Số lượng cuộc gọi tới Đường dây nóng và thư gửi tới email của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục đăng ký hiến tạng cũng tăng gấp nhiều lần bình thường.
Cụ thể, trong 2 ngày qua, có khoảng 20 người đến trực tiếp đăng ký tại Trung tâm. Trong đó, có hai ngày nghỉ cuối tuần Trung tâm chỉ nhận tư vấn qua email và điện thoại số 0915060550.
Như vậy, trong 4 ngày qua đã có gần 100 email gửi tới và rất nhiều cuộc gọi tìm tư vấn.
Vừa qua, cặp vợ chồng cùng là quân nhân – anh Võ Thanh Hải và chị Trần Thị Thu Hiền – đã đến Trung tâm để đăng ký. Anh công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự và chị làm tại Học viện quốc phòng.
Từ câu chuyện của Hải An, anh chị đã sắp xếp công việc cơ quan cùng đến Trung tâm ngày 27/2 để đăng ký hiến tạng.
Đại diện của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, hiện nay có nhiều tấm gương về hiến tạng khác không được biết tới bởi gia đình không muốn xuất hiện.
Việc các gia đình không muốn công bố thông tin cũng là một trong những rào cản lớn đối với công tác truyền thông, vận động hiến mô/tạng hiện nay. Nhiều người có người thân hiến tạng sau khi chết/chết não đã rất khổ sở với những điều tiếng, dư luận… Chủ yếu họ bị mang tiếng “bán” tạng của người thân.
Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay nhu cầu ghép mô tạng ở Việt Nam rất lớn, có hàng chục nghìn người đang chờ ghép. Tuy nhiên, nguồn mô tạng tiếp nhận rất ít và gặp nhiều khó khăn.
Tại Việt Nam có hơn 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế. Do đó, việc vận động những bệnh nhân chết não, tim ngừng đập hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và cần được nhân rộng.