Với việc triển khai tiêm chủng mở rộng hàng triệu mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian tới, việc cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử sẽ có nhiều ý nghĩa.
Thông tin từ Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia cho hay mô hình tổng thể các hệ thống công nghệ phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện gồm các hệ thống chủ động tấn công, phòng thủ chủ động và các hệ thống chống dịch.
Trong thời gian tới, ngoài các nền tảng như VHD, Ncovi, Bluezone,… sẽ có thêm một số giải pháp mới được đưa vào sử dụng đó là Hệ thống quản lý tiêm chủng và Chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 điện tử. Thông tin người dân sau khi đã tiêm sẽ được quản lý trên hệ thống và đưa vào hồ sơ sức khỏe điện tử.
Nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ, triển khai các nền tảng và ứng dụng công nghệ là hết sức quan trọng trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viettel triển khai nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử.
“Số hoá” thông tin tiêm chủng người dân
Theo thông tin từ Viettel, đơn vị này đã hoàn thiện ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử và sẵn sàng triển khai. Sổ sức khỏe điện tử giúp người dân đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế trực tuyến trên website hoặc smartphone và nhận được thông tin về địa điểm, thời gian dự kiến tiêm.
Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho người đến tiêm, hạn chế tập trung đông người tại cơ sở tiêm cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR nên khi đến tiêm chỉ cần quét mã rất nhanh chóng.
Cũng qua ứng dụng này, người đi tiêm được cung cấp thông tin về tiêm chủng vaccine. Thông tin khám sàng lọc cũng được nhập vào Sổ sức khỏe điện tử của mỗi người giúp đối chiếu các triệu chứng sau tiêm.
Trường hợp có hiện tượng bất thường sau tiêm, người được tiêm chủng có thể phản ánh qua ứng dụng để được nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm liên hệ tư vấn, hướng dẫn khám và điều trị kịp thời.
Theo ông Lưu Thế Anh – Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS), sau khi được tiêm vaccine mỗi người dân sẽ có mã QR. Mã QR được tích hợp trong Sổ sức khoẻ điện tử này chính là tờ giấy xác nhận tiêm hiện nay Bộ Y tế đang in ra cho người dân cầm sau mỗi lần kết thúc tiêm chung.
Cùng với đó, mã QR sẽ được tích hợp trong ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử (qua app hoặc website).
Theo đánh giá của Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia, khi lượng vaccine ngày càng nhiều, để đáp ứng yêu cầu quản lý, mở cửa giao thương thì Hệ thống quản lý tiêm chủng và Chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 điện tử hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” sẽ có vai trò rất quan trọng.
Đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 cho hay hiện nay vẫn có các chuyên gia tới Việt Nam và họ đã được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng trong nước cũng được triển khai mạnh. Do đó, cần có chứng nhận điện tử để dễ dàng tạo điều kiện thông thương cho người đi từ vùng này sang vùng khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác và ngược lại.
Để sẵn sàng cho giai đoạn triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang cùng các doanh nghiệp xây dựng Hệ thống chứng thư số vaccine, có thể kết nối và công nhận với các nước trên thế giới và được dự kiến sẵn sàng triển khai từ 1/7.
Thách thức khi triển khai
Theo ông Lưu Thế Anh, nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử đã được đơn vị này triển khai từ đầu năm. Cùng với đó, Viettel cũng đã tiến hành đào tạo cho các Cục Y tế dự phòng và CDC các tỉnh.
Tuy nhiên thời điểm triển khai hệ thống rơi vào đúng thời điểm Việt Nam bắt đầu tiêm chủng mở rộng, yêu cầu cấp bách nên Viettel phải song hành với Chính phủ, vừa triển khai tiêm chủng vừa phải hoàn thiện phần mềm.
Ông Thế Anh cũng cho biết việc cập nhật dữ liệu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. “Hiện nay việc têm vaccine và cập nhật dữ liệu dễ dàng hơn vì đã xác định được đối tượng tiêm trước. Nhưng sau này, việc triển khai tiêm mở rộng khiến hệ thống phải đáp ứng được lượng truy cập rất lớn.”
Cùng với đó, việc đào tạo cho tuyến dưới cũng sẽ gặp khó khăn khi tiến hành gấp rút cho 12 ngàn trạm y tế cùng cơ sở y tế đủ điều kiện tiêm chủng.
Ông Thế Anh cũng chia sẻ hiện nay nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ về “hộ chiếu vaccine COVID-19.” Thực chất đây là tờ giấy chứng nhận tiêm còn hộ chiếu thì tức là phải cầm đi được và được các nước chấp nhận lẫn nhau. Như vậy, khó khăn nhất là làm sao các nước chấp nhận giấy chứng nhận tiêm điện tử của Việt Nam.
Theo ông, trong khi ngày càng có nhiều nước trên thế giới áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine” nhưng lại không hề có sự thống nhất các tiêu chuẩn chung ở cấp độ quốc tế để nâng cao hiệu quả của “tấm giấy thông hành” này.
Về vấn đề bảo mật, đại diện VTS cho biết sẽ đưa thêm công nghệ blockchain bảo đảm an toàn thông tin và tính duy nhất của mã QR của người dân trong ứng dụng.
Bên cạnh đó, mỗi mã QR sẽ có xác nhận để phân biệt giữa các lần tiêm, lần tiêm thứ 1 là vòng màu vàng xung quanh, lần tiêm thứ 2 là vòng màu xanh.
Ứng dụng cũng đưa dữ liệu để AI vào phân tích đưa ra các bài toán dự đoán trong chống dịch, số liệu dịch tễ, lịch sử di chuyển của cá nhân để phục vụ công tác chống dịch.
Việc “số hoá” thông tin tiêm chủng của người dân được kỳ vọng là một trong những bước đi quan trọng trong việc đẩy nhanh công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.