DepPodcast Banner 970x250

Số người mong muốn thực hiện quyền được chết gia tăng ở Thụy Sĩ

1105chet
Giáo sư Goodall trong cuộc họp báo cuối cùng trước khi chết tại Thụy Sĩ. (Nguồn: Reuters)

Giáo sư Goodall không có bệnh hiểm nghèo nào song đã quyết định lựa chọn ra đi nhờ sự hỗ trợ của chất Nembutal vì cho rằng chất lượng cuộc sống của ông không còn được như trước.

Trước đó, trong một cuộc họp báo tại Basel hôm 9/5, giáo sư Goodall cho biết, ông không cảm thấy hạnh phúc khi phải chấm dứt cuộc sống tại Thụy Sĩ và mong muốn được thực hiện điều này tại quê nhà Australia.

Tuy nhiên, ông dường như không có nhiều lựa chọn vì Thụy Sĩ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa quyền được chết. Di nguyện cuối cùng của giáo sư Goodall là ông yêu cầu không tổ chức tang lễ hay tưởng niệm và hiến cơ thể cho hoạt động nghiên cứu y học.

Mỗi năm có hàng trăm người tới các công ty như Life Circle hay Dignitas tại Thụy Sĩ để chấm dứt cuộc sống. Trước khi “được hưởng” dịch vụ này, các nhà cung cấp dịch vụ Thụy Sĩ phải đảm bảo rằng người bệnh nhận thức được các câu hỏi như họ là ai, ở đâu và họ sẽ tham gia vào việc gì.

Thống kê của chính phủ Thụy Sĩ cho biết hàng năm, tổ chức hỗ trợ thực hiện quyền được chết lớn nhất tại Thụy Sĩ có tên Exit đón nhận hàng chục nghìn thành viên mới. Năm 2017, Exit đã có 10.078 người đăng ký thành viên. Nếu những người này đáp ứng đủ tiêu chuẩn, họ có thể sử dụng dịch vụ của tổ chức.

Riêng tại Thụy Sĩ, Exit có 110.391 thành viên ở khu vực Thụy Sĩ-Đức và bang Ticino (vùng nói tiếng Ý), ở khu vực Thụy Sĩ-Pháp là 26.205 thành viên. Số người nhờ Exit hỗ trợ ra đi năm 2017 là 734 người, tăng 11 người so với năm 2016.

Exit là công ty chỉ cung cấp dịch vụ này cho công dân Thụy Sĩ và những người cư trú tại Thụy Sĩ, trong khi đó các công ty khác như Dignitas hay Life Circle đồng ý đón tiếp những khách hàng nước ngoài như giáo sư Goodall.

Thống kê của chính phủ liên bang Thụy Sĩ cho hay số người sử dụng quyền được chết năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2012, trong đó, số phụ nữ nhỉnh hơn so với nam giới. Riêng tại Exit, nữ giới cũng chiếm 60% trong số thành viên của tổ chức này, với độ tuổi trung bình từ 78,1 tới 76,7 (thống kê năm 2016).

Phần lớn thành viên của Exit là những người ung thư giai đoạn cuối, bị bệnh tuổi già hoặc mắc những bệnh kinh niên. Exit cho biết số lượng người đề nghị thực hiện quyền được chết năm 2017 là 3.500 người, tức hơn con số năm 2014 là 1.000 người.

Những tổ chức đầu tiên cung cấp dịch vụ tại Thụy Sĩ hình thành từ khoảng 35 năm trước, trong đó có Exit, Dignitas, Ex International và Life Circle. Luật pháp Thụy Sĩ chính thức hợp pháp quyền này từ những năm 1940. Trong đó có những yêu cầu cơ bản đối với người muốn hỗ trợ được chết đó là: phải nhận thức được về việc định làm, ra quyết định không bị thúc ép hay lúc bốc đồng, thực sự mong muốn chết, không bị tác động bởi bên thứ ba, và quan trọng nhất là phải tự thực hiện việc tước đi quyền sống của mình.

Các công ty như Exit và Dignitas còn có những quy định riêng, chẳng hạn họ chỉ giúp những người nào phải chịu đựng các căn bệnh hiểm nghèo, sống trong đau đớn vì bệnh tật hoặc mất khả năng vận động. Tuy nhiên, nhiều người đang muốn thay đổi những quy định này.


From the same category