều khách quê nhiệt tình để còn “có đường về quê mẹ”.

Phải chiều họ hàng nhiệt tình

Anh Bình, quê ở Long An lên TP.HCM lập nghiệp được vài năm. Nhờ siêng năng làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, anh mua được căn hộ chung cư vừa vặn. Niềm vui chưa được “tày gang” thì anh gặp phải cảnh buồn “thối ruột”. Nói ra thì anh sợ bị cho là ích kỉ, keo kiệt, nhưng không nói ra thì anh thấy ấm ức trong lòng.

“Hai vợ chồng vừa mua được nhà nên vui vẻ làm tân gia đãi họ hàng. Từ ấy, họ hàng, lối xóm dưới quê có việc trên phố là vào, từ thân đến sơ mỗi tháng cũng phải hơn chục chuyến. Mỗi lần như vậy không chỉ rất tốn kém, mà còn làm sinh hoạt cả nhà rối tung hết cả. Nếu tỏ ra khó chịu thì lại ì èo nọ kia. Đúng là mệt khi có nhà ở phố”, anh Bình rầu rĩ.

Có hôm, anh đang định đưa vợ đi khám thai thì người nhà đòi đưa đi bệnh viện khám mắt. Vậy là anh bị bà xã giận dỗi vài ngày. Anh phải tìm mọi cách bà xã mới vui vẻ trở lại, nhưng không khí gia đình cũng bị ảnh hưởng. Thỉnh thoảng, đời sống hai vợ chồng lại bị xáo trộn bởi một vài người họ hàng lên “thăm viếng”. Lúc đó, anh Bình ngao ngán chỉ mong ước được quay về những ngày bình yên nơi xóm trọ.

Khác với anh Bình, chị Liên chọn cách ứng xử dứt điểm với chuỗi “thăm viếng” của họ hàng thay vì ngoan ngoãn tiếp đãi. Chị trò chuyện bình thường khi người dưới quê đến thăm rồi cáo bận. Đúng như mong muốn của chị, từ lúc chị mua nhà đến giờ, rất ít người dưới quê ra chơi. Tuy vậy, chị gặp một sự cố đáng phải bận tâm. Mỗi lần về quê, chị Liên không được họ hàng, làng xóm chào đón. Người ta bảo, chị có nhà trên phố thì khinh người nhà quê, không tiếp đãi đàng hoàng, rồi dè bỉu cả nhà chị. Nhiều lần đưa con về quê chơi, chị gặp phải chuyện dị nghị không lọt tai, nên chẳng còn cảm hứng về với “hương đồng gió nội”. “Đúng là không chiều nhiệt tình nên mất đường về quê mẹ, dẫu có buồn thì cũng đành chịu vì tôi đâu có thời gian để phục vụ người này người kia”, chị Liên bình thản.

Trong câu chuyện này, nhóm chuyên gia tâm lý đưa ra vài cách ứng phó: Chủ nhà nên phân biệt người thân, kẻ sơ để tìm cách tiếp đãi. Đối với những người quá thân thiết thì không thể bỏ mặc hay làm ngơ khi họ lên thăm nhà, còn người sơ thì nên dứt điểm vì họ cũng sẽ biết vị trí của bản thân trong lòng gia chủ. Nếu nhiều họ hàng, đến thăm với tần suất hơi dày thì gia chủ cũng có thể nói chuyện với gia đình dưới quê để có biện pháp khéo léo, hoặc trình bày gia cảnh để mọi người hiểu và thông cảm. Các chuyên gia cũng lưu ý gia chủ nên thoải mái trong việc tiếp đãi khách, có gì tiếp nấy. Đối với những khách ở chơi nhiều ngày thì nên khéo léo chối từ bằng câu chuyện công việc.

Đỗ Quyên

(theo Gia đình & trẻ em)

Thực hiện: depweb

06/08/2012, 15:53